Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc"

Hương Giang

Thứ năm, 16/07/2020 - 17:24

(Thanh tra) - “Phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Ngày 16/7, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Không tiêu hết tiền, không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ

Báo cáo tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.

“Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 6 tháng đầu năm là hơn 159.397 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch”, ông Dũng nói.

Bên cạnh 3 bộ, cơ quan Trung ương, 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% thì có 30 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Còn lại 3 bộ, cơ quan Trung ương và 12 địa phương có số giải ngân đạt trên 45%.

Đề cập đến nguyên nhân khách quan, chủ quan, theo ông Dũng, “đã tồn tại cố hữu từ lâu”, trong đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là “nút thắt lớn”. Cạnh đó, “các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét”, Tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quang Hiếu

Từ đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

“Trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp...

“3 lần chậm, muộn, đình chỉ ngay thủ trưởng đơn vị”

“Xin hứa với Thủ tướng, năm nay, 29.718 tỷ vốn ngân sách Nhà nước chúng tôi sẽ giải ngân đạt 100%”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu sau đó.

Theo ông Thể, những tháng đầu năm, Bộ đã tập trung giải ngân vốn đầu tư công. “Tôi giao 5 Thứ trưởng tất cả các dự án, các khu vực để tập trung chỉ đạo, cứ 15 ngày phải họp giao ban và 1 tháng họp giao ban Bộ để xem xét, đôn đốc nhắc nhở”, Bộ trưởng nói và cho hay đã đưa ra thông điệp rất rõ là xử lý nghiêm người đứng đầu các Ban nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Nhưng ông Thể băn khoăn khi “đặc điểm của ngành Giao thông là không có mặt bằng thì chúng tôi không làm được gì cả”. “Nhân sự kiện này, mong Thủ tướng gửi thông điệp mạnh mẽ là các địa phương không giải phóng mặt bằng thì xử lý các địa phương”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Quang Hiếu

Đề cập ngay dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo ông Thể, hiện có 2 tỉnh là Khánh Hoà và Đồng Nai đang giải phóng mặt bằng chậm hơn so vơi các địa phương khác. “Tôi e rằng, không bảo đảm tiến độ Thủ tướng yêu cầu. Rất mong Tỉnh uỷ, UBND 2 tỉnh tập trung”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thì cho hay, vừa rồi các bộ đã tập trung tháo gỡ thể chế về thủ tục đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư công.

Theo đó, Bộ Xây dựng hiện không còn cấp giấy phép mà địa phương được cấp phép với mọi loại công trình. Luật Xây dựng thì đã giảm thời gian cấp phép công trình từ 30 xuống 20 ngày… Thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng cũng đảm bảo “hết sức gọn”, giúp địa phương dễ áp dụng, thực hiện.

Bộ Xây dựng cũng ban hành kế hoạch với 60 giải pháp cụ thể, trong đó có nhiệm vụ “chống virus trì trệ”. “Cứ 3 lần chậm, muộn thì đình chỉ ngay thủ trưởng đơn vị, vừa rồi cũng đình chỉ 1 đồng chí và thấy tác dụng là các đồng chí khác có thái độ hết sức tích cực”, ông Hà nhấn mạnh.

“Lo tiêu tiền trên lĩnh vực, ngành mình quản lý

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là “cứu cánh” đối với đại dịch COVID-19, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của COVID-19. “Chúng ta phải nhận thức được ý nghĩa này để quyết tâm chính trị, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn nữa”, người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Theo Thủ tướng thời gian qua, có nhiều nhiều địa phương làm tốt. Ông dấn chứng sự vào cuộc quyết liệt của Tiền Giang không chỉ quyết tâm giải ngân 100% vốn mà với công trình trọng điểm như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tỉnh cam kết cuối năm thông xe.

“Chủ tịch tỉnh đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân trong diện phải giải tỏa, di dời. Từ một điểm yếu kém Tiền Giang đã vươn lên giải ngân trên 50%”, lãnh đạo Chính phủ biểu dương.

Lãnh đạo Chính phủ cũng ghi nhân, Bộ Giao thông vận tải cam kết bảo đảm giải ngân 100% số vốn được giao, trừ một số công trình cao tốc, phấn đấu giải ngân tối thiểu 70%. Bộ Xây dựng ban hành nhiều thể chế thuận lợi cho đầu tư xây dựng cơ bản, đã đình chỉ một số cán bộ làm chậm về thủ tục. Hay Đồng Nai từ tỉnh yếu kém chỉ giải ngân 20% đã đẩy mạnh trên 50%, đặc biệt tập trung vào Sân bay Long Thành.

“Các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”, Thủ tướng lưu ý. Ảnh: Quang Hiếu

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương “trì trệ”, chưa biết làm việc, không quyết tâm, không chỉ đạo hệ thống vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án.

“Các đồng chí phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI.

“Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội của ngành và địa phương mình ngắn gọn với hành động mạnh mẽ gửi báo cáo lên Chính phủ chứ không nói chung chung”, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. “Các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”, ông nói và yêu cầu từ đầu tháng 8 tới, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, phải gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.

3 “điểm nghẽn” làm giải ngân vốn đầu tư công “ì ạch”

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, giải ngân vốn đầu tư công “ì ạch” nguyên nhân được xác định có 3 “điểm nghẽn” lớn.

Một là, trình tự, thủ tục giải ngân vốn còn bị kéo dài từ việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc trao đổi giữa các bộ, ngành… đến khâu lập dự án, thẩm định, đấu thầu có khi kéo dài đến 2-3 năm…

Hai là, giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian. Theo Phó Thủ tướng, ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị khi chưa quyết liệt, thiếu sự phân công chỉ đạo tập trung, dứt điểm, thủ tục thì lòng vòng ngay trong bộ máy hành chính Nhà nước.

“Tới đây, bên cạnh việc kiểm tra ở các địa phương cũng cần kiểm tra việc này ngay ở các bộ như Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính… để xem thủ tục lòng vòng ở ngay trong chính các bộ này như thế nào”, ông Bình nói.

“Điểm nghẽn” thứ 3 là có nguyên nhân từ “lợi ích nhóm”, “xin-cho”, nhũng nhiễu kéo dài. Do đó, theo Phó Thủ tướng, cần nhìn nhận đúng sự thật này để có giải pháp quyết liệt hơn, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

08:00 23/11/2024
Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm