Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 16/06/2020 - 08:00
(Thanh tra) - Đằng sau bút danh dân dã “Xích Lô” là những tâm tư, trăn trở của vị Bí thư Tỉnh ủy về chiến lược phát triển địa phương, về vai trò của người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, được gửi gắm thông qua những bài báo dung dị nhưng sắc sảo, với góc nhìn đa chiều…
Ông Lê Minh Hoan là tác giả của nhiều bài báo với bút danh "Xích Lô". Ảnh: NT
“Nhà báo” của nông dân
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp là tác giả của nhiều bài viết đăng tải trên các báo Trung ương và địa phương. Những bài báo ký bút danh “Xích Lô” cuốn hút người đọc bởi văn phong giản dị, dễ hiểu; những đề tài gần gũi với người dân (đặc biệt là với nông dân) được thể hiện dưới dạng những “câu chuyện”, vừa gần gũi vừa sâu sắc, với cách dẫn giải hấp dẫn và giàu sức thuyết phục.
Bút danh “Xích Lô” khiến người đọc liên tưởng đến tác giả của những bài báo là người gắn bó, gần gũi với những người dân lao động vất vả nhưng lạc quan và tâm hồn trong sáng. Đây cũng là kiểu chơi chữ đầy thâm thúy của vị Bí thư được đánh giá là “hay cười” (Xích Lô là cách đọc trại của “six lotus” - ông Lê Minh Hoan là con thứ sáu, sinh ra và gắn bó cả đời với xứ sở Sen Hồng).
Trong số hàng trăm tác phẩm báo chí của mình, ông Hoan viết rất nhiều về nông thôn và người nông dân. Những bài báo thể hiện tầm quan sát, cách nhìn nhận của một vị lãnh đạo gắn bó, gần gũi, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân.
Trong một bài viết đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay, ông Lê Minh Hoan đã viết về người nông dân trẻ Võ Văn Tiếng, chủ của thương hiệu gạo sạch Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự: “Ngày đầu năm rong ruổi lên miền biên giới, nhìn những cánh đồng lúa mênh mông lượn sóng, mỗi người sẽ cảm nhận được niềm vui lan toả và biết ơn nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân. Ghé thăm cánh đồng lúa Tâm Việt đang vào vụ thu hoạch. Nhìn chàng trai trẻ với ánh mắt đầy nghị lực dõi theo từng vết máy gặt đập cuốn đi những bông lúa và để lại phía sau là những bao lúa thành quả của mình. Lòng lâng lâng, cảm xúc dâng trào ngày đầu năm”.
Qua câu chuyện khởi nghiệp của anh Võ Văn Tiếng, ông Hoan rút ra bài học: “Những quốc gia đi trước mình đã đi trên con đường đó để trở nên thịnh vượng, nông dân trở nên giàu có. Chúng ta chọn con đường phổ quát đó hay vẫn lủi thủi, cố hữu với cách sản xuất truyền thống kém hiệu quả để rồi chấp nhận tụt hậu và ca mãi bài ca "được mùa, mất giá". Tiếng đã khởi nghiệp. Hệ thống chúng ta cũng phải đồng hành khởi nghiệp”.
Trăn trở trước tình trạng Đồng bằng sông Cửu Long chịu hạn, mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người chặn dòng sông Mê Kông làm thủy điện, tác giả Xích Lô đã có bài viết “Câu chuyện cá linh” đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ông viết: “Quê mình mà hổng có lũ về theo quy luật bao đời thì còn gì là một vùng đất nước ngọt quanh năm tưới khắp ruộng đồng, còn gì là phù sa để có biển lúa vàng, có những khu vườn quanh năm cây xanh, trái ngọt. Trách trời hay trách đất đây?”
Bài báo nói về chuyện cá linh nhưng phía sau nó là câu chuyện về tình trạng hạn, mặn mà vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt. Đó không chỉ là nỗi lo về bữa ăn của một gia đình, không chỉ là sinh kế của một vùng miền mà chính là những trăn trở về nguy cơ mà cả quốc gia đang phải đối mặt.
Từ những trăn trở này, tác giả Xích Lô đã nêu ra một số giải pháp nhằm ứng phó với tình trạng hạn, mặn: “Nước không tràn đồng thì tôm cá sẽ ít đi, những ngành nghề sinh kế từ mùa nước nổi như đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, đóng xuồng ghe, làm ngư cụ sẽ có thể mai một dần. Vậy là, phải có kế hoạch chuyển đổi, phải tạo ra ngành nghề mới, dạy nghề mới và hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Trăm nỗi lo!”
“Trăm nỗi lo” - Đó không chỉ là trăn trở của một người viết báo, mà còn là thái độ tự đặt lên vai trách nhiệm giúp hàng triệu nông dân vượt qua khó khăn do hạn, mặn của một Bí thư Tỉnh ủy, một đại biểu Quốc hội!
Nói đi đôi với làm
Theo công bố của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vào ngày 28/4/2020, Đồng Tháp xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Địa phương này cũng xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Nói về những nỗ lực để đạt được thành tích này, ông Lê Minh Hoan cho rằng: “Ngày xưa chúng ta xem xã hội là đối tượng để quản lý. Giờ chúng ta xem xã hội, trong đó có người dân là đối tượng để phục vụ. Chính điều đó mà người dân thấy rằng họ được tôn trọng, thấy rằng chính quyền luôn đồng hành với người dân. Từ đó họ có niềm tin vào chính quyền…”.
Trên phương diện báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan với bút danh Xích Lô thường xuyên có nhiều bài viết về công tác cải cách hành chính. Cùng với đó là những bài báo dưới dạng “câu chuyện”, phê phán bệnh quan liêu, lãng phí. “Câu chuyện 'phát động'” đăng trên Báo Đồng Tháp là một ví dụ.
Trong bài báo này, tác giả Xích Lô viết: “Nói nào ngay, xứ mình mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm không biết có ai đếm được có bao nhiêu lễ phát động hưởng ứng chủ đề gì đó, kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện việc gì đó? Đã có lễ rồi thì thế nào chắc cũng sẽ có phần hội. Rồi thì, thế nào cũng rợp trời cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu. Rồi thì, đồng phục áo vàng, áo xanh, áo trắng. Rồi thì có diễn văn khai mạc, có phát biểu hứa hẹn. Rồi thì, diễu hành khắp phố phường. Nhưng có ai đó đã tổng kết, rất nhiều chuyện có "phát" nhưng không thấy "động"!!!”.
Lãng phí, hình thức và không hiệu quả là những vấn đề mà ông phê phán trong bài báo. “Nhưng mà đâu đó sau lễ phát động rồi ‘đâu lại hoàn đấy’, không thấy chuyển biến được gì, để năm sau lại tiếp tục phát động. Vậy là, lãng phí chứ còn gì biện minh đây?!?”
Cuối bài báo, tác giả Xích Lô nêu giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề trên, đó là cần chú trọng tính hiệu quả trong các cuộc phát động. Ông viết: “Tất nhiên, nói như vậy không phải là cực đoan để sau này không có những buổi lễ phát động, những buổi mít-tinh chào mừng những sự kiện lớn. Có lúc, cũng cần tạo ra khí thế sôi nổi để truyền đi những thông điệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, làm lớn hay nhỏ không quan trọng bằng làm hiệu quả, thiết thực, tránh phô trương hình thức, lãng phí sức người, sức của. ‘Phát’ thì phải làm sao cho ‘động’. Phải vậy không?”
Trên thực tế, dưới thời Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Đồng Tháp là địa phương đã tiên phong trong việc hạn chế các hội nghị, hội thảo vô bổ; các cuộc phát động phô trương hình thức, lãng phí và không có hiệu quả. Thay vào đó, mô hình “Cà phê doanh nhân” và các hội quán nông dân trở thành điểm sáng của Đồng Tháp, đang được các địa phương khác học tập.
Nhật Tường
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Ngọc Giàu
21:49 15/12/2024(Thanh tra) - Hàng loạt nhà thầu bị phát hiện vi phạm các quy định liên quan đến đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong giai đoạn 2022–2024.
Đông Hà
21:00 15/12/2024Nam Dũng
14:11 15/12/2024Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân