Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhìn từ nhiệm kỳ Đại hội XII: Huy động nguồn lực phát triển đất nước

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)

Chủ nhật, 24/01/2021 - 22:23

Hội nhập kinh tế quốc tế là một điểm sáng trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội XII, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu khu vực về thúc đẩy, tham gia các liên kết kinh tế quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Một trong những định hướng lớn trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội XII là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, giảm các tác động tiêu cực và hiện thực hóa các cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại, huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là một điểm sáng trong công tác đối ngoại, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực về thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng vào các thiết chế kinh tế đa phương, chuyển từ “tham gia” sang chủ động đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế hợp tác, tích cực thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, xóa bỏ các rào cản thương mại và đầu tư thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh, Bắc Ireland (UKVFTA)…

Ngoại giao kinh tế - trụ cột quan trọng

Công tác ngoại giao kinh tế đã ghi những dấu ấn quan trọng, với nội dung ngày càng thiết thực, từ tham mưu, nghiên cứu chính sách kinh tế, mô hình phát triển; tìm kiếm nguồn lực phát triển cho đất nước; tạo đan xen lợi ích với các đối tác; nâng tầm ngoại giao đa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế; đến quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của đất nước; bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân Việt Nam ở nước ngoài.

Từ chỗ tìm kiếm, mày mò, “vừa học, vừa làm,” ngoại giao kinh tế đã dần thống nhất được nhận thức, nội hàm và phương châm thực hiện “đột phá, mở đường, tham mưu, song hành và đôn đốc,” trở thành một trong ba trụ cột quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, “tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là một điểm sáng trong công tác đối ngoại, đưa nước ta trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước.”

Ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Với việc chủ động, tích cực tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mà đỉnh cao là việc đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã tận dụng triệt để cơ hội do APEC mang lại để phục vụ những lợi ích kinh tế cụ thể; khởi xướng, lồng ghép thành công các nội dung phục vụ lợi ích lâu dài của Việt Nam trong các định hướng hoạt động, ưu tiên hợp tác của APEC, như phát triển bao trùm, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngoại giao kinh tế tiếp tục phát huy vai trò, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác kinh tế nói riêng và quan hệ song phương nói chung đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Ngoại giao góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên trên 500 tỷ USD vào năm 2019.

Ngoại giao cũng tích cực vận động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI tăng từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lên 38 tỷ USD vào năm 2019.

Thông qua vận động chính trị-ngoại giao, các đối tác phát triển lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… đã dành cho Việt Nam nhiều dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục…, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngoại giao kinh tế góp phần làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, tạo đan xen lợi ích, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước. Các nội dung hợp tác kinh tế được chủ động lồng ghép trong hoạt động tiếp xúc cấp cao, được thúc đẩy triển khai thông qua việc cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết cấp cao.

Việc tích cực tham gia, vận động, đàm phán, ký kết và đưa vào thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác then chốt, trong đó có các FTA thế hệ mới và quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA (ký trong những ngày cuối cùng của năm 2020), đã và đang mang lại nhiều cơ hội to lớn về thương mại, đầu tư, công nghệ, lao động cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

“Vị thế này đang và sẽ tạo ra những động lực vượt trội giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa những tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn chiến lược mới,” Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.

Ngoại giao kinh tế đã đi đầu thúc đẩy hình thành có trọng tâm các kênh hợp tác mới, khả thi, dài hạn, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ kinh tế song phương. Về bình diện đa phương, ngoại giao kinh tế góp phần bảo đảm lợi ích then chốt, vị thế đối ngoại và quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng; góp phần hiệu quả vào việc vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Đến nay, 71 nước đã công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Ở cấp địa phương, trong nhiệm kỳ qua, các địa phương đã chủ động triển khai hội nhập quốc tế, ký hơn 420 thỏa thuận quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, phát huy thế mạnh từng vùng miền, từng ngành hàng, tạo tiền đề quan trọng cho các quan hệ hợp tác thực chất, sâu rộng và hiệu quả giữa Việt Nam với các đối tác.

Phát huy thế mạnh của các “ăngten toàn cầu”

Tại buổi tiếp các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2023) chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn cạnh tranh quốc tế gay gắt, cùng với đó là khó khăn, thách thức to lớn do đại dịch COVID-19; là áp lực về sự phát triển vũ bão của thời đại khoa học công nghệ, do đó nếu chúng ta trì trệ thì không phát triển. Các đồng chí Đại sứ, Trưởng đại diện phải quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng về công tác đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam.”

Thủ tướng yêu cầu mỗi cơ quan, mỗi cán bộ ngoại giao phải: “Quán triệt tinh thần ‘chống suy thoái như chống giặc;’ khát vọng đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.”

 Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: TTXVN phát)

Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những “ăngten” quan trọng thông tin về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, tham mưu các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho Đảng, Nhà nước từ những buổi đầu độc lập cho đến nay.

Theo nguyên Phó Thủ tướng, trong giai đoạn tới cần tiếp tục phát huy thế mạnh của các “ăngten toàn cầu,” gắn ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời đẩy mạnh ngoại giao về khoa học công nghệ và ngoại giao giáo dục.

Phát huy vai trò cầu nối, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, giải đáp các thắc mắc về quy định kinh doanh của Việt Nam, hỗ trợ nhiều tập đoàn nước ngoài mở rộng, tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại mang tính đột phá vào một số thị trường trọng điểm.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là “người mở đường” tích cực trong việc giới thiệu các cơ hội, đối tác, khai thác các thị trường tiềm năng, cũng như phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.

Những hoạt động xúc tiến quảng bá bên lề các hoạt động cấp cao, các sự kiện xúc tiến tổng hợp như chuỗi Tuần, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hội nghị, tọa đàm, sự kiện quảng bá về đầu tư, thương mại, du lịch do các Cơ quan đại diện tổ chức… đã phát huy hiệu quả tối đa, góp phần khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển, năng động, giàu bản sắc, giúp mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh tế cho đất nước.

Trong thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thực hiện nhất quán phương châm “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế.”

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ công tác ngoại giao kinh tế, tạo sức mạnh tổng thể, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hiệu quả hội nhập quốc tế và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm