Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Như một hành trình văn hóa

Ngô Quốc Đông

Thứ ba, 05/09/2023 - 15:38

(Thanh tra) - Nhiều năm nay, khi nghỉ lễ kéo dài, điều mà người dân quan tâm nhất không phải là tiền hay phương tiện mà có lẽ là phương án giao thông để đi nghỉ lễ. Bởi từ kinh nghiệm của nhiều lần nghỉ trước đó, nếu không có một kế hoạch đi lại khôn ngoan, việc đi từ Hà Nội về quê hay đến các nơi du lịch nổi tiếng cách đó chỉ khoảng 100 km có thể mất già nửa ngày.

Ảnh minh họa: Lê Ngọc Sơn

Như thường lệ, ngày làm việc cuối cùng trước khi vào kỳ nghỉ, giao thông tại cửa ngõ Hà Nội giống như chiếc áo quá chật, phình ra và sắp bật chỉ khắp nơi. Khắp các ngả đường, hàng trăm nghìn lượt người và phương tiện đều nỗ lực nhanh nhất để thoát khỏi nội đô. Kết quả của sự cố gắng tập thể và tâm lý đám đông này đã khiến các nút giao lối ra thành phố chật cứng phương tiện từ trưa ngày 31/8 cho đến sáng 1/9.

Đến ngày 4/9,  ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ, người ta lại chứng kiến hàng trăm nghìn người từ các ngả, đổ về các trung tâm thành phố để trở lại công việc.

Vẫn một cảnh như nhiều năm trước, tắc đường kéo dài ở cửa ngõ các trung tâm lớn như Hà Nội và TP HCM. Năm nay, ngành Giao thông chỉ đạo lực lượng chức năng chốt trực để đảm bảo người dân đi lại an toàn thuận tiện. Nhưng nghĩ lại, việc tham dự của ngành Giao thông vào cải thiện sự tắc đường này không đáng kể, chủ yếu chỉ điều hướng, phân luồng. Vậy nếu họ thông chốt nọ sẽ thành tắc chỗ kia. Bởi vì bản chất của tắc đường không phải vậy, nó liên quan đến hệ thống hạ tầng giao thông, sự gia tăng phương tiện cá nhân và thói quen sinh hoạt của người dân.

Được nghỉ 4 ngày, những người trở lại thành phố dường như có một tâm lý chung là đi sớm hơn một ngày để tránh tắc đường. Họ lo xa bởi không muốn mệt như lúc ra khỏi thành phố cách đó mấy ngày trước. Vì nhiều người lo xa nên hiện tượng ùn tắc kéo dài ở cửa ngõ lại các thành phố lớn lại xảy ra vào ngày thứ ba của kỳ nghỉ (3/9). Nhờ vậy những người trở lại Hà Nội hay TP HCM vào ngày cuối (4/9) cảm thấy đường không ùn ứ như họ nghĩ. Mới thấy, người dân Việt Nam ngày nay tuy có đường xá thuận lợi, nhưng thói quen văn hóa và sự gia tăng phương tiện cá nhân ồ ạt đã không tạo cho họ một tâm lý an toàn về chặng đường trở lại.

“Nghỉ lễ”, “đi lại”, “về quê”, “giao thông”, “du lịch” và “tắc đường” như là một chuỗi những hằng số văn hóa của người Việt. Người Việt ta gọi là “nghỉ” nhưng thường “phải đi.” Có hai nơi được chọn lựa là quê và những điểm đến du lịch. Nó như hối thúc người ta phải tham gia vào một hành trình gắn kết các thành viên dù xa hay hay gần đôi khi đến mệt mỏi. Cái làm người ta mệt không do phương tiện mà vì tắc đường tạo ra.

Qua đây mới thấy, những gì thuộc về văn hóa, lối sống sẽ bền vững và không dễ gì thay đổi. Bởi vậy nếu như các thành phố lớn có nhiều cảnh đẹp và nhiều điều hay đến mấy thì những dịp lễ dài ngày như này, người đi sẽ luôn đông hơn người đến và những người ở lại. Hành trình của những người ra đi và trở lại thành phố như là một hành trình văn hóa. Đa số người ta đi khỏi nơi mình làm việc là về quê. Ở đó, họ tìm thấy những người thân, bạn bè và quan trọng hơn là ký ức, là thanh xuân và tuổi thơ của mình. Ở đó, có hai chữ “quê hương” và “gia đình” mà dù ly hương bao năm để sống và việc nơi thành phố nhưng nó vẫn mãi đọng lại trong tâm thức của họ, không dễ gì quên đi hay loại bỏ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm