Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao hiệu quả phòng chống truyền đạo trái pháp luật

TS Ngô Quốc Đông

Thứ sáu, 10/06/2022 - 15:41

(Thanh tra)- Thời gian vừa qua, các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh chóng, nhất là việc phát triển mở rộng của một số tôn giáo trở thành vấn đề lớn cần quan tâm.

Công an xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, tuyên truyền cho bà con tránh xa tà đạo Hà Mòn. Ảnh: Internet

Trên thực tế, tình hình tôn giáo việc phục hồi các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đôi khi vượt quá phạm vi truyền thống vốn có của sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Sự thâm nhập của các tổ chức tôn giáo mới, sự mở rộng các hoạt động truyền giáo, sự hình thành các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới. Đặc biệt là việc truyền đạo và mở rộng hoạt động của đạo Tin lành, Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Tình hình phục hồi, mở rộng hoạt động tôn giáo đã tạo ra xung đột văn hóa, hình thành các điểm nóng tôn giáo khá phức tạp.

Với sự đa dạng về phương tiện truyền thông và công nghệ hiện đại, cùng với cạnh tranh địa bàn truyền giáo giữa các tôn giáo, nên việc truyền đạo trái pháp luật vẫn đang tồn tại, nhất là ở khu vực dân tộc thiểu số, miền núi, nơi địa bàn vùng sâu, vùng xa, khi mà chính quyền cơ sở khó bao quát mọi diễn biến hoạt động liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo.

Sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan đã tạo ra môi trường pháp lý mới về hoạt động tôn giáo. Cùng với đó là việc Việt Nam mở của hội nhập sâu vào đời sống của thế giới. Tất cả những yếu tố đó, vấn đề tôn giáo sẽ phát triển mở rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và nhiều nơi khác cần được quan tâm giải quyết phù hợp.

Môi trường truyền giáo hiện nay khác trước và việc đồng bào dân tộc từ bỏ tín ngưỡng đa thần truyền thống sang tôn giáo nhất thần là quy luật, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Cái chính là không để xảy ra xung đột văn hóa và nhất là không để lực lượng xấu lợi dụng. Tôn giáo hoạt động mở rộng ra vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những tình hình nổi bật trong tình hình tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đây cũng là một trong những biến động tiêu biểu của tôn giáo Việt Nam trước ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Do đó công tác đấu tranh lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật là nhiệm vụ vẫn cần được chú trọng trong công tác tôn giáo thời gian tới.

Để việc này có hiệu quả, cần phải chú trọng tới một số điểm sau:

1. Tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức công dân cho các tín đồ tôn giáo

Tất cả tín đồ tôn giáo đều là công dân của Nhà nước, vậy lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc là thiêng liêng và cao cả, do đó mọi tín đồ đều phải có quyền và nghĩa vụ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tín đồ các tôn giáo ý thức được điều này, khi tuyên truyền vận động, các đoàn thể quần chúng phải luôn quan tâm bồi dưỡng cho họ lòng yêu quê hương đất nước, rèn luyện ý thức công dân; biết tuân thủ chính sách, pháp luật. Họ phải biết gắn bó quyền lợi của cá nhân, gia đình với cộng đồng xã hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ công dân, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết đấu tranh với âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực xấu.

Khi tín đồ vùng đồng bào dân tộc có ý thức chính trị về lòng yêu nước thì họ khó có thể bị lôi kéo theo tôn giáo này, hoặc theo tôn giáo kia. Khi đó ý thức công dân, ý thức pháp luật sẽ tốt hơn, nên không bị kéo vào việc truyền đạo trái pháp luật.

Ngoài ra trong công tác tôn giáo cần tiếp tục giáo dục, vận động đồng bào có đạo và các tầng lớp nhân dân trên từng địa bàn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động ở khu dân cư; cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chương trình quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo”.

Thực tiễn cho thấy, việc truyền đạo trái pháp luật thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi có mặt bằng dân trí thấp. Do đó tăng cường công tác xây dựng văn hóa cơ sở, nâng cao dân trí vùng đồng bào khó khăn cũng là các thức để hạn chế những tác động truyền đạo trái pháp luật từ nơi khác đến các khu vực này.

2. Thu hút, tập hợp quần chúng tín đồ tham gia vào các tẻ chức đoàn thể chính trị

Việc truyền đạo trái pháp luật thường diễn ra vào những địa bàn có hệ thống chính trị cơ sở yếu. Khi đó người dân không tham gia sinh hoạt vào những đoàn thể, họ bị thiếu thông tin, và có khoảng trống về văn hóa. Đó cũng là cơ hội để các tổ chức bên ngoài tranh thủ truyền giáo. Muốn hạn chế hoạt động không bình thường của các tổ chức tôn giáo, trái với chính sách, pháp luật thì Mặt trận cơ sở và các đoàn thể phải tập hợp, thu hút ngày càng đông đoàn viên, hội viên là tín đồ tôn giáo vào tham gia hoạt động trong tổ chức.

Qua sinh hoạt các đoàn thể mà tuyên truyền, vận động hướng dẫn họ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Phát huy tinh thần nhân ái, giúp đỡ cộng đồng của đồng bào theo đạo, qua đó xây dựng tình làng nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời công tác tôn giáo cần phát hiện và đào tạo bồi dưỡng cán bộ của đoàn thế là các tín đồ tôn giáo. Từ nguồn đó mà bồi dưỡng cán bộ nguồn cho Đảng, chính quyền, đoàn thể động viên đồng bào các tôn giáo tham gia gánh vác công việc chung của xã hội ngày càng nhiều hơn.

3. Hướng dẫn quần chúng đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực mê tín, dị đoan, lợi dụng tôn giáo

Có những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo mới này sinh chưa được cấp phép sinh hoạt hay hoạt động. Tuy nhiên sự ly kỳ, mới lạ và những lời hứa hẹn đã cuốn hút không ít người tham gia, nhất là đối tượng phụ nữ, trẻ em, hay đồng bào dân tộc. Họ tham gia vì không hiểu và vì những hành vi mê tín mà các đối tượng tuyền truyền tham gia đã có sức hút với họ.

Hiện nay ở nhiều địa phương cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiếu số, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động mê tín dị đoan, như: Bói toán, tăng cường đi lễ cầu xin ở các đền chùa hoặc theo các đạo lạ về xóa bỏ bàn thờ tổ tiên, thực hành theo một số nghi lễ khác thường, làm ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, các nếp sống truyền thống theo thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động đồng bào, các tín đồ các tôn giáo xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.

Đồng thời cần nghiêm khắc phê phán kịp thời những hành vi tôn giáo cực đoan trái phép, lôi kéo quần chúng tín đồ gây rối, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của một số kẻ xấu lợi dụng, gây chia rẽ trong nhân dân làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh an toàn xã hội.

4. Làm tổt công tác tuyên truyền vận động chức sắc, nhà tu hành

Việc chính quyền và chức sắc tôn giáo có mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp hai bên hiểu nhau và thống nhất trong một số công việc liên quan đến quản lý hoạt động tôn giáo. Khi chức sắc, nhà tu hành có thái độ tích cực với chính quyền địa phương thì sẽ có ý thức tuân thủ những quy định Nhà nước, trong đó có hoạt động tôn giáo và sẽ tránh được việc truyền đạo trái pháp luật.

Công tác vận động chức sắc nhà tu hành cần tập trung vào: Thường xuyên thăm hỏi, động viên nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của quần chúng tín đồ; Tạo điều kiện cho chức sắc, nhà tu hành hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; Chúc mừng, động viên gặp gỡ họ nhân dịp các ngày lễ trọng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân và nghĩa vụ với Tổ quốc; Thông tin, truyền đạt, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương, trên cơ sở đó vận động họ cùng thực hiện.

Ngoài ra chính quyền cần phối hợp làm tốt công tác từ thiện nhân đạo, trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Mặt trận chú ý việc hiệp thương, giới thiệu một số chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tiêu biểu tham gia vào đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp giúp họ triển khai các chủ trương công tác ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tín đồ làm tròn nghĩa vụ công dân và tham gia vào các đoàn thể xã hội ở địa phương.

5. Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị, bồi dưỡng đào tạo các nhân tố tích cực, nhất là ở các xã phường, thị trấn có đông đồng bào tôn giáo

Hiện nay đang tồn tại khá phổ biên ở những khu vực có đông đồng bào có đạo, người có đạo cho rằng họ ít được đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động đồng bào tôn giáo, giúp họ hiểu đúng và tích cực các tham gia các hoạt động xã hội, tham gia vào các tổ chức chính trị-xã hội, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trở thành đảng viên hoặc những cán bộ nòng cốt ở địa phương, cơ sở.

Ở những địa bàn nhân dân sinh sống xen kẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo, cần xem xét, bồi dưỡng cất nhắc những tín đồ tôn giáo tiêu biểu giữ cương vị trong các tổ chức chính trị-xã hội để xóa đi sự tự ti, mặc cảm đóng góp với cộng đồng.

Qua phong trào mà tuyển chọn tín đồ xuất sắc để phát triển Đảng, từ đó họ sẽ là những người chủ yếu tham gia vận động, thuyết phục người khác. Khi vùng tôn giáo có “vấn đề”, họ sẽ là chỗ dựa quan trọng cho chính quyền trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, đấu tranh với các phần tử tiêu cực lợi dụng, tránh hoạt động tôn giáo trái pháp luật.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là tín đồ nên xem là vấn đề then chốt của nội dung xây dựng cơ sở chính trị vùng giáo chống truyền đạo trái pháp luật. Muốn phát triển đảng viên là tín đồ theo đạo trước hết các cấp uỷ Đảng, nhất là cơ sở cần phải xoá bỏ định kiến, mặc cảm đổi với người có đạo, phải tin vào họ và cảm thông với họ.

Đảng ta đã vận dụng quan điểm của Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện qua hai quan điểm cơ bản là, khẳng định sự cần thiết về việc kết nạp người có đạo vào Đảng và người đảng viên có tôn giáo được tham gia sinh hoạt tôn giáo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm