Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

PAPI 2017: Mức tiền cán bộ “vòi vĩnh” người dân tăng 2 triệu đồng

Thứ tư, 04/04/2018 - 20:54

(Thanh tra) - PAPI 2017 cho thấy, điểm “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” tăng sau nhiều năm giảm. Nhưng mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân tiếp tục tăng; mức tiền bị "vòi vĩnh" trung bình buộc người trả lời phải tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ công chức địa phương cũng tăng 2 triệu đồng so với năm 2016...

Sáng ngày 4/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017.

Theo kết quả phân tích dữ liệu thống kê PAPI 2017, 5/6 chỉ số lĩnh vực có sự cải thiện ở mức độ khác nhau gồm: Công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Từ 2009, PAPI phỏng vấn hơn 103.000 người từ 63 tỉnh/TP, có tác dụng nhất định tới sự đổi mới tư duy quản trị và hành chính công

Kiểm soát tham nhũng khu vực công tăng

Đáng chú ý, năm 2017 chứng kiến sự gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” từ 5,8 điểm (2016) lên 6,15 điểm (2017) trên phạm vi toàn quốc.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc, Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, mức gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” năm 2017 có ý nghĩa đáng kể cho thấy cảm nhận của người dân về sự nghiêm túc của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng cũng như hiệu quả của nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tạo cơ hội giải quyết gốc rễ, căn nguyên của vấn đề.

Ở cấp độ địa phương, người dân cũng đánh giá tích cực hơn về nỗ lực phòng, chống tham nhũng. Điểm số của 33 tỉnh/TP tăng ở chỉ số này, chỉ có 6 tỉnh bị sụt giảm điểm.

Tỷ lệ người được hỏi cho biết phải đưa hối lộ khi làm sổ đỏ giảm từ 23% (2016) xuống còn 17% (2017); phải đưa hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viên công tuyến huyện giảm từ 17% (2016) xuống còn 9% (2017).

Tỉ lệ người trả lời cho biết người dân không phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn tăng nhẹ (tương ứng từ 51% và 55% năm 2016 lên 57% và 61% năm 2017).

Năm 2017, có đến 43% người trả lời cho biết không phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước, tăng nhẹ từ 37% năm 2016.

Đặc biệt, tỉ lệ người trả lời cho biết cán bộ chính quyền không dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng tăng đến 10% (từ 54% năm 2016 lên 64% năm 2017).

Chỉ khoảng 3% cho biết đã tố giác hối lộ

Tuy nhiên, mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục tăng. Mức tiền bị vòi vĩnh trung bình buộc người trả lời phải tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 là 27,5 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với mức trung bình 25,6 triệu đồng.

Toàn cảnh buổi công bố chỉ số PAPI 2017

Tỉ lệ người bị vòi vĩnh đã tố giác hành vi đòi hối lộ vẫn rất thấp (chỉ khoảng 3% cho biết đã tố giác trong cả hai năm 2016 và 2017, thấp hơn tỉ lệ 9% năm 2011 và 7% năm 2012).

Riêng với dịch vụ hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng vẫn tiếp tục phàn nàn nhiều.

Theo kết quả khảo sát PAPI 2017, tổng chất lượng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ từ 2,64 điểm năm 2016 xuống 2,55 điểm trong năm 2017 (trên thang điểm từ 0-4).   

PAPI 2017 vẫn ghi nhận trong lĩnh vực quản trị đất đai, bồi thường thu hồi đất vẫn là vấn đề đáng quan ngại vì mức độ hài lòng của người dân với giá bồi thường thu hồi đất tiếp tục thuyên giảm, cho dù ở mức độ thấp trong nhiều năm qua.

Kết quả khảo sát còn cho thấy tỉ lệ người dân biết về Luật Phòng, chống tham nhũng giảm tương đối đáng kể (từ 45% năm 2016 xuống 40% năm 2017). Và tỉ lệ người dân cho biết chính quyền tỉnh/TP đã xử lý nghiêm túc các vụ việc tham nhũng tại địa phương cũng ở mức thấp (35% năm 2017). 

Theo ông Kamal Malhotra, với những kết quả đó, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để kiểm soát hiệu quả hơn nữa tham nhũng.

Người dân sẵn sàng trả thêm thuế để đầu tư cho bảo vệ môi trường

PAPI 2017 phát hiện, đói nghèo vẫn là mối quan ngại lớn nhất qua nhiều năm. Từ năm 2015 đến nay, ô nhiễm môi trường cũng đang nổi lên vấn đề rất đáng quan ngại.

Kết quả phân tích dữ liệu dưới đây nêu bật mối quan hệ giữa hai vấn đề này bằng việc xem xét sự lựa chọn của người dân giữa bảo vệ môi trường, giảm nghèo và phát triển kinh tế.

Nhìn chung, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao, không sẵn sàng đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nhiều người cho biết họ sẵn sàng trả thêm thuế để đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Không có tỉnh/TP nào trong toàn bộ 63 tỉnh/TP giảm sút so với kết quả năm 2016. Có 7 tỉnh/TP tăng điểm đáng kể.

Điểm PAPI tổng hợp của Bạc Liêu, Quảng Ninh và Trà Vinh tăng nhiều nhất (trên 8% điểm), trong đó Bạc Liêu có mức gia tăng ấn tượng nhất năm 2017. Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và An Giang cũng tăng điểm đáng kể.

Khi so sánh kết quả của nhóm đạt điểm cao nhất năm 2016 với năm 2017, 11 trong số 16 tỉnh/TP đạt điểm cao nhất năm 2016 vẫn thuộc về nhóm này trong năm 2017: Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bến Tre và Cần Thơ. Bắc Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp, thuộc về nhóm đạt điểm trung bình cao; Hưng Yên thuộc về nhóm đạt điểm trung bình thấp năm 2017.

Khi so sánh kết quả năm 2012 với 2017 (đều là năm thứ hai của hai nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016, và 2016-2021), hai tỉnh An Giang và Trà Vinh đã đạt nhiều tiến bộ ở ba chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Cung ứng dịch vụ công”, với mức gia tăng về điểm ước lượng trên 10% ở cả ba chỉ số sau 5 năm. Đây là ba chỉ số không có thay đổi về chỉ tiêu đánh giá kể từ năm 2011 đến 2017.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm