Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Một số giá trị của tôn giáo

TS Ngô Quốc Đông

Thứ ba, 12/10/2021 - 16:02

(Thanh tra) - Tỷ lệ người có niềm tin tôn giáo cũng không ngừng tăng lên theo thời gian cùng với sự gia tăng dân số. Thực trạng đó nói lên rằng trong xã hội hiện đại, với sự tăng trưởng mạnh của kinh tế và các khía cạnh xã hội thì người dân Việt Nam vẫn dành một vị trí đáng kể cho đời sống tôn giáo.

Nhà thờ Nam Định tọa lạc tại phố Trần Hưng Đạo, TP Nam Định, tỉnh Nam Đinh, nơi các tín đồ gửi gắm niềm tin vào Đức Chúa. Ảnh: https://www.tonggiaophanhanoi.org

1. Tôn giáo cung cấp một cách nhận thức để giải thích thế giới và các sự kiện hiện thực, đồng thời là điểm tựa tinh thần cho nhiều người trong xã hội hiện đại:

Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng, tôn giáo là một nguồn nhận thức. Các nhận thức luận của tín ngưỡng, tôn giáo giúp người ta giải thích các sự kiện như nguồn gốc vạn vật, nguyên nhân đau khổ, bệnh tật, giàu nghèo của con người.

Trong xã hội hiện đại, với nhiều mối quan hệ chằng chịt nhưng đồng thời với nó cũng không ít mối quan hệ bị đổ vỡ, đứt gãy. Khi đó niềm tin tôn giáo vẫn là một điểm tựa cần thiết cho nhiều người.

Với góc độ cá nhân, niềm tin tôn giáo còn để giải quyết nhiều nhu cầu hiện sinh khác; hay trả lời những câu hỏi cơ bản mà đôi khi các khía cạnh vật chất của đời sống hiện đại không giải đáp nổi. Niềm tin tôn giáo tạo ra các cộng đồng luân lý chung và có tính chất đề kháng với những mặt trái của cơ chế thị trường, xuống cấp của đạo đức, cũng như các giá trị thế tục tiêu cực. Bởi vậy niềm tin tôn giáo vẫn là một giá trị hiện tồn và cần thiết cho nhiều cá nhân cũng như các tổ chức tôn giáo bên cạnh những giá trị thế tục khác. Hay nói cách khác, tôn giáo với các niềm tin vào các đối tượng thiêng khác nhau vẫn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội hiện đại của con người.

Hiện nay có khoảng 25% dân số chính thức tự nhận thức rõ mình trực thuộc một tổ chức tôn giáo nào đó. Tính trung bình từ Đổi mới đến nay, số lượng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam tăng khoảng 1,87 lần. Một cách chung nhất, các tôn giáo đều tăng lượng tín đồ của mình theo hắng năm nhưng mức độ khác nhau ở từng tôn giáo. Giai đoạn từ 2000 đến 2017 số lượng tín đồ tăng nhanh hơn giai đoan trước đó, 1990 - 2000. Và giai đoạn sau 1990 tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn 1975 - 1990.  Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2013 cả nước có 24 triệu tín đồ (tăng 2,4 lần so với 1975); có 83.000 chức sắc (tăng 2,7 lần so với 1975); có 25.000 cơ sở thờ tự (tăng 1,2 lần so với 1975); có đến 120 tổ chức giáo hội đang hoạt động (tăng hơn 3 lần, chủ yếu là các hệ phái Tin lành mới phát triển đến).

Các con số trên đã phản ánh phần nào một thực tế là số người xác định mình là tín đồ của một tôn giáo ngày càng tăng lên, đặc biệt là từ sau 1990 đến nay. Có nghĩa là tỷ lệ người có niềm tin tôn giáo cũng không ngừng tăng lên theo thời gian cùng với sự gia tăng dân số. Thực trạng đó nói lên rằng trong xã hội hiện đại, với sự tăng trưởng mạnh của kinh tế và các khía cạnh xã hội thì người dân Việt Nam vẫn dành một vị trí đáng kể cho đời sống tôn giáo. Niềm tin tôn giáo không hề biết mất hoặc giảm đi mà vẫn tồn tại với những biểu hiện sinh động trong đời sống xã hội.

Hiện nay có tâm thức của người dân khi về già, hoặc lúc về hưu vẫn thường hướng theo một tôn giáo nào đó. Với đa số người Việt thì tâm thức này thường hướng về Phật giáo. Bởi vậy nếu nói số người có cảm tình với Phật giáo, hay có tâm thức hướng phật thì con số không chỉ dừng lại ở khoảng 14 triệu tín đồ hiện này mà có thể lên tới vài chục triệu người.

2. Cung cấp một hệ giá trị đạo đức cho xã hội:

Bất cứ tôn giáo nào cũng cần đến một hệ thống giáo dục để truyền tải và lưu giữ niềm tin cho các tín đồ của họ. Đồng thời giáo dục của các tổ chức tôn giáo còn hướng con người tới các thực hành đạo đức phù hợp với các tín điều mà tôn giáo đó quy định. Chức năng giáo dục chính là hướng tới việc bảo lưu và phổ biến các giá trị của tôn giáo đối với các cá nhân và cộng đồng xã hội.

Chức năng giáo dục của tôn giáo được hướng tới hai khía cạnh. Trước hết điều quan trọng nhất là định hình và bồi dưỡng niềm tin cho người tín đồ, sau đó là hướng đến giáo dục nhân bản, tức đào tạo những nền tảng của một con người xã hội với các đặc trưng, đức tính phù hợp theo nhãn quan tôn giáo. Trong hai khía cạnh trên thì chức năng giáo dục tôn giáo được đặc biệt quan tâm hơn cả. Vì những người có một đời sống đạo tận tụy và nhiệt thành cũng thường được xem là những người đạo đức trong cộng đồng tôn giáo của họ.

Một khía cạnh rất lớn của giá trị tôn giáo khi tác động tới cá nhân đó là ý niệm về tội, hay các điều cấm kỵ, giữ giới luật. Các giá trị luân lý khi định ra thành khuôn mẫu của đời sống người tín đồ thì sẽ thành những quy ước hay thiết chế để điều chỉnh người tín đồ có một đời sống đạo và đời sống xã hội thường nhật hợp với tín điều.

Chẳng hạn, với Công giáo các việc như ngoại tình, trộm cắp, giết người, gian dối, khoái lạc… dù ở phạm vi của sinh hoạt đời sống nhưng đều liên quan đến một ý niệm của Công giáo về tội. Có thể nói suy nghĩ về tội không để họ yên. Có lẽ không có người Công giáo nào khi bị mắc tội mà vẫn có thể bình chân như vại. Tội làm cho họ nghĩ tới những quy luật sống mà đã được nhắc nhở từ thủa ấy thơ và họ vẫn thường xuyên rèn luyện cho mình. Tội nhắc nhở người tín đồ về việc đã từng đón nhận hay khước từ sự cấm đoán của cha mẹ và cộng đồng (họ hàng, giáo xứ, bè bạn…) như thế nào và hiện nay mình có còn đón nhận quyền bình này dưới mọi hình thức không. Ý niệm về tội cũng nhắc nhở người tín đồ về tự do và giới hạn của nó, những khát vọng thầm kín được bộc lộ đến đâu, tóm lại nó là một thứ thước đo để kiểm chứng xem họ đã trưởng thành hơn về mặt tâm lý chưa.

Giá trị đạo đức này đã tạo ra những cộng đồng tôn giáo có tính đạo đức, cao có thể đề kháng với các mặt xấu của đời sống xã hội.

3. Cung cấp các động lực để sáng tạo về mặt thẩm mỹ nghệ thuật:

Mối liên hệ giữa con người với thần thánh và các đối tượng thiêng là nguồn gốc để tạo ra các sáng tạo về mặt thẩm mỹ như kiến trúc nghệ thuật. Chẳng hạn chính mối liên hệ giữa người tín đồ với Thiên chúa đã nảy sinh mối quan hệ thẩm mỹ qua các diễn tả bởi nghi thức thờ phụng và các hình thức biểu đạt niềm tin khác. Chính mối quan hệ trên sẽ tạo ra các giá trị thẩm mỹ được phản ánh trong một hình thái đặc thù đó là nghệ Công giáo hay còn gọi là nghệ thuật thiêng, nghệ thuật thánh.

Tín ngưỡng, tôn giáo tạo ra cho con người giá trị thẩm mỹ. Nó được khởi phát từ niềm tin của con người vào các đối tượng thiêng, lấy kinh sách và truyền thống làm chủ đề chính yếu để diễn tả, phát triển qua các hình thức thờ phượng và biểu đạt niềm tin khác nhau, được chuyển tải thành các giá trị nổi bật qua nghệ thuật thánh như hội họa, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc… Nghệ tôn giáo có một nội dung khái quát và bao trùm là sáng tác về chủ đề là đối tượng thiêng mà cộng đồng tón đồ  tôn vinh thờ phượng. Tuy nhiên cách diễn tả cụ thể về nội dung đó phải cần đến các hình thức nghệ thuật biểu đạt cụ thể khác nhau, trong các khung cảnh văn hóa, xã hội khác nhau.

Soi chiếu vào thực tế người Việt ta hiện nay cho thấy, đại đa số người Việt Nam theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tỷ lệ này chiếm hơn 70% dân số. Làng nào cũng có đình chùa, miếu để thờ người có công với làng hoặc các thần bảo trợ cho dân làng. Tuy nhiên nhìn vào tâm thức tín ngưỡng, tôn giáo của đại đa số cư dân Việt ta ngày nay so với thời kỳ trước kia, rõ ràng đang có những chuyển biến đáng kể dưới tác động từ các giá trị của tín ngưỡng, thể hiện qua một số chỉ báo sau:

- Quá trình phục hồi gia phả dòng họ, cùng với việc xây dựng từ đường nhà thờ họ nở rộ ở nhiều nơi trên cả nước, biểu hiện một đời sống tâm linh gia tăng, phát triển hơn trước, ít nhất trên khía cạnh vật chất và hình thức.

- Đồng thời với nó là quá trình trùng tu tôn tạo, xây sửa mới các cơ sở tôn giáo của chính những cộng đồng cư dân này như: chùa, đền, miếu, phủ… Tại nhiều làng, cư dân không phải hoàn toàn là phật tử nhưng cũng đã đóng góp nhiều sức người và sức của để kiến thiết chùa của làng mình. Tạo ra các công trình tôn giáo có giá trị vật thể và phi vật thể.

Tóm lại, giá trị thẩm mỹ tôn giáo chính là việc kích hoạt con người sáng tạo cái đẹp qua việc diễn tả ý niệm tôn giáo bằng trí tuệ của của mình vào trong các giá trị nghệ thuật cụ thể. Chính niềm tin vào đối tượng thiêng (thần, thánh, Thiên chúa, Đức Phật…) là hạt nhân, cảm hứng và động lực để con người khám phá, tạo tác, trình diễn và trao truyền cái đẹp. Ở đây, niềm tin tôn giáo như là một nguồn lực để khơi dậy trí tuệ con người về lĩnh vực cái đẹp. Cái đẹp được khám phá không chỉ dừng ở khía cạnh nghệ thuật mà còn là vẻ đẹp khám phá từ chính con người.

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là trong bối cảnh đa dạng các loại hình tổ chức tôn giáo, dẫn đến sự đa dạng cạnh tranh và sự mở rộng của nhiều giá trị niềm tin tôn giáo khác nhau ở Việt Nam làm sự trung tín với một niềm tin duy nhất ít nhiều bị ảnh hưởng. Nó được biểu hiện qua các hiện tượng như cải đạo, nhạt đạo, xu hướng thực tế trong diễn tả niềm tin, dẫn đến một số xu hướng lệch chuẩn trong đạo đức tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm