Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nói gì?

Bá Di

Thứ tư, 25/05/2022 - 22:30

(Thanh tra) - Những tranh cãi xung quanh kế hoạch tăng học phí của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM xuất phát từ việc các bậc phụ huynh chưa hiểu rõ định hướng của cơ quan quản lý đối với tình hình phát triển của ngành Giáo dục hiện hành.

Sở GD&ĐT quan điểm việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, không phải tăng học phí để nâng cao chất lượng. Ảnh: Bá Di

Ngày 14/5, Sở GD&ĐT TP HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, góp ý dự thảo ban hành nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Dự thảo đến nay vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, góp ý và hoàn thiện nhưng vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt đến từ các bậc phụ huynh.

Trao đổi với Báo Thanh tra, đại diện Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, từ ngày 15/10/2021, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 đã hết hiệu lực. Nghị định này được thay thế bằng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

Kế hoạch tăng học phí việc cơ quan xây dựng dự thảo tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định mức học phí năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo ở thời điểm này là thực hiện đúng theo quy định và lộ trình học phí của Chính phủ.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, học phí chỉ là một khoản nhỏ trong tổng kinh phí mà ngân sách TP chi cho giáo dục. Đây được xem là một nguồn kinh phí bổ sung cho các trường thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Nhiều năm nay TP HCM không tăng học phí, thậm chí trong suốt năm học 2021 - 2022 miễn học phí cho tất cả học sinh công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thì ngành GD&ĐT TP vẫn nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học.

Một trong những ý kiến nhận được nhiều sự quan tâm, đó là việc tăng học phí nhằm cải thiện chất lượng giáo dục cho học sinh. Vậy khoản tăng này có được sử dụng để tăng lương cho giáo viên nhằm khích lệ sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy?

Sở GD&ĐT quan điểm việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, không phải tăng học phí để nâng cao chất lượng.

Về vấn đề tăng lương cho giáo viên, hiện nay ngân sách là nguồn chủ đạo đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ giáo viên, học phí là nguồn bổ sung nhỏ, huy động sức dân góp phần cùng với Nhà nước chăm lo sự nghiệp GD&ĐT và thực hiện chế độ miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.

Một trong những lý do dự thảo vấp phải nhiều ý kiến trái chiều là do được công bố trong giai đoạn hậu Covid-19, nhiều gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng chi phí sinh hoạt.

Về vấn đề này, Sở GD&ĐT cho biết, rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà nhiều phụ huynh đã và đang phải trải qua. Hiện tại là thời điểm nhạy cảm, cuộc sống của nhiều người dân vẫn chưa phục hồi như thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát. Việc triển khai học phí mới từ năm học 2022 - 2023 sẽ tạo gánh nặng cho một bộ phận phụ huynh.

Tuy nhiên, như đã đề cập bên trên, mức học phí cũ đã hết hiệu lực theo quy định của Chính phủ, sở cần ban hành kế hoạch mới sao cho phù hợp với lộ trình phát triển của ngành GD&ĐT toàn quốc.

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, với mục tiêu của TP “không để một học sinh nào nghỉ bỏ học vì điều kiện kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh”, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 và Nghị quyết 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP HCM trong học kỳ 1 và học kỳ 2 năm học 2021 - 2022; Nghị quyết 27/2021/NQ- HĐND ngày 9/12/2021 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp ở TP HCM, hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, các vùng khó khăn, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Để hỗ trợ những gia đình đông con/thu nhập thấp, Sở GD&ĐT đã triển khai hướng dẫn thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh từ năm học 2021 - 2022, trong đó có đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc...

Sở GD&ĐT cho biết, để giảm tác động đến xã hội và người học do tăng học phí, không làm ảnh hưởng đến đời sống của các bộ phận người dân có thu nhập thấp, đơn vị đang xin ý kiến UBND để trình HĐND về mức hỗ trợ học phí từ năm học 2022 - 2023 đối với học sinh cấp THCS.

"Với trách nhiệm của ngành Giáo dục thì đề xuất việc hỗ trợ học phí THCS khi thực hiện Nghị định 81. Còn mức hỗ trợ như thế nào, 30%, 50% hay 100% tùy thuộc vào UBND và HĐND bàn bạc và tính toán, cân đối", Sở GD&ĐT thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm