Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Thương người lính đảo

Thứ tư, 20/06/2012 - 14:44

(Thanh tra) - Hơn một tuần đi thăm các đảo lớn, nhỏ ở Trường Sa, chúng tôi mới thấy hết nỗi cam khổ của những người lính nơi đây. Dẫu thiếu thốn mọi bề, nhưng họ vẫn một lòng kiên trung với Tổ quốc, sẵn sàng chịu đựng và vượt qua những cam go, thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cao cả được giao.

Các chiến sỹ chắt chiu từng nắm đất để trồng rau xanh cải thiện bữa ăn

>> Kỳ I: Nơi bắt đầu của Tổ quốc…!

Đảo chìm Đá Tây là Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật lớn nhất trên biển thuộc phía Nam Trường Sa. Đảo nằm cách Trường Sa Lớn khoảng 20 hải lý về Đông Bắc và có vị trí chiến lược rất quan trọng. Nằm giữa đảo là hồ nước rộng, tàu thuyền có thể neo đậu tránh bão và lực lượng công binh Hải quân đã mở một luồng rộng để tàu thuyền có thể ra vào dễ dàng.

Đảo trưởng, Thiếu tá Nguyễn Quốc Toản cho biết, Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng từ năm 2007, hiện nay trong lòng hồ đã xây dựng được 7 phao neo tàu và khoanh vùng nuôi trồng thủy sản, hàng năm cung cấp hàng trăm tấn cá về đất liền và phục vụ đời sống cán bộ nhân dân trên các đảo khác. Năm 2011 và 5 tháng đầu năm nay, đã có hơn 4.000 lượt tàu thuyền ra vào khu vực đảo, trong đó hơn 3.000 lượt tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa..., vào đảo để tránh gió bão và được cung cấp nước ngọt, bán dầu bằng giá ở đất liền, sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân. Trạm quân y trên đảo tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc cho 160 lượt ngư dân, cấp cứu 2 trường hợp bị tai nạn khi hành nghề trên biển.

Trường Sa Đông là một trong những đảo chịu nổi ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt vào loại nhất cả vùng. Đảo có chiều dài khoảng 200m theo hướng Đông Tây, chiều rộng khoảng 60m. Do diện tích đảo eo hẹp nên việc ăn ở, sinh hoạt của bộ đội vô cùng khó khăn. Trường Sa Đông có vị trí rất quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, là đảo nằm gần như ở vị trí trung tâm của Trường Sa, vì vậy khoảng cách từ Trường Sa Đông đến các đảo khác không xa lắm, thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, học tập, nắm bắt tình hình bảo vệ đảo trước âm mưu xâm chiếm của kẻ thù, và tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ sườn phía Đông của đất nước.

Thiếu tá, Đảo trưởng Bùi Ngọc Dũng cho biết, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng trong năm 2011 và những tháng đầu năm nay, cán bộ, chiến sĩ vẫn tăng gia sản xuất được 7.000 kg rau xanh các loại, gần 300 con vịt, gà... Quân y của đảo đã khám bệnh, cấp phát thuốc cho hàng trăm lượt ngư dân, trong tháng 2, tháng 3/2012 vừa qua, đã cấp cứu  kịp thời cho 3 ngư dân bị ốm nặng khi lao động trên biển. Với thành tích đạt được, nhiều năm liền đảo được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. 

Tạm biệt Trường Sa Đông, tàu chúng tôi tiến về hướng Tây Bắc đến thăm hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh của Đoàn tàu không số thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm chống Mỹ cứu nước. Đây là một đảo khá rộng, nằm trên nền san hô có chiều dài tới gần 200m, rộng tới hơn 70m. Nhờ luồng lạch ra vào đảo thuận tiện, nên cơ sở vật chất trên đảo được xây dựng khá khang trang. Một doanh nghiệp từ đất liền ra đang tiến hành lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, thay thế hệ thống điện gió, Trung úy Tạ Bá Hạnh - phụ trách công binh, đã có thâm niên hơn 13 năm công tác trên các đảo cho biết, hệ thống điện tận dụng sức gió được lắp đặt từ năm 2009 - 2010, nhưng thời tiết ngoài đảo thường có gió lớn mang theo hơi nước biển đậm đặc muối, nên hệ thống quạt gió nhanh rỉ sét và hư hỏng. Qua thời gian thử nghiệm, nhận thấy hệ điện năng lượng mặt trời có ưu thế hơn về độ bền, nên sắp tới sẽ cho lắp đặt để thay thế dần... 

Sau gần 10 ngày bôn ba trên khắp các đảo, hành trình của chúng tôi đi về phía cực Nam của quần đảo Trường Sa, đó là đảo An Bang, nằm cách Trường Sa Lớn 75 hải lý. An Bang được ví như một cây nấm san hô khổng lồ mọc giữa biển khơi, với chiều dài khoảng 220m, chiều rộng 100m. Do cấu trúc san hô xung quanh đảo dựng đứng, lúc nào cũng có sóng to vỗ vào thềm đảo. Ngay giữa mùa nắng, nhưng chỉ cần có sóng cấp 4 là tàu thuyền khó có thể ra vào đảo, nhiều chuyến tàu từ đất liền ra thăm cán bộ chiến sĩ cũng không thể vào đảo trong mùa sóng dữ.

Thêm vào đó, khí hậu ở đảo vô cùng khắc nghiệt, mùa nắng nóng như đổ lửa, mùa mưa thì giông tố dữ dội,  bề mặt đảo hoàn toàn là cát san hô, lại thiếu nước nên cây cối không thể phát triển được. Vậy nhưng, An Bang có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực tiềm năng dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tạo thành một lá chắn vòng ngoài, ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù về hướng biển, kết hợp với ngư dân các địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trận địa chiến tranh nhân dân trên khu vực Nam Trường Sa…

Tạm biệt Trường Sa, con tàu đưa chúng tôi xuôi hướng Nam để về đất liền. Cảm ơn những người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió vẫn luôn cần mẫn, chịu thương, chịu khó gắn bó hết mình với Trường Sa, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu!


Hồng - Ngọc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm