Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những doanh nhân 'siêu nhỏ, nhỏ và vừa' trước biển lớn

Thứ bảy, 13/10/2018 - 09:04

Là chủ của 98% lượng doanh nghiệp, giải quyết hơn 5 triệu việc làm, nhưng những ông bà chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn mong manh, gặp khó khăn trên thị trường.

Ngồi tĩnh lặng trong văn phòng rộng chừng 15 m2, anh Đại, 42 tuổi, cẩn thận tính toán lại khối lượng gỗ nguyên liệu cho đơn hàng làm tủ vừa nhận. Anh Đại là chủ một doanh nghiệp hạng vừa chuyên gia công đồ nội thất để xuất khẩu ở thủ phủ gỗ Dĩ An, Bình Dương.

Gần 20 năm theo nghiệp gỗ, anh gây dựng được một doanh nghiệp có khoảng 70 công nhân lao động thường xuyên. Công ty của anh chủ yếu nhận đặt hàng từ những doanh nghiệp lớn xuất đồ gỗ đi châu Âu và Mỹ. Khách chuyển mẫu, anh nhận gia công, rồi chuyển lại cho khách xuất đi.

Anh tâm sự, anh chỉ kiếm lời từ một công đoạn nhỏ của ngành gỗ. Phần lợi nhuận lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp lớn, xuất trực tiếp đi nước ngoài. Điểm tích cực là bản thân doanh nghiệp nhỏ bé của anh không gặp nhiều rủi ro.

Anh Đại vẫn nuôi ước mơ sẽ mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm của chính mình thiết kế, mang thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài. Gần 10 năm, ước mơ đó vẫn chưa thành sự thật, bởi việc điều chỉnh quy mô không dễ.

Đó cũng là tình trạng chung của hàng trăm nghìn doanh nhân “siêu nhỏ, nhỏ và vừa” (SME) trên cả nước. Họ là chủ của lực lượng đang đóng góp tới 98% trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp SME tạo ra 5 triệu việc làm, đóng góp 45% vào GDP và 31% vào tổng thu ngân sách Nhà nước.

Chiếm áp đảo về số lượng, nhưng doanh nghiệp SME vẫn đang đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn, thách thức, thậm chí là bị kìm hãm để phát triển, để bứt lên. Đó cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nhân “siêu nhỏ, nhỏ và vừa” hiện nay.

Những ông chủ nhỏ gánh trên vai lượng việc khổng lồ

Doanh nghiệp của anh Đại chỉ có khoảng vài người làm việc ở văn phòng gồm anh, một quản đốc, một kế toán và khoảng 70 công nhân. Những công việc mang tính chất quan trọng đều do anh kiêm nhiệm. Từ việc chào hàng, báo giá, làm việc với tối tác, tính toán khối lượng gỗ nguyên liệu, ngoại giao…

Ở những đơn vị lớn, mỗi việc đều được phân chia các bộ phận rõ ràng, giám đốc chỉ là người quản lý điều hành chung. Nhưng ở những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, giám đốc gánh trên vai trọng trách lớn hơn thế. Chuyện vui mà người ta hay kể một công ty mà giám đốc kiêm cả lao công, kiêm cả bảo vệ là điều không hiếm.

“Doanh nghiệp nhỏ nên thuê thêm một người đều là bài toán tiền lương, lại phải cân đối xem có tạo ra giá trị cho mình không. Nếu không giải quyết được bài toán đó thì phải tiết kiệm, tự làm thôi…”, anh Đại chia sẻ.

Cách doanh nghiệp của anh Đại khoảng 1.700 km, Công ty may của chị Đào Thị Mùi ở huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) cũng trong tình cảnh tương tự. Gọi là công ty may, nhưng chị chỉ có một xưởng nhỏ đủ chỗ làm việc cho khoảng 20 công nhân. Công ty của chị chuyên may quần áo theo yêu cầu của các shop trong nội thành Hà Nội, “mùa nào, hàng nấy”.

Mọi công việc từ kế toán, bán hàng, làm việc với đối tác, mua bán nguyên vật liệu, trả lương cho nhân viên đều do chị đảm nhiệm. Tuy có một tổ trưởng giúp việc, nhưng chị vẫn phải làm những việc cơ bản nhất.

Phải lo rất nhiều việc cùng một lúc, chị Mùi gần như không có nhiều thời gian nghĩ đến việc cơ cấu doanh nghiệp hay mở rộng kinh doanh. Chị nói rằng việc kinh doanh cứ đến đâu thì tính đến đó. Không có kế hoạch, không có chiến lược, không có thời gian đi làm sản phẩm mới… Khi đơn hàng tăng thì chị lại càng bận rộn, khi đơn hàng chậm thì duy trì.

Anh Đại và chị Mùi là hai trong hàng trăm nghìn doanh nhân trên cả nước đang phải kiêm nhiệm rất nhiều vai trò trong chính doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, đó là sự lựa chọn khả dĩ nhất cho một mô hình kinh doanh không quá lớn, giúp họ tiết giảm chi phí, chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình tiến ra.

Theo quy định của Chính phủ, doanh nghiệp siêu nhỏ có dưới 10 người được đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp nhỏ là dưới 100 người, còn doanh nghiệp vừa là dưới 200 người.

Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng SME tăng nhanh trong giai đoạn 2012-2017 nhưng số lao động của doanh nghiệp này lại tăng thấp hơn so với doanh nghiệp lớn. Bình quân một doanh nghiệp trên cả nước có 27 nhân viên, thì số này của SME chỉ vào khoảng 14-15 người.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định doanh nhân trong các mô hình SME, vừa phải lấy sức mình để chèo lái con thuyền doanh nghiệp, nhưng lại gặp rủi ro lớn nếu doanh nghiệp quá phụ thuộc vào một người. Đó vẫn là mô hình truyền thống, mô hình kinh doanh kiểu gia đình, nhỏ lẻ. Đó có thể là điều kìm hãm doanh nghiệp phát triển, hoặc khiến họ chỉ đi “là là” mà không thể bứt phá lên được.

" Vốn, vốn và vốn"

Là một công ty gỗ uy tín, công ty của anh Đại ngày càng nhận được nhiều lời đặt hàng. Tuy nhiên, với sức mình, anh Đại không thể nhận tất cả. Nếu nhận nhiều anh phải thuê thêm công nhân, mở rộng nhà xưởng, có thêm vốn để mua thiết bị, nguyên liệu.... Nhưng nếu đơn hàng sụt giảm, với vốn đầu tư bỏ ra ban đầu, lại phải trả lương duy trì lượng công nhân là bài toán lớn.

Tuy nhiên, anh Đại cho rằng bài toán lớn nhát chính là lấy đâu ra vốn để mở rộng quy mô. Ông chủ nào cũng muốn làm lớn hơn, có nhiều đơn hàng hơn. Nhưng chuyện có vốn không hề đơn giản, nhất là tiếp cận tín dụng của ngân hàng.

“Không có nhiều tài sản thế chấp, không vay được nhiều. Doanh nghiệp khó được vay mức lãi suất ưu đãi, khoản vay không lớn, thủ tục thẩm định rườm rà… Doanh nghiệp như chúng tôi rất nản lòng”, anh nói.

Anh Đại vẫn nhớ như in hơn 10 năm trước, khi anh làm lỗi một đơn hàng của khách, phải đền bù dẫn đến khoản lỗ gần 2 tỷ đồng, mất đi nhiều vốn liếng sau nhiều năm tích cóp. Nhà xưởng nhỏ, lại đi thuê, không có nhiều tài sản khiến anh nhận hết cái lắc đầu này đến cái lắc đầu khác của ngân hàng.

Anh phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn bạn bè, người thân để có tiền trả lương cho công nhân hàng tháng nhằm duy trì sản xuất. Thậm chí, anh phải vay cả lãi suất cao để trang trải nợ nần, có vốn quay vòng cho các đơn hàng sau đó. Doanh nghiệp thiếu vốn và trên bờ vực phá sản đó là những kỷ niệm khiến anh không thể nào quên được.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết từ cách đây 30 năm, khi nghiên cứu về SME, ông và các đồng nghiệp đã phát hiện ra 3 vấn đề lớn nhất, liên quan mật thiết tới sự phát triển của các đơn vị này tại Việt Nam.

“Thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba cũng là vốn”, ông trầm ngâm nói. Theo ông Lộc, tín dụng SME tại Việt Nam hiện chỉ chiếm 21% trên tổng số dư nợ tín dụng. Dù phía cơ quan chức năng, lẫn ngân hàng đã cởi mở hơn, nhưng 60% các doanh nghiệp hiện nay vẫn không thể tiếp cận, hoặc sử dụng được vốn ngân hàng.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện để huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Hơn nữa, thị trường chứng khoán đã và đang trồi sụt thất thường, thanh khoản thấp, nên việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu rất khó khăn.

Chưa kể, việc tiếp cận vốn từ quỹ hỗ trợ cũng không thực sự thuận lợi, khi các quỹ này chưa cụ thể hoá các tiêu chí của Luật Hỗ trợ SME, như yếu tố tài sản bảo đảm, tính minh bạch thông tin, các trình tự thủ tục rõ ràng.

Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận tình trạng thiếu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn xảy ra đối với SME.

Hiện nay, có đến 70% SME, tương đương với khoảng gần 400.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Cục Phát triển doanh nghiệp nhận định đây là thực trạng đáng buồn đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Với bài toán thiếu vốn, không chỉ riêng anh Đại, hàng chục nghìn chủ SME vẫn phải vật lộn với bài toán vốn cho sản xuất kinh doanh hàng ngày.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, SME còn nhiều rủi ro trong kinh doanh vì phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo thống kê, có đến 90% doanh nghiệp khởi nghiệp không có lãi trong vòng 3 năm đầu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết qua khảo sát, khi khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp nào cũng tràn đầy kỳ vọng về tương lai. Tuy nhiên, sau khi đi vào sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vấp phải những vấn đề như: tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, khả năng thanh toán các chi phí vận hành doanh nghiệp, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp...

Thực tế cho thấy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì tỷ lệ SME gặp thua lỗ tương đối cao với tỷ lệ 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa. Một con số tương phản cho thấy trong khi có 53% doanh nghiệp siêu nhỏ báo lãi, thì có tới 83% doanh nghiệp quy mô lớn cho biết năm vừa qua là một năm kinh doanh có lợi nhuận.

Lý giải hiện tượng này, theo ông Tuấn, có thể bởi một số SME không đủ sức tồn tại trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn hoặc khó tiếp cận vốn ngân hàng do đã thế chấp hết các tài sản đã có và hiện nay không thể dùng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho vay nữa.

Doanh nhân nhỏ và vừa, họ cần giúp gì?

Khi được hỏi, anh muốn được gì để mở rộng sản xuất kinh doanh, anh Đại chia sẻ đơn giản chỉ muốn có điều kiện học hỏi thêm. Anh muốn học thêm về tài chính, quản trị doanh nghiệp, nhân sự, marketing để điều hành doanh nghiệp tốt hơn, so với việc chỉ dựa vào kinh nghiệm như hiện tại.

“Vốn cũng cần, mặt bằng cũng cần, đơn hàng cũng cần, nhưng nếu có nhiều kiến thức hơn, tôi tin sẽ là tốt hơn”, anh Đại chia sẻ giản dị.

Tuy nhiên, chị Mùi lại nghĩ khác, chị cho rằng điều tiên quyết là phải có vốn, vì sức mình thì có thể làm được nhiều thứ, có thể học hỏi thêm, nhưng vốn thì “khó như lên trời”.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh cơ quan Nhà nước phải làm tròn vai trò “bà đỡ”, thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp và đi vào cuộc sống để “nuôi dưỡng” các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa đi lên. Ông cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ, liên minh, liên kết các doanh nhân, SME lại với nhau để tạo sức mạnh lớn hơn.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng yếu tố quan trọng là việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là SME.

Ngoài ra, ông cũng nhận định cần tạo một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cũng như các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, vốn để nuôi dưỡng SME.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế sáng tạo, nền công nghiệp 4.0. Trong đó, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp chính là ý tưởng sáng tạo, kế hoạch kinh doanh.

"Bao giờ cũng có rủi ro, nhưng khả năng bứt phá tạo ra nguồn lợi cao cũng rất lớn. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các nhà đầu tư, quy đầu tư mạo hiểm, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi ở bước đầu khởi nghiệp chưa cần nguồn vốn lớn. Nguồn vốn hỗ trợ nhỏ thôi nhưng nếu thực sự tiếp cận được, sẽ tạo động lực thúc đẩy cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo chủ tịch VCCI, để phát triển doanh nghiệp cần có sự phối hợp của cả 3 nhà gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà băng.

Nhà băng nên cân nhắc cho vay thế chấp dựa trên ý tưởng, phương án sản xuất, kinh doanh. Bởi tại nhiều nước phát triển, hình thức này đã được áp dụng từ lâu nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, kích thích sáng tạo.

Nhà băng cũng cần các phương thức cho vay mới, các gói cho vay linh hoạt, thậm chí là hỗ trợ, định hướng cho các đơn vị khởi nghiệp. Các tổ chức tài chính, tín dụng, bảo hiểm cần có sự tương tác, bọc lót cho nhau, hướng tới hỗ trợ SME.

Từ phía Nhà nước, Chủ tịch VCCI đề xuất, cần nới lỏng các khuôn khổ chính sách, pháp lý, khuyến khích khởi nghiệp, kích thích sáng tạo.

Về phía doanh nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh cần sự minh bạch hơn trong quản trị. Bởi tín dụng chính là niềm tin. Nếu không minh bạch, niềm tin sẽ khó đạt được. Và đó cũng chính là lý do các quỹ hỗ trợ, ngân hàng nói không với SME ở nước ta.

Theo Hiếu Công/Tri Thức Trực Tuyến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm