Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ô nhiễm từ làng nghề tái chế nhôm

Thứ ba, 20/12/2011 - 14:13

(Thanh tra)- Trung bình mỗi ngày các hộ dân làm nghề sản xuất, tái chế nhôm ở làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thải ra môi trường xung quanh hàng nghìn m3 chất độc hại chưa qua xử lý bao gồm cả chất thải rắn, nước thải và khói bụi. Thực trạng trên đã khiến môi trường sống nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nơi đây.

Các dòng sông ở làng nghề Bình Yên bị ô nhiễm nghiêm trọng

Ô nhiễm đến mức báo động

Bình Yên là một làng nghề sản xuất, tái chế nhôm với diện tích trên 16ha, bao gồm 538 hộ với 1.870 nhân khẩu. Nghề sản xuất, tái chế nhôm ở đây được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước và phát triển mạnh vào đầu năm 2000, với 350 hộ làm nghề. Việc phát triển mạnh nghề tái chế nhôm đã giúp đời sống của người dân nơi đây ngày một nâng lên, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do việc phát triển sản xuất còn mang tính tự phát; hệ thống xử lý chất thải không có; công nghệ sản xuất lạc hậu, thêm vào đó ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế... nên môi trường ngày càng bị bị ô nhiễm.

Với nguồn nguyên liệu chính là các phế liệu từ nhôm, được người dân trong làng thu gom ở nhiều tỉnh, thành khác về, sau đó được thực hiện chủ yếu ở ba công đoạn, là: Chưng cất nhôm từ phế liệu; cô đúc và cán nhôm, sản xuất thành phẩm. Thông thường mỗi hộ gia đình chỉ làm chuyên 1 trong 3 khâu.

Ngay từ đầu làng, hàng chục nghìn tấn phế liệu đã được người dân thu mua về đổ tràn ra hai bên đường; khói bụi từ các lò chưng cất và tái chế nhôm thủ công thải ra nghi ngút có mùi khó chịu. Toàn bộ hệ thống kênh rạch bao quanh làng đều phủ trắng bột nhôm và các chất cặn do các cơ sở sản xuất thải trực tiếp ra ngoài. Các bãi đất trống trong làng và dọc hai bên đường đi vào làng, người dân đổ hàng trăm tấn xỉ than và các tạp chất từ việc chưng cất nhôm. Tình trạng trên đã kéo dài hàng chục năm nay, số lượng chất thải độc hại chưa qua xử lý thải ra môi trường ngày càng lớn, khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, vẫn chưa có một công trình xử lý chất thải nào được xây dựng.

Công nghệ tái chế nhôm được thực hiện một cách thủ công

Anh Triệu Văn Trung, một người làm thuê ở đây cho biết: “Tôi làm nghề tái chế nhôm đã được hơn chục năm nay, công việc hàng ngày là chưng cất các phế liệu từ nhôm để loại bỏ các tạp chất. Làm nghề này thì thu nhập cao hơn so với làm nông mà lại được ở gần nhà, trung bình thu nhập mỗi tháng từ 4,5 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi và ở gần các lò chưng cất nhôm có nhiệt độ lên đến hàng nghìn độ, lại không có trang bị bảo hộ lao động nên cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về đường hô hấp”.

Theo số liệu khảo sát mới đây của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, hàm lượng phốt pho thải ra vượt tiêu chuẩn Việt Nam cho phép từ 1,09 - 7,6 lần; thông số kẽm vượt từ 7,7 - 33,8 lần... Khối lượng chất thải rắn, độc hại từ quá trình sản xuất, tái chế nhôm, cặn nhôm, xỉ than... thải ra môi trường lên đến hơn 40 tấn/tháng. Quá trình tẩy rửa các sản phẩm nhôm đã thải trực tiếp ra môi trường nước thải có chứa các dung dịch độc hại như a-xít, hơi kim loại, xút... trung bình từ 7 - 10m3/hộ/ngày... Quá trình đốt than để nung chảy các phế liệu nhôm, vỏ lon... đã phát sinh một lượng lớn các khí thải độc hại như khói, bụi, CO, SO2, NO2, hơi xút…

Chờ biện pháp xử lý của cơ quan chức năng

Mặc dù, tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề Bình Yên đã đến mức báo động và kéo dài nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết. Mọi biện pháp xử lý mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền; xây dựng thí điểm thành công 2 mô hình gồm: Giảm thiểu nước thải từ quá trình nhúng mạ sản phẩm nhôm và giảm thiểu khói bụi với loại hình sản xuất cô lon, nhôm; hỗ trợ các hộ sản xuất trong làng nghề xây dựng hố ga thu nước thải từ quá trình nhúng rửa sản phẩm nhôm và xây ống khỏi giảm thiểu khói bụi.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Ngô Ngọc Giang, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực cho biết: Huyện hiện có 8 làng nghề truyền thống, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề được huyện quan tâm và tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, do còn gặp khó khăn về vốn nên việc xử lý tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền. Tại làng nghề sản xuất, tái chế nhôm ở Bình Yên, hàng năm huyện cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí để nạo vét và khơi thông dòng chảy cho hệ thống kênh rạch ở quanh làng.

Ông Giang cũng cho biết, hiện Phòng đã tham mưu UBND huyện phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức khác nhau; triển khai xây dựng những khu, điểm sản xuất công nghiệp xa khu dân cư. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định cần sớm triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Yên.


Nguyễn Trường

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm