Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những con vật đáng yêu

Thứ hai, 20/02/2012 - 21:19

(Thanh tra) - Lên bất kỳ hòn đảo nào trong quần đảo được mệnh danh là “bão tố”, tôi cũng đều bị những con vật ở đây… quyến rũ. Có lẽ, sự khác thường so với đồng loại ở đất liền của những con vật nuôi nơi đầu sóng ngọn gió này là một trong những lý do để tôi đặc biệt quan tâm đến chúng. Đó có thể là một chú chó, hoặc một đàn chó.

Những con vật trên đảo

>>Trường Sa mùa biển động: Sóng chồng lên sóng

Con Trắng của “Chúa đảo”

Ngày chúng tôi rời Tốc Tan để đến đảo Phan Vinh, một trong hai đảo nổi trong hành trình tuyến giữa của tàu HQ 936, lại thêm một cơn bão mới ập đến.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã lên được đảo Phan Vinh sau vài ngày neo tàu tránh bão. Nhìn hiện tượng mà đoán, thì bão có thể tiếp tục kéo dài thêm vài ngày sau khi chúng tôi đã lên được đảo. Ngày thứ hai ở đảo Phan Vinh, mưa gần như kéo dài cả ngày. Nhưng khoảng nửa buổi chiều, giữa hai cơn mưa, trời bỗng quang tạnh một cách bất thường. Tôi khấp khởi mừng thầm nên chạy ngay ra bờ chắn sóng ngắm nhìn trời đất. Không chỉ trời quang tạnh, mà dường như sóng biển cũng nhẹ nhàng hơn, và cả gió khơi cũng dịu dàng hơn. “Có thể cơn bão đã đi qua!”, tôi đoán. 

Mải ngắm nhìn trời nước, tôi không để ý ngay sát chỗ tôi đang đứng, nhưng hơi khuất trong bụi cây phong ba là con chó Trắng cũng đang… ngắm nhìn đất trời. Vẫn hướng ra phía biển, con Trắng đang nghểnh cổ vểnh tai cùng với ánh mắt dường như bối rối hay lo sợ bởi một điều gì đó. Nó chẳng thèm để ý gì đến tôi cả.

Lát sau, một cơn mưa mới ập đến và sóng lại quất tơi tả vào bờ. Tôi chạy vội vào phòng. Riêng con Trắng lại tỏ ra không vội: Nó lộ rõ vẻ mừng rỡ với kiểu lững thững đi dưới mưa sau khi khịt khịt mũi mấy cái như muốn cảm ơn những con sóng bạc đầu ở phía xa kia.

Trắng là tên con chó do chính “Chúa đảo” đảo Phan Vinh,  trung tá Trần Văn Nhật, nuôi dạy. Thay vì lấy tên một ca sỹ hay một diễn viên điện ảnh nổi tiếng nào đó đặt tên như cách đặt tên cho lũ chó ở đảo, “Chúa đảo” Trần Văn Nhật vì thấy màu lông con vật trắng nên đã gọi nó là “Trắng” một cách đơn giản. Con Trắng được nuôi từ lúc anh vừa ra đảo này nhận nhiệm vụ, tháng 7/2009. “Nó khôn lắm đấy!”, “Chúa đảo” Trần Văn Nhật vốn là người kiệm lời nhưng đã lên tiếng với khách để khoe con vật do mình nuôi dạy.

Lát sau, anh nói tiếp: “Mấy hôm nay, đi đâu, nó theo sát chân đến đó, không rời nửa bước! Đêm, nó nằm ngủ ngay trước cửa phòng mình!”. Con Trắng khôn như thế nào thì tôi chưa biết, riêng chuyện “không rời nửa bước” thì tôi được chứng kiến từ hôm đầu tiên đặt chân lên đảo. Trong lúc đang tiếp các nhà báo ở bàn trà ngoài vườn cây, “Chúa đảo” Nhật thỉnh thoảng lại nhắc con Trắng: “Trắng! Ra kia tí nào! Đi nào!”. Mặc cho chủ nhắc, con chó cứ nằm lỳ ngay tại chân bàn gần chỗ đảo trưởng ngồi.

Tôi để ý đến con Trắng: Tai cụp xuống, mắt díp lại, mồm chảy xệ… Đó có thể là biểu hiện của sự “bất cần đời” của loài chó. “Ngữ này, đừng có mà động vào. Nó mà chồm tới với hai con mắt long lên sòng sọc thì phải biết!”. Như biết tôi đang nghĩ gì trong đầu, con Trắng ngước lên với cặp mắt ngái ngủ, nhưng tia nhìn lại là một lời cảnh cáo. Đến lúc đảo trưởng Trần Văn Nhật hội ý với anh em báo chí trong phòng họp, con chó lại lẽo đẽo đi theo và lại quấn dưới chân bàn. Lúc mọi người xuống nhà bếp dự liên hoan nhẹ, con Trắng lại cụp tai và cúi gằm đầu đi theo đảo trưởng chủ nhân. Có điều, vào nhà ăn, nó hầu như không đụng gì đến những thứ từ phía bên trên bàn “chuyển” xuống nền nhà, mà chỉ nằm bẹp xuống sàn ngay dưới chân “Chúa đảo”.

Nhẽ ra, theo lịch thì chúng tôi lên đảo Phan Vinh chỉ một đêm rồi trưa hôm sau trở lại tàu, nhưng do có bão nên đã bị giữ chân tại đây đến bốn ngày bốn đêm. Mấy ngày bị giữ chân trên đảo, thỉnh thoảng tôi lại thấy con Trắng nhởn nhơ một mình ngoài sân với cái dáng rất thong dong. Xuống nhà ăn, nó tỏ rõ là một đấng mày râu của biển cả “ăn sóng nói gió” để luôn sẵn sàng cho những cuộc “mây mưa”. Nó, con Trắng ấy, không còn quấn vào chân chủ với cái dáng vẻ ủ rũ như hôm đầu tiên tôi nhìn thấy. Tôi bỗng trở nên… nghi ngờ câu nói của “Chúa đảo” Trần Văn Nhật rằng “Nó khôn lắm đấy!” khi nói về con chó do chính mình nuôi dạy. Nhưng, mãi đến chiều hôm thứ tư ở đảo, trước lúc biển yên giữa hai cơn bão, tôi mới biết được thông tin rằng đợt này đảo trưởng Trần Văn Nhật, chủ nhân của con Trắng, cũng vào bờ vì đã hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh.

Và, lúc này, tôi muốn nhìn kỹ hơn cái dáng lững thững cao ngạo, an nhiên tự tại của con Trắng đi trong cơn mưa mới vừa ập tới.

Những con vật trên đảo


Ở nơi mấy hòn đảo mà tôi đã đặt chân đến trong những ngày qua, nhìn dưới một góc độ nào đó, những người lính ở đây sống như người trong một gia đình. Là tiền tiêu đấy, là quân lệnh như sơn một cách cao nhất đấy, nhưng ở đó, trong mắt kẻ ngoại đạo là tôi thì sự mềm mỏng, thân thuộc, ruột rà… kiểu như người một nhà vẫn hiện hữu.

Dễ dàng nhận ra trên cả hai hòn đảo Tốc Tan và Phan Vinh là cùng tồn tại với con người nơi đầu sóng ngọn gió còn là những con vật nuôi. Trên đảo Tốc Tan, đáng kể nhất trong số những con vật nuôi tồn tại với con người là đàn chó đông đến vài mươi con. Hôm chúng tôi bước từ xuồng lên đảo, cả đàn chó với đủ màu sắc, đủ các “độ tuổi”, vóc dáng… ào từ trong nhà ra tận mép sóng sủa với đủ thứ giọng, đủ các “cung bậc”.

Mỗi lần có khách lạ, lũ chó lại từ trong nhà phóng ra mép nước, và đi đầu luôn luôn là một con chó đực to lớn. Chúng chỉ chịu im và quay lại nhà khi một trong những chủ nhân của đảo “lên tiếng” buộc chúng phải làm theo lệnh. Ở đảo Phan Vinh, cứ vào sáng sớm, khi tiếng kẻng báo thức của trực ban vang lên cũng là lúc đàn chó trên đảo cùng cất giọng hòa thành bản hợp xướng hoàn thiện nhất của loài chó. Trong bản hợp xướng do lũ chó tự viết nhạc và tự biểu diễn ấy, một giọng trầm khàn như bè trì tục có giá trị “dìu dẫn” cả đàn của một con đực nào đó luôn hiện hữu.

Khi hồi kẻng báo thức vừa dứt cũng là lúc dàn hợp xướng kia được biểu diễn đến đoạn cuối cùng và cùng dứt âm một cách rất bài bản. Riêng tiếng khàn đục ở bè trì tục của con đực kia thì “điểm” thêm vài phách như thể khẳng định một lần nữa vai trò của cá nhân mình trong dàn hợp xướng.       

Nghe bảo, chúng cũng có tên riêng hẳn hoi chứ không phải tất cả cùng một cái tên chung chung là “chó” đâu đấy nhé! Hơn nữa, tên riêng của lũ chó ở đó cũng… độc đáo đến là… Hóa ra, trên đảo, một anh lính nuôi ít nhất là một chú chó; và có lẽ bởi thương lắm chú chó của mình, và cũng rất yêu thích các nghệ sỹ nên tên của chúng cũng là tên của các nghệ sỹ, nhất là các ca sỹ, diễn viên điện ảnh, các hoa hậu, người mẫu… Lũ chó trên đảo xứng đáng được như thế.

Không chỉ chó, mà trên hai hòn đảo mà tôi được đặt chân đến (và nghe nói là hầu hết ở các đảo khác cũng thế), lính ta còn nuôi cả heo, gà, vịt… Điều thú vị nữa là không chỉ có chó mà cả những loài vật không mấy gần gũi, thân thiết với con người này cũng “ăn cơm theo kẻng”, hoặc theo một kiểu hiệu lệnh nào đó như là tiếng vỗ tay, tiếng khua chảo, khua xoong, khua chén bát…

Trên đảo, mọi thứ cứ như là một gia đình lính vậy!

(Kỳ sau: Mặt trời trên biển Tiên Nữ)

Phóng sự của: Kim Chánh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm