Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Chủ nhật, 13/10/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Sinh thời, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không có những tác phẩm kinh điển đồ sộ hay những tác phẩm chuyên biệt viết về đội ngũ doanh nhân Việt Nam (Người thường gọi là thương nhân và các nhà kinh doanh); song, trong các bài nói, bài viết mình, Người đề cập nhiều luận điểm quý báu về đội ngũ này. Những luận điểm này đã, đang và sẽ là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững mạnh trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945 (trong đó có cụ Hoàng Thị Minh Hồ). Ảnh: TTXVN

Kế thừa chủ thuyết phát triển đất nước trước đây của ông cha, từ rất sớm, năm 1920 trong Việt Nam yêu cầu ca, với 56 câu thơ lục bát và song thất lục bát để diễn đạt lại Yêu sách của nhân dân An Nam, gửi ngày 18/1/1919 tới đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Vécxây (Pháp), với nhãn quan chính trị - kinh tế nhạy bén của mình, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng và cho phép Việt Nam được độc lập về kinh tế, có quyền phát triển công nghiệp, dịch vụ và tự do giao thương: “Ba xin rộng phép học hành/Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương”(1).

Khi đất nước ta bước vào cao trào cách mạng 1939-1945, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương thông qua việc đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần dân tộc, đoàn kết các giới đồng bào trong Mặt trận Việt Minh, hướng dẫn xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, góp phần tạo ra một cao trào cứu nước mạnh mẽ, đón thời cơ, tiến tới tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho dân tộc; trong đó, Người rất coi trọng đội ngũ doanh nhân, vì vậy, trong Mười chính sách của Việt Minh, để đoàn kết, tập hợp đội ngũ thương nhân trong Mặt trận, Người chủ trương bỏ thuế môn bài cho đội ngũ này để họ thêm động lực tham gia với cách mạng: “Thương nhân buôn nhỏ, bán to/Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền”(2)

Theo đó, trong Chương trình Việt Minh, Chính phủ cũng chủ trương chẳng những giúp họ có vốn để tự do kinh doanh, mà còn xóa bỏ các thức thuế vô lý mà thực dân Pháp đề ra: “Thương nhân và các nhà kinh doanh. Chính phủ hết sức giúp các nhà có vốn tự do kinh doanh. Bộ thuế môn bài và các thứ tạp thuế do đế quốc đặt ra”(3).

Ngay sau khi Cách mạng Tám, sớm nhận thấy tính cấp thiết phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, một trong những vụ trước mắt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là động viên tinh thần yêu nước, kêu gọi đoàn kết, hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc của các giai tầng, trong đó các nhà công thương, hăng hái tham gia, ủng hộ kháng chiến. Vì vậy, ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã có cuộc gặp mặt với giới công thương Hà Nội. Ngày 13/10/1945, Bác viết Thư gửi các giới công thương Việt Nam kêu gọi giới doanh nhân ủng hộ tài chính cho chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta và họ đã nhiệt tình tham gia: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”(4).

Tiếp đó, trong Lời kêu gọi nhân dịp Tết nguyên đán, ngày 10/1/1947, Người nhấn mạnh: “Phải có kế hoạch rõ ràng để tăng gia sản xuất, một mặt kháng chiến, một mặt làm ăn. Về mặt tinh thần, thì cha bảo con, vợ bảo chồng, anh bảo em, phải nhớ đến giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, phải nhớ đến lịch sử vẻ vang của tổ tiên, phải nghĩ đến vận mệnh tương lai của con cháu, thà chết thì chết, quyết không chịu làm nô lệ cho thực dân Pháp. Bất kỳ già trẻ gái trai, sĩ nông công thương, ai cũng tham gia công việc cứu quốc”(5).

Không những chỉ ra vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người còn chỉ huấn họ phải đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Về vấn đề này, trong bài Những lời thấm thiết, Người dẫn lại lời của doanh nhân Chu Thúc Kỳ khi nói về trách nhiệm của đội ngũ này đó là: “Hiến pháp đã nói rõ: mục đích của toàn dân là kinh qua con đường hòa bình, tiêu diệt sự bóc lột và nghèo khổ, xây dựng chủ nghĩa xã hội hạnh phúc. Để cùng toàn dân đạt mục đích ấy, những nhà công thương chúng tôi cần phải thật thà yêu nước, cần phải giữ gìn pháp luật, ra sức kinh doanh, tiến vào đường lối tư bản nhà nước (Chính phủ và tư nhân chung vốn kinh doanh). Trong lúc cải tạo xí nghiệp, chúng tôi phải tự cải tạo mình, để phụng sự Tổ quốc và nhân dân”(6). Nhất quán tinh thần đó, trong Bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng, ngày 2/6/1955, Người tiếp tục khẳng định: “Các nhà công thương thì thi đua kinh doanh, thi hành đúng chính sách kinh tế, tài chính của Chính phủ, góp phần vào việc khôi phục kinh tế nước nhà”(7).

Mặt khác, Người nhắc nhở đội ngũ doanh nhân phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, kịp thời, chớ chây ỳ: “Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở nhân dân tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt. Muốn xây dựng mà tiếc tiền, muốn kiến thiết mà ỳ ra, không nộp thuế kịp thời, đầy đủ thì không được, "không bột thì không gột nên hồ". Tiền của nhân dân trở lại làm lợi cho nhân dân”(8). Đồng thời, kêu gọi Đảng và Chính phủ thực hiện chính sách cải tạo công thương, nhất là đội ngũ doanh nhân tư sản “Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xoá bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”(9).

Bác Hồ đi thăm xưởng cơ khí. Nguồn: Internet

Cách đây 50 năm, trong bản Di chúc có ý nghĩa “tổng kết lịch sử, định hướng tương lai”, một trong những mong muốn cuối cùng và lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nước ta được giàu mạnh: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(10). Từ đó suy ra, muốn đất nước giàu mạnh phải không ngừng phát triển kinh tế; muốn phát triển kinh tế nhanh và bền vững thì không thể không xây dựng đội ngũ doanh nhân mạnh trong thời kỳ mới.

Thấu triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đội ngũ doanh nhân Việt Nam và thực hiện Di chúc của Người, từ khi ra đời đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng và đã có nhiều chủ trương giải pháp xây dựng đội ngũ này trong các Văn kiện Đại hội và Hội nghị Trung ương. Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 09 - NQ/TW), ngày 9 tháng 12 năm 2011 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(11)

Trên cơ sở đánh giá tình hình đội ngũ doanh nhân Việt Nam, với ba quan điểm chỉ đạo, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đó là: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á”; đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ ra 7 nhóm phương hướng, nhiệm vụ để đạt mục tiêu ấy. 

Hiện thực hóa chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng, Thủ tướng đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 cho phép lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm: Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời, biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. 

Kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2019), chúng ta ôn lại và kiểm thảo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm vô cùng có ý nghĩa. Với niềm tin, với sự chăm lo và kỳ vọng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào “công cuộc ích quốc lợi dân” như lời kêu gọi 74 năm trước của Người.

TS Hà Sơn Thái

------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.427
(2) (3) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.242; tr.631
(4) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.53
(5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.22
(6) (7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.275; tr.504
(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.620
(9) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.373
(10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.624
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 09 - NQ/TW, ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Hà Nội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm