Những ngày giữa tháng 4/2019, Nhóm PV Báo Thanh tra đã tìm về làng Hà Xá, gặp lại nữ du kích năm ấy để được nghe câu chuyện hồi hộp, căng thẳng đến nghẹt thở của một thời hoa lửa chiến tranh.

Ký ức anh hùng

Nữ du kích anh hùng trên là Trịnh Thị Thanh Mão. Bà sinh ra tại làng Hà Xá. Chiến tranh ập đến, Hà Xá bị giặc càn quét, đốt phá, giết chóc, nhiều ngôi nhà biến thành ngọn đuốc, thành đống tro tàn. Từ một cô gái nông thôn chân chất, năm 15 tuổi, chứng kiến cảnh quê hương bị giặc dày xéo, cha cùng anh trai tham gia cách mạng bị giặc bắt, tra tấn dã man, bà Mão tham gia Đội Thiếu niên An ninh mật làng Hà Xá rồi trở thành Đội trưởng.

Thành phần của tổ chức này hầu hết tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại giữ vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ban ngày Đội cải trang làm những “cháu bé” đi chăn trâu, cắt cỏ gần nơi địch chiếm đóng để quan sát, nắm bắt tình hình hoạt động của địch, đặc biệt là những tên đầu sỏ, ác ôn nhằm báo cáo cho tổ chức, còn ban đêm thì vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược từ “ấp chiến lược” vào căn cứ cách mạng. 

Bằng hình thức cài mìn hẹn giờ đánh địch, từ tháng 6/1965 đến tháng 8/1967, Đội Thiếu niên An ninh mật làng Hà Xá đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đánh cháy 4 xe cơ giới (3 xe chở vũ khí, quân trang quân dụng và 1 xe của tên quận trưởng quận Hương Trà). Riêng bà Mão là người trực tiếp dùng mìn đánh cháy 2 xe. Tháng 9/1967, lúc vừa tròn 18 tuổi, bà đã vinh dự được tổ chức kết nạp vào Đảng và được giao nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ Hà Xá. Hoạt động được một thời gian, địch điên cuồng tổ chức càn quét, bắt bớ nhằm đè bẹp tinh thần cách mạng của nhân dân ta ở nhiều nơi. Trong đợt này bà cùng nhiều đồng đội bị giặc bắt giam ở Ty Cảnh sát Quảng Trị, chịu sự tra tấn dã man của quân thù.

Bà Mão (bên phải) hồi còn là một du kích trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Bà Mão kể, những ngày bị nhốt ở trại giam, Mỹ ngụy bằng mọi cách tra khảo. Chúng dùng nước xà phòng, ớt cay bột đổ vào lỗ mũi rồi bịt miệng bà lại. Tàn ác hơn, nhiều lần kẻ thù đã dùng điện dí thẳng vào các đốt ngón tay, ngón chân khiến bà ngã phịch xuống đất bất tỉnh, sau đó nhấn đầu bà vào thùng nước cho tỉnh lại để tiếp tục tra khảo, moi thông tin cách mạng. Dùng nhiều cách tra tấn dã man, nhưng kẻ thù vẫn không thể làm “nữ du kích thép” khai ra nửa lời. Thất bại, giặc đành thả bà về nhà trong tình cảnh đầy thương tích.

Ra tù, địch theo dõi gắt gao nên việc nối lại liên lạc với tổ chức của bà rất khó khăn. Tuy nhiên, bằng mưu trí, ý chí sắt đá, tháng 8/1970 bà đã “lọt” vào được hàng ngũ của địch để hoạt động “ngầm” dưới chức danh “Trung đội phó lực lượng dân quân tự vệ” của địch. Ở vị trí này bà được tổ chức giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, là một nữ biệt động “ngầm” ám sát những tên Mỹ, ngụy ác ôn khét tiếng từng nợ nhiều máu của đồng bào, chiến sĩ ta.

Đội Thiếu niên An ninh mật làng Hà Xá ngày nào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Trong câu chuyện kể với chúng tôi, bà nhớ như in giây phút căng thẳng, nghẹt thở lần chĩa súng K54 vào đầu Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu.

8 giờ sáng 21/9/1970, một trung đoàn ngụy hàng ngàn tên gồm tướng tá, lính cát cứ tại Quảng Trị với đủ loại vũ khí tinh nhuệ có mặt tại một khu đất trống thuộc thôn Bồ Bản, huyện Triệu Phong để bảo vệ Tổng thống Thiệu về dự lễ khánh thành cái gọi là “hệ thống ấp chiến lược” và “chương trình bình định nông thôn kiểu mới”. 

Theo chỉ đạo của cấp trên, bà Mão trực tiếp ám sát Thiệu ngay tại buổi lễ dưới sự giúp sức của 2 đồng đội khác thuộc lực lượng an ninh Quảng Hà. Đúng 8 giờ 15 cùng ngày, Thiệu trong bộ comple màu xám bước lên lễ đài đọc diễn văn giữa bốn bề cảnh sát, binh lính vây chặt. Khi giờ “G” điểm, bà Mão sẵn sàng hành động thì bỗng trời chuyển mưa lớn, lốc xoáy cuốn cát bụi bay mù mịt. Lợi dụng cơ hội này, nữ biệt động né người, trùm vội chiếc áo mưa màu đen lên đầu rồi rút khẩu súng k54 giấu sẵn ở thắt lưng nhắm thẳng vào đầu Thiệu siết cò. “Cạch”! “Cạch”!  2 lần siết cò, 2 âm thanh bật ra nhưng đạn không nổ. Sắc mặt nữ biệt động tái đi. Khẩu súng ngắn trên tay bà lúc này như một thỏi sắt vô hồn đáng sợ hơn bao giờ hết. Sau giây phút kinh hoàng, căng thẳng tột độ, bà tự trấn tĩnh làm như không có chuyện gì xảy ra rồi giấu vội khẩu súng vào nơi cũ. Thừa lúc, quân ngụy đang nhốn nháo, vây lấy Thiệu để di chuyển xuống lễ đài thì nữ biệt động và 2 đồng đội đứng bên ra ám hiệu lặng lẽ rút lui nhằm tránh thương vong không cần thiết.

Khẩu súng ngắn K54 bà Mão dùng ám sát Tổng thống Thiệu. Ảnh: Nguyên Dũng

 

Sau này, khi kiểm điểm trước tổ chức về nguyên nhân súng không nổ, nhiều đồng đội đã cảm thông sâu sắc với bà và biết được câu chuyện, trước đó do địch trấn áp gắt gao, khẩu súng K54 được bà chôn dấu nhiều ngày dưới đất cát, nên đạn bị ẩm ướt, không nổ.

Tháng 4/1972, trong một trận đánh khốc liệt, mạnh như vũ bão của quân ta nhằm giải phóng Thành cổ Quảng Trị, bà Mão trúng đạn, bị thương nặng, được tổ chức đưa ra miền Bắc chữa trị. Năm 1973, bà vinh dự được Trung ương  giao nhiệm vụ lên đường sang Cộng hòa Dân chủ Đức tham dự Đại hội Thanh niên Thế giới tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Hòa bình lập lại năm 1975, “nữ biệt động thép” trở về quê hương, công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện Triệu Phong, đảm nhận việc hướng dẫn du khách tham quan nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - một người con anh hùng, kiên trung của Đảng.

Ông Nguyễn Quang Lợi (74 tuổi) là du kích địa phương tự hào bên bức ảnh thời còn trẻ của đồng đội Trịnh Thị Thanh Mão. Ảnh: Nguyên Dũng

 

Cuộc sống đời thường giản dị

Với những thành tích, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, bà Mão được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 3 Huân chương chiến công hạng Ba, 2 dũng sĩ diệt xe cơ giới, Huy hiệu tấn công nổi dậy anh dũng kiên cường, chiến sĩ thi đua toàn khu Bình - Trị - Thiên 1971 - 1972; Huy chương vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam. Ngày 7/10/2009, bà vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

44 năm qua, từ ngày đất nước thống nhất, “nữ du kích thép” ngày nào giờ đã bước vào tuổi 70, tóc bạc trắng, sức khỏe giảm sút vì hàng loạt mảnh đạn, bom còn găm lại trong thân thể đã hành hạ bà mỗi khi trái gió trở trời. Sự tàn khốc của chiến tranh, sự tra tấn dã man của kẻ thù, chất độc da cam/đioxin cũng đã cướp đi vai trò làm vợ, thiên chức làm mẹ của bà.

Trước những cống hiến lớn lao, bà Trịnh Thị Thanh Mão được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.  Ảnh: Nguyên Dũng

 

Nhiều năm nay, dù phải sống cô đơn, đau buồn nhưng bà không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng. Bà sợ lại phải chịu thêm nỗi đau, mất mát. Cứ thế bà vẫn sống côi cút một mình trong ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, giản dị ẩn mình dưới hàng cây xanh mướt tại làng Hà Xá. Mỗi lúc đau ốm thường là mấy đứa cháu họ và bà con lối xóm giúp đỡ.

Ít ai hình dung được đằng sau vinh quang của nữ biệt động thép kiên cường ấy là bao nỗi đau, mất mát vì chiến tranh. Nhưng bù lại, bà được Đảng, Nhà nước quan tâm, bù đắp và được bà con lối xóm kính trọng, sẻ chia.  

Dù hậu quả chiến tranh gây ra rất tàn khốc nhưng qua câu chuyện của bà Mão kể, chúng ta ý thức được rằng, bà không hề hối tiếc và nếu thời gian quay trở lại, bà vẫn sẵn sàng ra trận thêm một lần nữa nếu Tổ quốc lâm nguy.

Bà nói với chúng tôi: “Độc lập, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Bất kỳ người con nào của đất Việt lớn lên đều phải xác định trách nhiệm cống hiện, trung thành với Tổ quốc. Có đổ máu, thương tật hay hi sinh đi nữa cũng không hối hận. Đó là nghĩa vụ cao cả, đáng tự hào của cuộc đời mỗi con người”.

Nguyên Dũng