Trước đó, vào tháng 9/2018, Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an phối hợp với tổ công tác Công an huyện Văn Giang và Công an xã Tân Tiến đã phát hiện 32 bao tải chứa 780kg vảy tê tê không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc trong quá trình kiểm tra nhà của anh trai của Nguyễn Văn Long. Sau đó, đối tượng Long đã thừa nhận số hàng hóa trên là của mình.

Theo kết luận giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, 32 bao tải gồm có 225kg vảy tê tê đất (Manis temminckii) và 555kg vảy tê tê cây bụng trắng (Manis tricuspis), với trị giá được xác định là 1.053.000.000 đồng.

Cả hai loài tê tê này đều không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam và được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Như vậy, tang vật vẩy tê tê trong vụ án nói trên là “hàng cấm” theo quy định của Luật Đầu tư 2014 (nay là Luật Đầu tư 2020) và Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ xâm hại đến quần thể của các loài tê tê này trong tự nhiên mà còn tiếp tay cho cho tình trạng mua bán, tiêu thụ trái phép vảy tê tê xuyên quốc gia và đã đáp ứng cấu thành tội phạm theo quy định tại Khoản 3 Điều 191 Bộ Luật hình sự với khung hình phạt từ 5-10 năm tù.  

Ngoài án phạt 5 năm 3 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Long, TAND tỉnh Hưng Yên cũng đã tuyên tiêu hủy toàn bộ số lượng vảy tê tê tịch thu.

Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), đây là vụ án đầu tiên liên quan đến vảy tê tê châu Phi được đưa ra xét xử trong 5 năm trở lại đây. Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Với hình phạt nghiêm khắc và quyết định tiêu hủy toàn bộ số tang vật vảy tê tê, bản án của TAND tỉnh Hưng Yên đã thể hiện tinh thần không khoan nhượng với tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hưng Yên. Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc đến các đối tượng đã và đang thu lợi bất chính từ việc kinh doanh động vật hoang dã”.

 

Q. Đông