Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 02/09/2012 - 07:37
(Thanh tra)- Thủy điện An Khê - Ka Nak là công trình lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên dòng sông Ba, với tổng công suất 173MW. Công trình này đã hòa lưới điện quốc gia hơn 1 năm nay. Cùng thời gian ấy là việc nhiều người dân ở tỉnh Gia Lai đang ngày đêm sống trong quẫn bách và hứng chịu nhiều hệ lụy từ công trình này.
Cuộc sống của người dân làng Groi, thị trấn Kbang rất khó khăn do quỹ đất sản xuất không còn.
Khuất tất trong thiết kế
Ngay từ thiết kế ban đầu, thủy điện An Khê - Ka Nak được chia tách thành 2 bậc cụ thể. Bậc 1 lấy nước từ thượng nguồn sông Ba về hồ chứa tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), với dung tích nước 285 triệu m3 để phục vụ cho việc vận hành cụm Nhà máy Thủy điện Ka Nak công suất 10MW; bậc 2 nằm ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) với dung tích hồ chứa 5,6 triệu m3, phục vụ cho cụm Nhà máy Thủy điện An Khê, với công suất vận hành máy 160MW.
Theo lý giải của nhà thiết kế, thủy điện An Khê dù dung tích hồ chứa nhỏ hơn nhưng công suất vận hành lớn hơn vì có độ dốc lớn. Tại đây, nước khi lưu chuyển qua hệ thống đường ống dẫn (đào xuyên đèo An Khê) chảy mạnh đổ thẳng về sông Kôn (tỉnh Bình Định). Như vậy, theo bản thiết kế này, thủy điện An Khê - Ka Nak không trả nước lại cho dòng sông Ba, sau khi vận hành tổ máy như những công trình thủy điện khác, trong khi đó nước của sông Ba đã được nắn dòng đổ về sông Kôn (Bình Định). Điều này cũng đồng nghĩa rằng, khi thủy điện hoạt động, thì toàn bộ nước của dòng sông Ba chảy dọc qua thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa (tỉnh Gia Lai) coi như bị cắt đứt. Trong khi đó, từ bao đời nay, dòng sông Ba là nguồn nước duy nhất bảo đảm sự sống cho môi sinh, sinh hoạt, sản xuất cho hàng chục nghìn cư dân sống tại vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai. Sông Ba bị chặn dòng nghĩa là các nhà máy công nghiệp đứt nguồn nước sản xuất, nước mạch, nước ngầm bảo đảm môi sinh cũng không còn, nước tưới cho sản xuất cũng cạn kiệt. Hệ lụy nhìn thấy rõ là môi trường sống của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp đã diễn biến theo chiều hướng xấu...
Chỉ nhìn trên thiết kế đã thấy rõ, lợi thì chưa thấy nhưng đời sống dân sinh bị xâm hại nặng nề. Nhìn lại thời gian tiến hành thi công, công trình thuỷ điện An Khê - Ka Nak đã thể hiện nhiều “chiêu trò” trong đền bù, tái định cư. Chính quyền địa phương phải giải quyết hàng nghìn đơn thư khiếu nại, phải bao lần tổ chức lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự.
Dân cư khốn khó
Đã hơn 1 năm trôi qua, kể từ ngày thủy điện An Khê - Ka Nak hòa lưới điện quốc gia nhưng đời sống của hàng trăm hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) ở các xã Lơ Ku, Đắk Smar và thị trấn Kbang (huyện Kbang) vẫn hết sức khốn khó, vì việc đền bù, bố trí lại đất sản xuất chưa được giải quyết dứt điểm. Để xây dựng thủy điện, chủ đầu tư đã thu hồi tổng diện tích đất khu vực lòng hồ cụm thủy điện Ka Nak (huyện Kbang) là 2.500ha; số hộ phải tái định cư là 345 hộ.
Trước đây, khi chưa bị thu hồi mặt bằng để xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak, nhiều bà con nông dân ở các xã Lơ Ku, Đắk Smar, thị trấn Kbang có đầy đủ đất sản xuất, ai cũng chăm chỉ làm lụng nên nhiều gia đình có của ăn, của để. Thế nhưng, kể từ năm 2005, Ban Quản lý (BQL) Dự án (D.A) Thủy điện 7 (thuộc EVN) thu hồi hầu hết diện tích đất ở và đất sản xuất, di dời người dân về các khu tái định cư, khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Đinh Liên, người dân tộc Ba Na ở làng Groi, thị trấn Kbang buồn bã cho hay: "Làng Groi của mình trước đây có nhiều đất sản xuất lắm. Nhưng từ ngày thủy điện về thì đất không còn, mà đường đi cũng khó khăn quá. Khi lấy đất, cán bộ nói với bà con làng Groi là hỗ trợ gạo ăn 5 năm mà đến giờ vẫn chưa thấy đâu". Đất sản xuất không có, nhiều trẻ em phải nghỉ học đi mò cua, bắt ốc kiếm tiền, giúp cha mẹ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, sông Ba đã bị chặn dòng, nguồn nước cạn kiệt lại bị ô nhiễm trầm trọng nên đến tôm, cá cũng không thể sống nổi. Việc mưu sinh bỗng chốc bị rơi vào ngõ cụt, để kiếm miếng ăn những người đàn ông phải đi làm thuê hoặc làm rẫy ở cách xa làng hàng chục km.
Ông Võ Văn Phán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kbang thừa nhận: Tồn tại lớn nhất trong công tác tái định canh, định cư ở công trình thủy điện An Khê - Ka Nak là sau khi chặn dòng, người dân không có đường vào khu sản xuất, hoặc đi đường vòng quá xa. Cụ thể, 261 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng về đời sống và sản xuất, với tổng diện tích 433ha, dù diện tích này không bị ngập dưới lòng hồ nhưng nước bao vây đến khu sản xuất. Nếu muốn đến được nương lúa, rẫy bắp, phải làm con đường mới đi xuyên rừng từ 24 - 27km. Người dân yêu cầu đền bù, UBND huyện Kbang, BQL D.A Thủy điện 7 và chính quyền địa phương đã đo đạc, xác minh cụ thể. Song việc chi trả đền bù, bố trí đất sản xuất cho người dân nhiều nơi vẫn chưa được thực hiện. Làng Chợt (xã Lơ Ku) có 96 hộ đến nơi ở mới, theo quy hoạch mỗi hộ có 1,46ha đất nương rẫy nhưng đến nay mới chia được 1,26ha. Làng Groi (thị trấn Kbang) có 65 hộ dân đến nơi ở mới nhưng chưa có hộ nào nhận được đất sản xuất, bởi vùng quy hoạch cho dân bị các hộ khác đến tranh chấp hoặc lấn chiếm.
Dòng điện từ công trình thủy điện An Khê - Ka Nak đã thắp sáng từ thành phố đến miền quê, thế nhưng hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng của thủy điện vẫn ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hơn bao giờ hết, người dân mong mỏi những người có trách nhiệm sớm thực hiện lời hứa của mình để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trung Đức
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Ngọc Giàu
21:49 15/12/2024(Thanh tra) - Hàng loạt nhà thầu bị phát hiện vi phạm các quy định liên quan đến đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong giai đoạn 2022–2024.
Đông Hà
21:00 15/12/2024Nam Dũng
14:11 15/12/2024Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân