Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về hàng hải

Thứ ba, 26/04/2011 - 09:48

(Thanh tra)- Theo Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, từ nay đến năm 2020, kinh tế hàng hải sẽ đứng ở vị trí thứ 2 sau khai thác dầu khí; từ sau năm 2020, sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong các ngành kinh tế biển. Vì thế, để triển khai các chương trình hành động, đưa Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia mạnh về hàng hải, phải thực hiện tốt những mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược Biển.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Huệ, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải, với quy hoạch tổng thể được phê duyệt, cơ sở hạ tầng cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của kinh tế đất nước. Hàng hóa qua cảng tiếp tục tăng nhanh. Đến năm 2007, cả nước đã xây dựng được 160 bến cảng, 305 cầu cảng với tổng chiều dài tuyến mép bến trên đạt 36.000km. Trong giai đoạn này, quy mô hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng gấp 1,8 lần về chiều dài cầu bến, tăng 3 lần về công suất thông qua, tốc độ xây dựng cầu bến tăng bình quân 6%. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng hơn 2 lần với tốc độ trung bình trên 11%/năm, trong đó hàng container tăng 3,35 lần với tốc độ trung bình gần 19%/năm, số lượng tàu thuyền cập cảng tăng 2 lần…

Cùng với những thuận lợi do sự phục hồi kinh tế thế giới, Nhà nước đã có nhiều chính sách hợp lý thu hút các nguồn vốn khác nhau đầu tư vào phát triển hạ tầng cảng biển. Vốn ngân sách được ưu tiên cho các công trình công cộng như luồng chạy tàu, đê chắn cát, đê chắn sóng…; cấp đủ kinh phí để thực hiện nạo vét, di tu, bảo dưỡng luồng chạy tàu hàng năm. Kêu gọi doanh nghiệp (DN) tự huy động vốn đầu tư cầu, bến cảng theo hình thức như Cty liên doanh, Cty cổ phần... Từ năm 2007 đến nay, rất nhiều bến cảng biển với quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại tiếp tục được triển khai xây dựng, đặc biệt các dự án đầu tư xây dựng cảng biển ở khu vực TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu với sự tham gia của nhiều hãng tàu, Cty hàng hải hàng đầu của thế giới.

Trên cơ sở Bộ luật Hàng hải và các quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, đã hình thành các trung tâm cảng quan trọng ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Từ chỗ cả nước chỉ có 8 cảng biển đến nay đã có 49 cảng biển với gần 400 cầu cảng của nhiều thành phần kinh tế.

Trong vòng vài năm tới, cảng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cảng biển hiện đại của thế giới, có thể tiếp nhận tàu trên 100 ngàn DWT và vận chuyển hàng đi thẳng từ Việt Nam đến Mỹ và các nước EU. Với công suất hàng chục triệu TEU/năm, khả năng  Bà Rịa - Vũng Tàu lọt vào danh sách các cảng hàng đầu của thế giới là thực tế. Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện - Hải Phòng và cảng trung chuyển container Vân Phong - Khánh Hòa (có thể tiếp nhận tàu đến 200 ngàn DWT) cũng sẽ là những cảng biển hiện đại quan trọng trong hệ thống cảng biển của thế giới.

Chúng ta có cơ sở để thực hiện điều đó, bởi Việt Nam nằm trong khu vực hoạt động hàng hải trong đó có việc khai thác cảng năng động nhất thế giới. Bên cạnh đó, các cảng xếp dỡ container hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á như cảng trung chuyển container quốc tế Hồng Công, cảng PSA của Singapore, cảng Pusan Hàn Quốc… Hiện nay, nhiều nhà khai thác cảng và hãng vận tải biển hàng đầu của thế giới đang có mặt ở Việt Nam để đầu tư và cùng các DN hàng hải Việt Nam kinh doanh xếp dỡ và vận chuyển hàng hoá. Đây là cơ hội để các DN hàng hải học hỏi kinh nghiệm vươn ra thị trường lớn của thế giới, đồng thời cũng là cơ hội để thu hút hàng hoá của các nước trong khu vực trung chuyển qua Việt Nam.

Về điều kiện tự nhiên, bờ biển Việt Nam dài, nhiều vị trí thuận lợi đặc biệt, nhiều vùng vịnh kín sóng gió, nước sâu, gần tuyến đường hàng hải quốc tế có nhiều cửa sông lớn thuận tiện cho xây dựng cảng biển hiện đại và khai thác vận tải biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thách thức lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua là đào tạo và cung cấp đủ nguồn lực để phục vụ sản xuất và công tác quản lý khai thác cảng biển, đội tàu vận tải và dịch vụ với chất lượng cao đạt trình độ quốc tế. Chúng ta cần phải xây dựng được một cơ chế quản lý phù hợp với xu thế của thời đại và đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam; xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy các DN trong ngành hàng hải kinh doanh có hiệu quả.

   Nam San

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm