Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiếu hụt và tạm bợ

Thứ bảy, 05/05/2012 - 06:46

(Thanh tra)- Thiếu cơ sở vật chất, học tạm, học nhờ là tình trạng nhức nhối tồn tại đã lâu ở bậc mầm non của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Trường Mầm non xã An Lạc, huyện Lục Yên được tách ra khỏi trường THCS xã để hoạt động độc lập từ đầu năm 2011. Năm học 2011 - 2012, trường có 130 trẻ ở 6 nhóm lớp với 11 cán bộ quản lý, giáo viên. Gọi là trường nhưng hiện nay nhà trường chưa có lớp học, nhà làm việc riêng. Bởi vậy, nhà trường phải xin học nhờ ở Nhà văn hóa thôn 3, Trường Tiểu học thôn 2 và 2 phòng học của trường THCS.

Trong đó, điểm học ở Nhà văn hóa thôn 3 được làm bằng tre, nứa, lợp lá cọ nằm chênh vênh trên một gò đất. Mùa đông gió lạnh luồn qua vách nứa khiến nhiều trẻ bị ốm. Để bảo đảm việc học cho trẻ, nhà văn hóa được tách thành 2 lớp ngăn nhau bởi một tấm bạt rộng, tuy nhiên chỉ đủ bàn ghế cho 1 lớp, nên 2 lớp phải sắp xếp nhường nhau. Bàn ghế do phụ huynh đóng góp, đồ chơi do các cô giáo tự tạo. Không những thế, các em học bán trú phải tự mang cơm đến trường…

Cô Châu Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã An Lạc cho biết: “Nhu cầu của trẻ đến lớp rất cao nhưng từ khi tách trường, chúng tôi không có lớp học. Đối với lớp học nhờ cũng không đạt yêu cầu. Thế nên, mặc dù đội ngũ cán bộ giáo viên đã có nhiều cố gắng nhưng chất lượng học tập không bảo đảm”.

Tương tự, Trường Mầm non Bình Minh là trường duy nhất của xã Động Quan được thành lập năm 2002, gồm 1 điểm chính và 5 điểm lẻ ở các thôn 2, 5, 7, 11 và 14. Đến nay chỉ có điểm chính được trang bị tương đối đầy đủ cơ sở trang thiết bị dạy học, còn lại thiếu thốn, khó khăn rất nhiều.

Điểm trường xa nhất thuộc thôn Khe Lát, Nà Chú - thôn đặc biệt khó khăn của xã với trên 90% dân tộc Dao Trắng. Tại đây, các cháu đều không biết tiếng phổ thông. Do không có lớp nên lãnh đạo nhà trường đã bố trí học nhờ hội trường của nhà văn hóa thôn. Căn nhà cấp 4 nay đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa trong nhà cũng như ngoài đường.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh Trần Thị Vân chia sẻ: “Mặc dù đã có quỹ đất, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên trẻ vẫn không có lớp học bảo đảm yêu cầu”.

Hệ lụy từ thực trạng trên, những năm học gần đây, tỷ lệ vận động trẻ trong đội tuổi ra lớp có chiều hướng giảm, tỷ lệ thu hút trẻ ra lớp giữa các xã vùng 2 với vùng 3 có sự phân biệt rõ rệt. Trong năm học vừa qua, Trường Mầm non xã An Lạc và Trường Mầm non Bình Minh hầu như không có chỉ tiêu cho trẻ 2 - 3 tuổi; riêng Trường Mầm non Bình Minh trẻ độ tuổi từ 0 - 2 chỉ đạt 9%.

Hiện nay, huyện Lục Yên có 24 trường mầm non ở 24 xã, thị trấn. Năm học 2011 - 2012, tỷ lệ phòng lớp học được kiên cố hóa bậc mầm non trên toàn huyện mới chỉ đạt 38,4%. Năm qua, giáo dục mầm non được đầu tư hơn 24 tỷ đồng, có 8,3% số trường có các bộ đồ chơi, thiết bị phục vụ học tập, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với máy vi tính. Hiện, các trường đang sử dụng 52 phòng học nhờ ở nhà văn hóa thôn. Nhiều trường học còn tạm bợ, thiếu hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là ở những điểm trường lẻ ở các xã Khánh Hòa, Trung Tâm, Trúc Lâu...

Ông Hoàng Thái Quang, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Lục Yên cho biết: “Lâu nay, tình trạng thiếu phòng học, sử dụng phòng học nhờ đều nằm ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp học cho bậc mầm non còn hạn hẹp. Thêm vào đó, một số trường có tới 6 - 7 điểm lẻ, dẫn đến khó khăn trong tổ chức quản lý. Vì thế, hầu hết các trường mầm non vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”

Những trăn trở về trường lớp học bậc mầm non trên địa bàn huyện Lục Yên đã có từ lâu, những giải pháp hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời. Mong rằng, với sự quan tâm từ các cấp, từ nhiều phía, trong thời gian sớm nhất, trẻ em nơi đây được học tập trong những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn.


Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm