Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn gia tăng

Thứ năm, 13/01/2011 - 01:27

(Thanh tra)- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổng kết Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn năm 2006 - 2010.

Theo Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh, trong 4 năm thực hiện, Chương trình đã có tác động lớn đến việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động, nông dân… trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động nơi sản xuất. Tuy nhiên, tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng.

Khai thác mỏ, xây dựng và sử dụng điện xảy ra nhiều tai nạn
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2006 - 2010, trung bình mỗi năm xảy ra 5.972 vụ TNLĐ, 506 vụ TNLĐ chết người làm 570 người chết và hàng ngàn người bị thương, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn nhiều vụ tai nạn được che giấu không khai báo, nên số liệu còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo phân tích, đánh giá, chỉ có khoảng 92% tổng số vụ TNLĐ chết người được điều tra, xử lý theo quy định của Bộ luật Lao động. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được 100% như Chương trình đề ra khi cơ chế thông tin, khai báo TNLĐ được đầy đủ và chính xác, qua việc thành lập quỹ bồi thường TNLĐ và nghề nghiệp.

Đáng nói là, số vụ TNLĐ tăng bình quân 2,45% mỗi năm so với giai đoạn năm 2001 - 2005. Trong đó, khai thác mỏ, xây dựng và sử dụng điện tiếp tục là những lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng. Nguyên nhân gây tai nạn chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao chiếm 32%, điện giật chiếm 31%. Tình trạng TNLĐ chủ yếu tập trung ở những TP lớn, hoặc các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ, theo quyền Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH Vũ Như Văn, do nhận thức của người sử dụng lao động về vai trò của công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động còn quá yếu, người sử dụng lao động đã không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không quan tâm tới việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. Nhiều trường hợp, do thiếu kiến thức tối thiểu về an toàn nên đã chết oan uổng. Lực lượng lao động chưa ổn định về số lượng và chất lượng, mỗi năm tăng thêm hơn 1 triệu người, với một lực lượng lớn chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp có trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp, ít được quan tâm đào tạo, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, số lượng các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang tăng mạnh, chủ yếu quan tâm tới lợi ích kinh tế trước mắt, thiếu đầu tư để cải thiện điều kiện lao động…

Nhiều DN "trốn" khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ

Trong thời gian qua, bệnh nghề nghiệp cũng không giảm, đặc biệt là các bệnh phổi silic, bệnh liên quan đến hoá chất, bụi phổi xi măng, điếc nghề nghiệp, sạm da nghề nghiệp, tổn thương xương khớp.

Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này đã tiến hành điều tra tại 34 DN có sử dụng lao động nữ ngoài Nhà nước trong năm 2010. Kết quả cho thấy, việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ được thực hiện ở gần 80% các DN. Trong số hơn 20% DN còn lại, nhiều DN mấy năm liền chưa tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, bệnh nghề nghiệp gia tăng là do nhiều DN đã cố tình “làm ngơ” trước quyền được khám bệnh định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp của NLĐ. Đại diện Bộ Y tế chỉ rõ, công tác khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân hiện mới chỉ đáp ứng được 10 - 20% nhu cầu trên thực tế. Trình độ cán bộ y tế lao động còn yếu, chưa đáp ứng được với nhu cầu; trang thiết bị và kinh phí đầu tư cho hoạt động sức khỏe nghề nghiệp và phòng chống bệnh nghề nghiệp hiện còn thấp. Bà Trần Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế nhấn mạnh, để hạn chế bệnh nghề nghiệp, trước hết phải nâng cấp hệ thống y tế lao động bắt đầu từ các DN, từ huyện đến tỉnh, T.Ư. Các DN vừa và nhỏ phải có y sĩ, DN lớn phải có bác sỹ được đào tạo bài bản về y tế lao động. Bên cạnh đó, cần cải thiện điều kiện lao động, trong đó áp dụng công nghệ sạch là yếu tố đầu tiên. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống điều trị phục hồi chức năng cho NLĐ bị mắc thường xuyên cho các cấp chính quyền, giới chủ và NLĐ hiểu rõ các văn bản pháp quy của Nhà nước liên quan đến y tế lao động, về phòng, chống bệnh nghề nghiệp. 

Để thực hiện tốt Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt ngày 10/12/2010, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh đề nghị các bộ, các cơ quan được giao chủ trì khẩn trương tổ chức xây dựng và phê duyệt dự án sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ LĐ-TB&XH và Ban Chỉ đạo. Các địa phương căn cứ mục tiêu, nội dung hoạt động của Chương trình Quốc gia để xây dựng Chương trình an toàn vệ sinh lao động của địa phương mình cho giai đoạn 2011 - 2015.

            Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm