Theo dõi Báo Thanh tra trên
Minh Nghĩa - Trung Kiên
Thứ tư, 08/05/2024 - 15:58
(Thanh tra) - Trong bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào, thanh niên vẫn là lực lượng nòng cốt đóng góp lớn lao cho sự thay đổi và phát triển của xã hội. Vậy nên, lúc sinh thời, ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ có phát biểu một câu nổi tiếng với thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh: “Thành phố nhìn thấy tương lai tươi sáng của mình trên vầng trán của các em”.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại họp báo đầu năm 2024. Ảnh: Minh Nghĩa
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, đã xuất hiện những lớp thanh niên ưu tú và được xem là thế hệ vàng của đất nước.
Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên, anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng khi bị thực dân Pháp bắt giam giữ chờ ngày ra pháp trường đã tuyên bố khi gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp lúc ông ta dụ dỗ cho sang Pháp học tập nếu nhận tội: “Tôi sinh ra là để đấu tranh cho Tổ quốc tôi được độc lập, chứ đâu có phải để hưởng những ân huệ ấy của các ông”. Trước khi lên máy chém, Lý Tự Trọng đã hô lớn: “Ðả đảo đế quốc Pháp! Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”. Người thanh niên anh hùng ấy cũng đã để lại câu nói nổi tiếng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”.
Cái quý nhất của cuộc đời đó là sự sống. Vậy mà vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của đồng bào, cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đều dấn thân, chấp nhận tù đày và bị giết hại. Trước khi qua đời vì bị tra tấn tại Nhà thương Chợ Quán (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) ở tuổi 27, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã để lại lời nhắn với các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Tổng Bí thư thứ 2 của Đảng là đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh tại Côn Đảo đúng ngày sinh nhật mình với lời nhắn nhủ cuối cùng: "Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".
Tổng Bí thư thứ 3 của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập, trước khi bị thực dân Pháp xử tử hình ở tuổi 30 đã gửi thư về cho gia đình với lời nhắn nhủ: “Gia đình bạn hữu chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi".
Ở tuổi 26, Tổng Bí thư thứ 4 của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bị thực dân Pháp xử tử hình ngày 28/8/1941. Chỉ riêng ngày hôm ấy, thực dân Pháp đã xử tử hình gần hết ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương: 2 Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến…
Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, biết bao những thanh niên ưu tú đã ra đi và mãi mãi không trở về. Những chàng trai Hà Nội hào hoa, phong nhã đã quyết chí ra đi từ mùa thu năm ấy: “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (Ngày về - Chính Hữu).
Điều gì đã thôi thúc họ ra đi, đó chính là vì đất nước, vì dân tộc: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (Khúc bảy - Thanh Thảo). Đã có biết bao những lớp thanh niên “xếp bút nghiên” lên đường ra mặt trận và họ đã không trở về: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi hòa sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” (Đò lên Thạch Hãn - Lê Bá Dương)… Điều gì đã khiến cho những người cộng sản trẻ tuổi ấy xem cái chết tựa lông hồng: Đó chính là niềm tin vào lý tưởng mà mình theo đuổi. Đó là lý tưởng cao đẹp vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, biết bao lớp thanh niên ưu tú đã tiếp tục có những đóng góp lớn cho sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển của đất nước.
Nhiều phong trào lớn đã thu hút rất nhiều lớp người tham gia như: "Thanh niên lập nghiệp"; "Tuổi trẻ giữ nước; "Tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; "3 phong trào hành động cách mạng phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc); "3 chương trình đồng hành với thanh niên" (Đồng hành với thanh niên trong học tập, Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần)… Từ các phong trào tiêu biểu này, hàng triệu thanh niên đã đóng góp tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự phát triển của đất nước.
Chúng ta hoàn toàn không đem những tiêu chí và giá trị của mấy mươi năm trước để rồi bắt buộc những người trẻ hôm nay phải làm theo, bởi lịch sử đã khác, thời đại đã khác và cũng bởi lý tưởng và khát vọng của thanh niên ở giai đoạn là khác nhau. Đối với các thế hệ cha anh, khát vọng lớn nhất là giành độc lập và thống nhất Tổ quốc và họ đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của mình. Cho dù khát vọng có thể thay đổi, nhưng những lý tưởng cao đẹp mà những người trẻ hướng tới vẫn chưa bao giờ cũ. Đó là khát vọng vươn tới những đỉnh cao của khoa học, đó là vươn lên làm giàu chính đánh cho bản thân, cho cộng đồng và cho xã hội; đó là hội nhập sâu rộng với quốc tế, là vươn ra biển lớn…
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi thanh niên cũng cần luôn thể hiện niềm tin và lòng trung thành với lý tưởng mà mình theo đuổi. Nếu thanh niên nhìn xã hội bằng cái nhìn méo mó với những phát biểu đầy tiêu cực thì làm sao có thể là những người gánh vác trọng trách hôm nay và mai sau?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đặc điểm tâm lý của tuổi trẻ là đầy hồn nhiên và trong sáng, nhưng cũng rất nhanh nhạy và mẫn cảm. Vì vậy, mỗi đảng viên trẻ cần phải thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động và công tác. Bản thân mỗi người thanh niên phải phát huy cao nhất tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng. Chăm lo và làm tốt những gì cho bản thân, cho gia đình là điều đáng quý, song người thanh niên cần nuôi dưỡng khát vọng lớn lao.
Cũng vậy, phải luôn nghĩ tới những hiệu quả, hiệu ứng xã hội mà mỗi việc làm, mỗi phát biểu của bản thân mang lại. Muốn vậy, mỗi thanh niên cần luôn suy nghĩ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải luôn luôn mang sẵn trong mình một tư duy phản biện. Có một tình trạng đáng lo ngại hiện nay là rất nhiều người trẻ, trong đó có những đảng viên trẻ trở nên thụ động, ít phát biểu ý kiến và chính kiến của mình, đó là điều hoàn toàn khó có thể chấp nhận đối với lứa tuổi thanh niên. Mỗi người thanh niên cần kịp thời lên tiếng trước cái xấu, cái sai, những bất cập của tổ chức, của cộng đồng dân cư, của xã hội…
Là người chủ của hiện tại, mỗi thanh niên cần có trách nhiệm ngay chính với bản thân, với gia đình. Là một người trẻ, mỗi người cần phải không ngừng tu dưỡng đạo đức của bản thân và có trách nhiệm với gia đình. Người xưa dạy rằng: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Muốn tu thân, trước hết phải học hỏi để có tri thức mới có thể “cách vật, trí tri” tức hiểu rõ đúng sai, phải trái. Thành ý để luôn hoàn thiện mình hướng tới lòng nhân ái. Có thành ý, có chính tâm sẽ biết tu thân mà trước hết là giữ bản thân ngay ngắn, sau nữa cư xử với mọi người xung quanh, nhất là chăm lo cho gia đình, người thân. Là người chủ của hiện tại và tương lai, ngoài việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mỗi thanh niên phải luôn có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, phải lên án trước những cái sai, cái xấu của xã hội như các hành vi xả rác bừa bãi, giết hại và ăn thịt động vật hoang dã, vi phạm giao thông…
Khi cả xã hội chung tay bảo vệ môi trường, lên án những hành vi xả rác bừa bãi, sử dụng chích điện đánh bắt cá để hủy hoại môi trường thì lại có rất nhiều người vẫn thờ ơ vô cảm trước những hành động ác độc này. Cá biệt, có những người trẻ còn “tự sướng” bằng cách hành hạ, giết hại động vật hoang dã, quay phim, chụp hình tung lên mạng xã hội để “câu like”. Là những người trẻ, mỗi người cần phải mạnh mẽ lên án các hành vi xấu xí, ác độc. Không những vậy, chính mỗi người đảng viên trẻ phải có trách nhiệm hướng dẫn cho người khác hiểu và cùng nhau chung sức lên án những hành động xấu xí, ác độc này.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng quốc tế hiện nay, dù ở trong hay ngoài nước mỗi người trẻ cần giữ gìn hình ảnh của đất nước, giữ gìn truyền thống, nét đẹp văn hóa Việt Nam. Khi đất nước mở cửa, có nhiều chuyên gia, người nước ngoài lao động, sinh sống, làm việc và đi du lịch ở Việt Nam. Mỗi người trẻ cần gương mẫu có những thái độ, hành xử, ứng xử thật sự văn hóa để người nước ngoài tôn trọng người Việt Nam. Đó cũng là cách mà những người trẻ góp phần mình trong việc giữ gìn thể diện quốc gia - “quốc thể”…
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội". Suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thanh niên những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt sâu sắc. Trong “Di chúc" để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước lúc đi xa, một lần nữa, Người đau đáu căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đó là những mong ước, những kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ gánh vác trọng trách xây dựng đất nước trong hiện tại và tương lai.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 21/11, Sở Thông tin và Truyền thông khai trương dự án "Thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025".
Kim Thành
21:13 21/11/2024(Thanh tra) - Ngày 21/11, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai năm 2024.
Phương Anh
21:05 21/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Hương Trà
19:24 21/11/2024Ngọc Phó
16:21 21/11/2024N. Phê - L. Bình
16:20 21/11/2024Thái Hải
Công Thắng - Thành Nam
Thái Hải
LA
Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh