Báo Người Tiêu Dùng ngày 14/9/2016 có bài Chất cấm Salbutamol còn tồn đủ đầu độc 1 triệu con heo nhưng Cục Quản lý Dược vẫn cho nhập 100kg. Theo đó, lấy lý do Salbutamol đã cạn kiệt, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho nhập thêm 100 kg. Tuy nhiên, có hơn 2 tấn chất này bị tạm giữ ở Bình Dương vẫn còn nguyên, chưa ai xử lý. Nếu bị lọt ra ngoài, lượng Salbutamol này sẽ đủ... đầu độc một triệu con heo. Lẽ ra, Cục Quản lý Dược nên sử dụng số Salbutamol nói trên, quản lý thật chặt thay vì lại cho nhập tiếp trong khi lượng còn tồn đủ sử dụng cho nhiều năm.

Sau khi báo đăng, Cục Quản lý Dược có văn bản số: 17805 /QLD - KD  ngày 12/9/2016 gửi Báo Người Tiêu Dùng. Theo đó: “Về câu hỏi: Salbutamol còn tồn 2000kg thì cho nhập 100kg để làm gì? Cục Quản lý Dược xin cung câp thông tin để quý báo được rõ: Số lượng 2000 kg còn tồn trong kho của công ty Minh Anh như báo nêu hiện vẫn bị niêm phong phục vụ điều tra. Nếu vụ việc kết thúc, việc sử dụng số lượng nguyên liệu này sẽ phải tuân thủ đúng quy định về kinh doanh nguyên liệu thuốc thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt, trường hợp hàng lưu kho lâu ngày đến hết hạn sử dụng thì phải tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, Cục Quản lý Dược cho rằng hơn 2 tấn salbutamol chưa thể sử dụng vì còn niêm phong phục vụ điều tra (!)..

Trả lời về việc cho phép tái nhập khẩu chất cấm salbutamol lần này, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho rằng, các đơn vị nhập khẩu “không muốn dính dáng đến lượng salbutamol phi pháp đó” và “Cũ không dùng được, mới thì không có nên thiếu thuốc. Vì thế, phải có thuốc cho dân dùng nhưng cũng phải làm sao để tránh lạm dụng”. Ông Cường cũng tái khẳng định  "C49 “đang điều tra”.

Dù ông Cường nói rằng công an đang điều tra nên không thể lấy số Salbutamol đã mua ra sử dụng, thế nhưng cấp phó của ông lại có văn bản hoàn toàn khác. Cụ thể, ngày 30.3.2016, Cục Phó Cục Quản lý Dược Đỗ Văn Đông ký báo cáo số 262/QLD-KD gửi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về việc nhập khẩu và quản lý Salbutamol. Trong báo cáo này, ông Đông khẳng định đã xử lý rất quyết liệt các đơn vị sai phạm. Và, qua rà soát, làm việc với các cơ sở nhập khẩu kinh doanh Salbutamol, đã phát hiện 6.268 kg salbutamol được bán ra thị trường sử dụng vào mục đích khác. Điển hình như Công ty Hóa dược Minh Anh (Bình Dương, bán 2.050 kg); Công ty TNHH Thuốc thú y Khoa Nguyên (TP.HCM); Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (Hà Nội); Công ty TNHH TACN Trường Phú (Hải Dương)… đã có hành vi kinh doanh, sử dụng salbutamol trong chăn nuôi. Cục đã chuyển C49 để điều tra 3 trường hợp sai phạm. Tuy nhiên, tháng 1/2016, do chưa có cơ sở tài liệu chứng minh số Salbutamol do 3 công ty này bán ra được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên C49 chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. Do đó, họ đã chuyển hồ sơ về Cục Quản lý Dược để xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, sai phạm của doanh nghiệp trong vụ việc này đã được khẳng định là vi phạm hành chính từ đầu năm 2016. Và, cho đến nay đã 9 tháng trôi qua, khi Báo Người Tiêu Dùng phát hiện số salbutamol nói trên vẫn còn thì ông Cục trưởng lại cho rằng “công an đang điều tra”.

Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm trong việc cho nhập một số lượng lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế trong hai năm 2014-2015, ông Cường lý giải: Do khi đó không biết Salbutamol là chất cấm dùng cho chăn nuôi và chỉ đến khi Bộ NN&PTNT công bố danh mục chất cấm thì mới biết (?).

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Bộ NN&PTNT lại khẳng định Bộ NN&PTNT ban hành danh mục chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có chất Salbutamol, từ năm 2001 - tức cách đây 15 năm!

Bình luận về con số hơn 9 tấn salbutamol được Cục Quản lý Dược cho nhập khẩu trong hai năm 2014-2015, TS. BS. Trần Bá Thoại - Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam cho rằng: “Việc cho nhập 100kg Salbutamol để làm thuốc chữa bệnh là nhu cầu chính đáng, và số lượng đó cũng ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, con số hơn 9 tấn Salbutamol được Cục Quản lý dược cho nhập khẩu trong 2 năm 2014-2015 là quá lớn so với nhu cầu thực tế để sản xuất thuốc chữa bệnh".

Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh hen phế quản ở người trưởng thành tại Việt Nam là 4,1%. Trong khi đó, có rất nhiều thuốc trị hen chứ không chỉ có một loại thuốc có chứa Salbutamol. Tôi làm một phép thử “tối đa”, nếu những người bị bệnh hen suyễn đều là người lớn, đều bị bệnh nặng, chỉ dùng thuốc có chứa Salbutamol chứ không dùng các loại thuốc khác thì mỗi năm cũng chỉ cần chưa đến một tấn. Đó là giả sử tất cả đều dùng Salbutamol với mức độ tối đa. Trong thực tế thì không thể như ậy, vì có rất nhiều loại thuốc khác”.

Lẽ nào ông Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường “vô tư” không biết Salbutamol là chất bị cấm từ cách đây 15 năm? Lý do nào khiến người quản lý toàn bộ ngành dược Việt Nam “bỗng nhiên nhiệt tình” với việc cho phép nhập khẩu chất cấm Salbutamol, bất chấp lo ngại từ dư luận? Liệu ông Cục trưởng có dám lấy “chiếc ghế” và “sinh mệnh chính trị” của mình để đảm bảo rằng, không có hoạt động lạm dụng chất cấm này gây nguy hiểm cho cộng đồng???

Theo Cường Đông/NTD