Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Văn hóa vỉa hè?

Ngô Quốc Đông

Thứ ba, 09/07/2024 - 16:04

Vỉa hè đã từng đem lại vẻ đẹp và đặc trưng của nét phố phường Hà Nội. Người ta nói đến Hà Nội với nhiều thắng cảnh di tích, trong đó có đặc trưng của văn hóa vỉa hè. Ở đó có hàng rong, trà đá, với nhiều quán cóc, các quán ăn vặt khác như xôi, bún, cháo…

Ảnh minh họa: https://vnexpress.net/

Ở mọi thời điểm, sự nhộn nhịp đa dạng của các hoạt động vỉa hè đã tạo ra những nét rất riêng của vỉa hè, đến nỗi hình ảnh vỉa hè đã đi vào ca từ bài hát “Hà Nội mùa Thu” của Trịnh Công Sơn trong đó có câu “Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”.

Ngày trước cả khu phố có thể coi chính là một “khu chợ”, ở đó trở thành nơi buôn bán, giao tiếp cộng đồng. Từ đó vỉa hè đã trở thành không gian hàm chứa nhịp sống của Hà Nội và theo những giai đoạn lịch sử đã hình thành nét văn hóa riêng. 

Nhưng nhịp sống hiện đại với áp lực dân cư và giao thông, sự quy hoạch thiếu tầm nhìn đã làm cho nhiều không gian văn hóa vỉa hè bị biến đổi, làm cho người ta không còn thấy vẻ đẹp của Hà Nội thủa nào. Người ta chỉ còn có thể tìm thấy các không gian vỉa hè khi đi vào khu phố cổ, hoặc những khu phố do người Pháp xây dựng.

Có thể nói, ở Hà Nội hiện nay có rất nhiều phố nhưng không phải phố nào cũng có không gian cho vỉa hè. Có những khu phố không có vỉa hè. Nhiều khu phố mới hoặc cải tạo vỉa hè đã bị biến đổi công năng sử dụng, chỉ giành cho xe mô-tô chạy lên vào giờ cao điểm, không còn giành cho người đi bộ. Vỉa hè bị chiếm dụng hết cho việc gửi xe máy dẫn đến vỉa hè cũng chẳng còn phải để đi bộ hay giành cho những gánh hàng rong.

Vỉa hè tạo ra những dấu ấn văn hóa một phần vì gắn với hoạt động sinh kế của con người. Qua đó nó lưu lại cho người ta những cảm giác lắng đọng, chứ không chỉ thuần túy hướng tới lợi ích kinh tế. Nhưng vì nó phát sinh các lợi ích kinh tế nên vỉa hè có thể là nơi tranh chấp, lạm dụng, dẫn đến việc phải cấm đoán, xử phạt tùy tiện bán hàng, họp chợ cóc. Nhìn cảnh những đội trật tự đi thu bắt những gánh hàng rong, xử phạt họ, rồi họ khóc lóc, van xin thì không thể tạo ra cái gọi là văn hóa vỉa hè, đôi khi vì chấp hành công vụ mà tạo ra những hình ảnh phản cảm, không đẹp mắt.

Ngày này, liệu có còn chỗ đứng cho một cái gọi là văn hóa vỉa hè? Rõ ràng đang có sự xâm lấn giữa yếu tố văn hóa cũ và mới. Trong một khu phố hiện đại những nét sinh hoạt của người dân lao động lam lũ như vá xe, bán nước chè, cắt tóc ít còn xuất hiện trong các vỉa hè. Vỉa hè ngày nay được đục khoét cải tạo và lát đá liên tục, tạo ra diện mạo mới sạch sẽ, là nơi đậu xe hơi, xe máy, hoặc trưng biển quảng cáo cho các tiệm hớt tóc, bán quần áo, giày dép. Tức nó giành cho những kinh doanh lớn, chứ không còn cho người lao động lam lũ, phổ thông. Vỉa hè ngày nay cũng ít cây xanh bởi mật độ bê tông hóa dày đặc làm cho nhiều người cảm thấy ngột ngạt nóng bức không thể đi bộ hay dừng chân ngắm cảnh, ăn quà vặt. Hiện đại đã làm bộ mặt đô thi đổi thay, trong đó có sự biến đổi đi công năng và các thành tố tạo ra văn hóa vỉa hè.

 Chúng ta không thể để một đô thị với các vỉa hè nhộn nhạo, nhếch nhác và nói rằng đó là một thứ văn hóa. Nhưng những phố không vỉa hè, không cây xanh, hoặc chỉ biến vỉa hè nhằm sinh lợi cũng chẳng thể tạo ra cái gọi là văn hóa hè phố. Dường như ngày nay để tạo dựng hay duy trì nét đặc trưng của văn hóa vỉa hè xem ra cũng không dễ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm