Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Nhân dân sẽ rất lo lắng nếu Đảng thiếu sức chiến đấu, thiếu nêu gương”

Hương Giang

Thứ tư, 03/02/2021 - 07:00

(Thanh tra) - “Nhân dân ta hoàn toàn có thể thông cảm, bù đắp cho Đảng nếu thiếu hụt một chút về kiến thức, kinh nghiệm, năng lực. Nhưng nhân dân sẽ rất lo lắng nếu Đảng thiếu sức chiến đấu, thiếu tính nêu gương và trí tuệ của Đảng”.

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: TN

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2021).

Thêm kênh thu hút trí tuệ toàn dân để Đảng thực sự tiêu biểu

+ Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng, ông có chia sẻ gì về những đổi mới trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua?

Nhìn lại 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta, từ thân phận một thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền, từng bước khắc phục khó khăn vươn lên trở thành nước đang phát triển.

Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam nổi lên như một quốc gia rất sáng trên cả mặt trận kinh tế và y tế, được đông đảo bạn bè quốc tế thừa nhận, đánh giá rất cao.

Đại hội XIII của Đảng vừa thành công rất rực rỡ, đưa ra đường lối phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm mà cho cả 10 năm, 25 năm tới, tức là tầm nhìn để đến giữa thế kỷ 21 chúng ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ rất to lớn, nặng nề này, chúng ta phải trở về vấn đề then chốt là công tác xây dựng Đảng.

Sở dĩ sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của nước ta có những thành tựu vĩ đại, to lớn như vậy, trước hết là nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh với đường lối đúng đắn, phù hợp. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ tâm, đủ tầm, vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên đã lãnh đạo đất nước thành công trên mọi lĩnh vực.

Tôi nghĩ, một trong những chủ đề rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng đặt ra là làm sao phải xây dựng Đảng ta thực sự và ngày càng xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Làm sao để mỗi người dân nhìn vào Đảng thông qua mỗi đảng viên, tổ chức Đảng thực sự là đội tiên phong, là người gửi gắm niềm tin, hy vọng, là nơi gửi gắm tương lai của dân tộc và của chính mình.

Tôi nghĩ đây là điều đáng suy nghĩ nhất nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng vừa thành công rất rực rỡ, đưa ra đường lối phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm mà cho cả 10 năm, 25 năm tới, tức là tầm nhìn để đến giữa thế kỷ 21 chúng ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

+ Vấn đề dựa vào dân để xây dựng Đảng cũng được đề cập nhiều lần, vậy làm thế nào để cụ thể hoá điều này?

Có thể nói, nhân nhân dân có “trăm mắt, trăm tay”, rất tinh tường, thấu hiểu. Cho nên, không chỉ Đảng, mà Nhà nước, các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị đều phải dựa vào dân để xây dựng, củng cố. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nguyên lý này đã được thể hiện rất rõ và thành công.

Những năm qua, Đảng đã kế thừa, vận dụng, phát triển những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng. Thí dụ như việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng…

Hay vừa qua một số nơi, trong đó có Quảng Ninh đã thay đổi cách làm, thay vì “Đảng cử, dân bầu” thì “dân tin, Đảng cử” trong việc bầu trưởng thôn. Tức là, dân tin bầu ra trưởng thôn, lúc đó, Đảng sẽ giới thiệu tham gia cấp ủy làm Bí thư Chi bộ.

Để Đảng thực sự là trí tuệ, tiêu biểu của dân tộc và thời đại, chúng ta phải có thêm những kênh để thu hút trí tuệ toàn dân.

Củng cố, phát triển sức chiến đấu của Đảng là việc sống còn

+ Đảng đã chỉ ra 4 nguy cơ, theo ông, nguy cơ nào là thách thức lớn nhất cần phải lưu tâm, xử lý?

Đầu thế kỷ 20, lãnh tụ Lênin có nói một câu rất hay rằng, không ai đánh đổ được chúng ta, không ai đánh đổ được những người cộng sản ngoại trừ chính chúng ta, nếu những sai lầm, khuyết điểm của chúng ta chậm được phát hiện và không được sửa chữa.

Thực tiễn phong trào cộng sản quốc tế, đặc biệt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đã chứng minh tính đúng đắn của luận điểm này. Sự nghiệp cộng sản đổ vỡ một mảng rất lớn ở Liên Xô cũ và Đông Âu do những sai lầm trong cải tổ, sai lầm trên cả phương diện chính trị, tư tưởng, tổ chức, đặc biệt là xây dựng Đảng của đội ngũ cộng sản cầm quyền ở đấy. Đây là bài học rất xót xa, sự cảnh tỉnh lâu dài đối với tất cả các đảng cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng ta.

Trong Báo cáo Chính trị Đại hội XIII khẳng định, tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong; tình trạng tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nguy cơ mà còn là thách thức không thể xem thường.

Nhìn thẳng vào sự thật chúng ta thấy rằng, hầu như không có một vụ án lớn nào được kiểm điểm, phanh phui thông qua sinh hoạt Đảng thường kỳ tại các Chi bộ, Đảng bộ. Tại sao lại thế này? Do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hay thiếu trách nhiệm? Hay là an phận thủ thường, hay sự thờ ơ chính trị của đảng viên? Dù nguyên nhân thế nào thì đây cũng là dấu hiệu sa sút về sức chiến đấu trong Đảng ta.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng, gửi gắm niềm tin trọn vẹn vào 200 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vừa trúng cử", PGS. TS Nguyễn Viết Thảo nói.

Trong công tác xây dựng Đảng, việc khôi phục, củng cố, phát triển sức chiến đấu của tất cả các tổ chức Đảng, từ cơ sở tới Trung ương là việc sống còn.

Sau đó là tính gương mẫu của tổ chức Đảng, đặc biệt của đảng viên. Cán bộ giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu. Tôi cho rằng, Đảng ta thuyết phục được toàn dân chính là bằng tính gương mẫu của mình. Tiếp nữa là, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền.

Nhân dân ta hoàn toàn có thể thông cảm, bù đắp cho Đảng nếu thiếu hụt một chút về kiến thức, kinh nghiệm, năng lực. Nhưng nhân dân sẽ rất lo lắng nếu Đảng thiếu sức chiến đấu, thiếu tính nêu gương và trí tuệ của Đảng.

+ Một đảng bị đổ vỡ, mất uy tín có khi do chính sai lầm, suy thoái của đội ngũ cán bộ. Vừa qua, để loại bỏ những cán bộ hư hỏng, Đảng đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Ông nghĩ gì về điều này?

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thu được những kết quả khiến nhân dân rất phấn khởi, nhưng đúng như Tổng Bí thư nói mới là kết quả bước đầu.

Chúng ta xử lý được một số việc, vụ việc, một số cán bộ, còn xử lý vấn nạn tham nhũng, vấn đề tham nhũng thì chắc còn là cuộc chiến đấu dài phía trước vì liên quan đến rất nhiều chính sách, từ kinh tế, cán bộ đến tiền lương… và hàng loạt chính sách khác. Chúng ta phải làm đồng bộ, khoa học, từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, không triển khai ồ ạt được.

Những nước xung quanh ta như Singapore, Hàn Quốc trước kia thì cũng phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng và đến nay họ làm cũng khá thành công thì không có lý do gì chúng ta không thành công.

Tin tưởng vào 200 Uỷ viên Trung ương khoá XIII

+ Vậy với Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ XIII vừa được Đại hội bầu ra, ông có kỳ vọng gì?

Tôi có may mắn là trực tiếp giảng dạy, làm chủ nhiệm các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp chiến lược.

Qua hai kỳ Đại hội, tôi thấy việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ Trung ương rất công phu, sàng lọc qua rất nhiều vòng. Tất cả các cán bộ cấp chiến lược đều có quá trình rèn luyện rất dày dặn, phong phú, nhiều vị trí, chức danh qua nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tất cả đều được đào tạo rất cơ bản, trong đó không ít người được đào tạo ở nước ngoài, có rất nhiều người tuổi trẻ, năng động.

Theo  PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương về sự liêm khiết, trong sạch, về sự tận tụy, trách nhiệm. Ảnh: TN

Tôi hoàn toàn tin tưởng, gửi gắm niềm tin trọn vẹn vào đội ngũ cán bộ trẻ, cũng như 200 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vừa trúng cử, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được toàn Đảng, toàn dân kính trọng, tin tưởng, yêu mến.

Tổng Bí thư là một tấm gương về sự liêm khiết, trong sạch, về sự tận tụy, trách nhiệm, về trí tuệ và năng lực công tác, thậm chí có uy tín quốc tế rất cao.

Tôi cũng như rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ tin tưởng, mà còn kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ XIII.

+ Một trong những vấn đề quan trọng sau Đại hội XIII là đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong đó nhấn mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo có tinh thần như thế nào để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra?

Đại hội XIII vừa qua nhấn mạnh rất nhiều về đổi mới sáng tạo. Với tất cả những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử chúng ta đạt được trong 35 năm đổi mới, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa, khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để vươn lên được cái đích trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21, chúng ta cần phát triển rất nhanh với chất lượng cao, nói cách khác là nhanh và bền vững.

Chúng ta đã làm được 2 kỳ tích, nhảy từng bước rất cao, nhảy được bước khá xa, bây giờ muốn cao hơn, xa hơn những bước nhảy trước sẽ khó khăn hơn nhiều. Bẫy thu nhập trung bình luôn giam chân tuyệt đại đa số các quốc gia sau khi thoát nghèo. Chỉ rất ít quốc gia sau khi thoát nghèo vượt được vũ môn, thu nhập trung bình cao để trở thành quốc gia phát triển.

Đó là hiện thực các mục tiêu, làm nên những kỳ tích, chúng ta rất cần những tư duy năng động, đổi mới, sáng tạo. Muốn vậy, cần phải tham khảo thêm nhiều kênh để thu hút trí tuệ của toàn dân.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm