Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 15/05/2011 - 10:55
Dân số Việt Nam đang "già hoá" với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Một mặt, nó phản ánh những thành tựu to lớn của đất nước trong việc chăm sóc sức khoẻ của người dân, nhưng cũng dự báo một nguy cơ cao khi Việt Nam vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp. Hiện tượng “già trước khi giàu” đi kèm với sức khoẻ không tốt là một trong những điều đáng lo ngại của xã hội trong tương lai. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam phải có những chiến lược, chính sách và chương trình toàn diện để thích ứng với xu hướng dân số "già hóa" nhằm tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ cần có nhiều nỗ lực khi Việt Nam đang có xu hướng già hóa dân số. Ảnh: TL
Số liệu từ cuộc Tổng điều tra Dân số năm 2009 cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Thêm vào đó, số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác nên chỉ số già hóa cũng gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể.
Đáng chú ý, thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Chẳng hạn như Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, và Thái Lan là 22 năm, trong khi dự báo ở Việt Nam chỉ là 20 năm. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.
Theo nhận định của tiến sĩ Giang Thanh Long, Phó viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân: Việt Nam đang trải nghiệm biến đổi dân số theo hướng già hóa. Dự báo, Việt Nam bước vào giai đoạn ‘già hóa’ từ 2017 và giai đoạn ‘già’ từ năm 2035. Điều đáng nói là xu hướng dân số này đang diễn ra trong điều kiện một nước có thu nhập trung bình thấp nên tình trạng ‘già trước khi giàu’ ở Việt Nam là hoàn toàn nhãn tiền.
Tiến sĩ Long cho biết, trong khi tuổi thọ của người Việt có thể sánh ngang với tuổi thọ của người cao tuổi ở các nước có thu nhập cao hơn, thì “tuổi thọ khoẻ mạnh” của họ lại thấp hơn. Trung bình, mỗi người cao tuổi ở Việt nam phải chịu gánh nặng bệnh tật tới 14 năm trong tổng số hơn 70 năm sống trong cuộc đời.
Hiện, người cao tuổi Việt Nam đang mang gánh nặng bệnh tật kép do xu hướng bệnh chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và các bệnh mãn tính, đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như bệnh ung thư, căng thẳng và trầm cảm về tâm thần. Những thay đổi này đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc y tế hơn, đồng thời cũng có nghĩa là rủi ro dẫn tới khuyết tật cho người cao tuổi sẽ cao hơn. Hậu quả là, chi phí chữa bệnh cho một người cao tuổi gấp 7-8 lần so với chi phí chữa bệnh cho một trẻ em.
Một vấn đề nữa tại Việt Nam là số lượng phụ nữ cao tuổi chiếm ưu thế hơn so với nam giới cao tuổi. Cụ thể, xét theo nhóm tuổi, số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy, tương ứng với 100 nam giới cao tuổi ở độ tuổi 60-69 thì có 131 nữ giới cao tuổi cùng ở nhóm tuổi này; tương tự, ở nhóm tuổi 70-79 có 149 nữ giới cao tuổi và từ 80 trở lên có 200 nữ giới cao tuổi. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi” ở Việt Nam. Tuy nhiên, phụ nữ cao tuổi lại thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật, và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.
Theo nhận định của các chuyên gia dân số, già hóa dân số là một thành tựu xã hội to lớn của loài người và của các quốc gia. Già hoá dân số không phải là một gánh nặng, tuy nhiên, nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế - xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng.
Trong khi phần lớn các nước trên thế giới, cơ cấu dân số già đến sau khi kinh tế đã phát triển, cơ cấu nền kinh tế đã ít nhiều thích ứng với cơ cấu dân số già thì ở nước ta, cơ cấu dân số già đến sớm, khi kinh tế đất nước mới đang trong thời kỳ phát triển. Do đó, các chế độ chính sách đảm bảo cho người cao tuổi được sống vui, sống khoẻ, sống có ích, được chăm sóc chu đáo là một bài toán khó khăn.
Thứ nhất, già hoá dân số sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số người cao tuổi vẫn sống nương tựa vào con cháu. Các chuyên gia lo lắng, nếu nhịp độ già hoá dân số vẫn tăng nhanh đều như hiện nay thì chỉ trong khoảng vài chục năm tới, người cao tuổi ở nước ta sẽ gặp khó khăn về vấn đề chỗ ở.
Thứ hai, già hoá dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Đồng nghĩa với việc hệ thống bảo trợ xã hội cần được cải thiện. Tuy nhiên việc này không dễ thực hiện bởi ngân quỹ quốc gia còn hạn chế, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển.
Hiện cả miền Bắc mới chỉ có duy nhất Viện Lão khoa quốc gia là bệnh viện chuyên khoa dành cho đối tượng người cao tuổi. Những chính sách an sinh xã hội cũng mới chỉ trợ giúp, đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận người cao tuổi như: Người già neo đơn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi...
Thứ ba, già hoá dân số sẽ khiến những thách thức kinh tế mới nổi lên. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Tất cả những hệ lụy đó nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa.
Chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống vật chất và tinh thần là một nội dung quan trọng trong chính sách mà Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ khi Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946, người cao tuổi đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách và các chương trình xã hội và chương trình kinh tế trên con đường phát triển của Việt Nam. Những chính sách và chương trình này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ người cao tuổi khỏi những rủi ro khác nhau và cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ kinh tế và xã hội. Điển hình như đã ban hành Luật Bảo hiểm Y tế liên quan tới dịch vụ y tế và tài chính, Luật Bảo hiểm xã hội liên quan tới vấn đề nghỉ hưu; Nghị định 13/2010 về các chương trình xã hội dành cho người cao tuổi; Luật Người cao tuổi năm 2010; Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược an sinh xã hội 2011-2020...
Tuy nhiên, các chính sách và chương trình này mới chỉ được được điều chỉnh một cách từ từ và chậm thay đổi dẫn tới các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự phát triển; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng dành cho người cao tuổi còn thấp; quỹ hưu trí dành cho lực lượng lao động cao tuổi chưa thực sự ổn định và còn có nhiều bất cập liên quan tới bất bình đẳng giới và bất bình đẳng giữa các thế hệ; vẫn còn có nhiều bất cập liên quan tới việc thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội khác.
Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh và thời gian chuẩn bị thích ứng không còn nhiều nên cần phải hoạch định những chiến lược, chính sách thực tế, xác đáng để thích ứng với tình hình đó. Vì vậy, các chính sách, chiến lược cần phải dựa trên các bằng chứng về mối quan hệ qua lại giữa ‘dân số già’ với tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Điều quan trọng, quyết định nhất chính là việc giáo dục ý thức mỗi cá nhân về việc “lo cho tuổi già từ khi còn trẻ” bởi lo cho mình cũng chính là lo cho gia đình, cộng đồng và các thế hệ tương lai.
(Theo ĐCSVN)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên