Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát hiện 1 vụ tham nhũng

Thứ sáu, 04/01/2013 - 06:41

(Thanh tra)- Dự báo, trong 2 - 3 năm tới mới phát hiện được 1vụ tham nhũng. Đó là phần gây sốc trong tuyên bố của sinh viên (SV) Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại phần thi “Chung kết SV 2012 của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề: “Việt Nam 50 năm về sau”.

Tại cuộc thi này, nhiều trường tham gia với những ý tưởng tốt, nhiều dự báo để cho các cơ quan chức năng phải suy nghĩ và có định hướng giải quyết... Tất cả đều lo lắng cho một xã hội Việt Nam tương lai với nhiều vấn nạn: Cứ 3 người là có 1 thạc sĩ; đến con gián cũng phải tập bơi vì lo sợ lụt lội bất ngờ do một số công trình thuỷ lợi, thuỷ điện hiện nay mác bê tông không bảo đảm chất lượng, bị độn cả đất đá vào…; riêng vệ sinh an toàn thực phẩm thì rất đáng báo động, dẫn đến chất độc trong mỗi người có thể tăng đến 400%; giao thông muốn khỏi ùn tắc phải thiết kế đến 12 làn đường và quản lý theo hệ thống can - chi của 12 con giáp và dĩ nhiên người tham gia giao thông phải đi vào tuyến đường “đúng tuổi” của mình!...

Điều ngạc nhiên, không phải vì giải Ba được tặng cho đội thi của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh mà là phát biểu của “nhà giáo ưu tú Tăng Học Phí”: “SV sẽ không phải học môn “Xác chết thống kê” mà thay vào đó là môn học thiết thực hơn: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa chống tham nhũng. Dự báo 2 - 3 năm tới, hên xui lắm, mới phát hiện 1 vụ tham nhũng”.

Như vậy, đây không phải là 1 dự báo cho 50 năm tới cho Việt Nam và thế giới mà là dự đoán cho 1 tương lai rất gần: Tình hình chống tham nhũng của 2, 3 năm tới.

Tại sao SV, trong các tưởng tượng của mình, không hề nhắc đến 14 tỷ đồng nợ xấu, tồn đọng của SV tỉnh Quảng Nam và giải pháp tạo ra tiền để trả nợ? Họ cũng không hề nhắc đến lương, thưởng, việc làm, công trình nghiên cứu khoa học mà lại rất lo lắng cho “thảm hoạ” học vấn của thạc sĩ, tiến sĩ… Tiếp đó là nỗi lo về y tế, giao thông, thuỷ điện, biển đảo… Nhưng rồi, vấn nạn tham nhũng đã được đặt lên hàng đầu, với dự báo rất xấu, như thể cho mọi người nghe thấy được sự cấp bách và khủng khiếp của “tiếng nổ của quả bom”: Gần như không phát hiện ra tham nhũng! Vì sao vậy? Tại sao có năm sẽ không phát hiện ra vụ tham nhũng nào?

Mọi người đều được trang bị nguyên lý: Có Nhà nước là có tham nhũng; xã hội càng văn minh, càng hạn chế được tham nhũng. Điều đau lòng là: Chúng ta càng ra sức chống thì vấn nạn này càng không thấy thuyên giảm mà còn có sức lan toả, có dấu hiệu được nhân lên... Nhiều vụ tham nhũng đã không được các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát… phát hiện ra; nhưng khi được dư luận, báo chí phát hiện lại chậm xử lý và thường bị chìm xuồng, hoặc biến dạng. Nhiều cuộc thanh tra hầu như bị vô hiệu, hoặc bị kéo dài, việc xử lý sau thanh tra kém hiệu quả (chỉ thu hồi được 30 - 40%)… Tất cả những vụ việc tồn đọng, kém hiệu quả đó, được cô lại, truyền tụng một cách hài hước và thu nhỏ đến con số thấp nhất… Điều đó làm cho mọi người đọc, người nghe ngỡ như tham nhũng nhiều, đâu cũng có, nhưng không cơ quan, đơn vị nào tự phát hiện ra. Và, suy ra, chỉ vài năm nữa, giỏi lắm thì chỉ phát hiện ra 1 vụ!

Dự đoán đó của SV không khỏi làm các cơ quan chức năng lo lắng và băn khoăn: Có thể SV rất thiếu thông tin, ít đọc báo, nghe đài hoặc không chú ý lắm đến tình hình chống tham nhũng, lãng phí, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng đang được khẩn trương, ráo riết thực hiện và đang rất có hiệu quả. Mỗi năm trên đất nước ta có hàng ngàn cuộc thanh tra tại các tỉnh, TP, các bộ, ngành. Một số tỉnh, TP và bộ, ngành làm rất tốt, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm được quần chúng và cấp trên đánh giá cao. Sự răn đe, nghiêm minh của pháp luật là tối cần thiết! Nó có tác dụng trực tiếp đến tư duy và hoạt động của mỗi người... Tuy nhiên, nhiều cuộc thanh tra theo kế hoạch, hoặc đột xuất giải quyết theo đơn thư tố cáo phải làm đi làm lại nhiều năm, nhiều đoàn, tạo nên cảm giác: Không phát hiện, hoặc cố tình che dấu sai phạm… Một phần do hệ thống quản lý, hành chính chưa theo kịp tiến độ phát triển của kinh tế thị trường và khoa học công nghệ, luật pháp vẫn còn nhiều kẻ hở; cán bộ và thủ trưởng các cấp còn nhiều vi phạm, chưa được kịp thời xử lý nghiêm.

Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm