Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sao không là Rồng Việt

Thứ hai, 30/01/2012 - 12:42

(Thanh tra) - Phương Đông xem Rồng là biểu tượng cho tốt đẹp, may mắn, thịnh vượng. Từ cái gốc do môi trường sống phương Đông là xứ nóng, mưa nhiều, yếu tố sông nước quan trọng, nên con người đã sáng tạo ra Rồng với ý nghĩa là biểu tượng cho nước - sự phong đăng. Mùa màng có bội thu hay không là phụ thuộc vào nước. Do đấy, Thần Nước cũng chính là Thần Rồng.

“Hóa rồng” là giấc mơ chung của những nước đang phát triển_TL

Với người Việt, Thần Mưa và Thần Nước mang hình hài một con rồng to thường xuyên ra biển Đông hút nước mang vào đất liền tưới tắm cho đất đai. Rồng là nguồn nước tưới cho ruộng đồng tốt tươi và giúp nhà nông hình thành kinh nghiệm dân gian: Rồng đen lấy nước thì nắng/ Rồng trắng lấy nước thì mưa…

Ngày còn phong kiến, vua là Thiên tử cho nên con Rồng gắn với những gì thuộc vị con Trời... Khuôn mặt vua xét cho cùng thì cũng bấy nhiêu thứ như mọi người. Nhưng để tôn xưng, người ta đã gọi đó là Mặt Rồng (Long nhan). Nơi vua ở không ai dám nói là… biệt thự hay căn hộ cao cấp, thậm chí là dinh thự như sau này, mà phải là Long cung, cái sân của nó là Long đình! Và Long bào, Long cổn là áo nhà vua, giường vua nằm gọi là Long sàng. Phương tiện vua đi, dù bây giờ cho cũng không ai lấy, vì dù sao đó cũng chỉ là cái xe, nhưng thuở xưa đó chúng lại được gán cho một vẻ linh thiêng cao quý là Long xa, Long đỉnh… Cái gì cao quý nhất đều dành cho vua.

Còn trong dân gian, sĩ tử thi đậu không khác Rồng gặp mây, tức gặp hội Long vân. Danh sách người trúng tuyển kỳ thi bây giờ lò dò vào mạng mà coi, còn xưa thì chờ ngày niêm yết bảng vàng. Tùy theo cao thấp, mà có tên trong 4 thứ bảng Kim, Hổ, Mai, và cao nhất là Long bảng. Khó có câu nào ngắn gọn mà lột tả được hai vùng miền như Rồng chầu ngoài Huế, Ngựa tế đồng Nai.

Nhưng lạ thật, mọi thứ của vua đều đi với Rồng, duy chỉ có vợ vua là không nói Long hậu hay Long phi… Hẳn là chắc vua không chịu cảnh vua và Rồng chung một người đẹp? Hoặc gọi vậy thì khác chi vua dùng hàng “si-cờn-hen”?

Nhắc tới vua, không thể quên “Con Rồng tre”.

Hồi đầu thế kỷ trước, để tuyên truyền cho cái gọi là “Công cuộc khai hoá thuộc địa” của mình, thực dân Pháp mở Hội chợ triển lãm thuộc địa tại Marseilles năm 1922, trưng bày các sản vật mang từ các thuộc địa của Pháp sang, để phô trương sự giàu có của thuộc địa và công lao “khai hoá” của người Pháp, đồng thời kêu gọi tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh và khai thác ở các thuộc địa.

Nhà cầm quyền đã đưa vua bù nhìn Khải Định sang dự Hội chợ này như đóng một dấu ấn cho những gì mà họ trưng bày. Nhân dịp này, Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch “Con Rồng tre” để vạch trần bộ mặt vua quan phong kiến tay sai cho đế quốc Pháp.

Vở kịch đại ý: Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con Rồng. Nó là một đồ chơi. Là có hình con Rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có một hình dáng con Rồng. Tuy vậy, nó chỉ là một quái vật vô dụng. Vua Khải Định khác chi một thứ hàng trong Hội chợ, một con Rồng bằng tre?

Vở kịch được giới học giả Pháp đánh giá: Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng, với những lời châm biếm dí dỏm.

Trong dân gian, cái gì khập khiễng thì cho là đầu Rồng đuôi tôm (gần giống đầu voi đuôi chuột), Rồng vàng tắm nước ao tù là cách tâng người tài mà chưa có cơ hội, hoặc cảnh éo le của người khôn ngoan phải sống chung với kẻ ngu đần! Bạn đến chơi, chủ nhà nói khiêm tốn Rồng đến nhà tôm cho thêm phần… tốn kém! Cơ quan thường có những “thợ vẽ” chuyên vẽ Rồng, vẽ Rắn khó được ai ưa...

Nhưng giấc mơ “hóa Rồng” là giấc mơ chung của những nước đang phát triển, ước mơ đẹp nhưng hiện thực nhiều khi thê thảm. Năm 1997, những con Hổ, con Rồng châu Á theo chủ nghĩa tư bản bị lâm nạn, có con phải ra vỉa hè bán đồ “Sida” như ở Thái Lan. Mấy từ hóa Rồng cũng vắng dần trong ước mơ phát triển.

Bây giờ, trước thềm năm mới Nhâm Thìn, tại sao người Việt Nam không quay lại với Rồng?

Qua hai cơn khủng hoảng tài chính của thế giới 1997 và 2008 chúng ta đã vượt qua một cách dù không thần kỳ, nhưng đầy bản lĩnh và có cá tính Việt, nhất là không bị tổn thất, đầu tư nước ngoài không thay đổi địa chỉ sang nước khác mà trái lại, vẫn vào bình thường, thì ước mơ một nền kinh tế hóa Rồng cũng là một mơ ước không ở ngoài tầm tay của con cháu Lạc Long Quân, con của Rồng, cháu của Tiên!


Hư Trúc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm