Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 27/01/2011 - 07:53
(Thanh tra)- Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Bhriu Liếc ví von: Huyện Tây Giang có bản làng Cơ - Tu mang tên Aur lạ lắm. Dù cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhưng Aur giữa đại ngàn cao nhất là xã A Vương của huyện, nơi mà ít người dân biết đến tiền, quanh năm chỉ biết săn con thú, đi rẫy, nhưng cuộc sống lại rất no đủ. Bản làng, con người nơi ấy gọn gàng, sạch sẽ như một đất nước “Singapore” thu nhỏ giữa đại ngàn Quảng Nam...
Cứ vài ba tháng, người Aur mới rời bản lên xuống núi một lần
Bên ché rượu cần, đĩa cá suối đãi khách quý, già làng Alăng Zèng say sưa kể những câu chuyện về con đường đến Aur. Già bảo, đường lên xuống núi vất vả lắm, nên chỉ khi có việc thật cần thiết thì người ở Aur mới xuống núi, còn không thì 3 - 4 tháng xuống một lần để mua ít đồ khô, dầu ăn, muối phòng cho mùa mưa lũ. Năm ngoái, để sắm cho gia đình chiếc tủ (mua dưới A Vương), già làng huy động hơn 20 thanh thiếu niên xuống núi. Phải tháo rời ra từng tấm, mỗi người mang một phần để vượt núi. Thường, đi người không hết hơn 4 giờ đồng hồ, thì lần ấy mọi người đi từ 9 giờ sáng tới xế chiều mới tới đỉnh Aur. Mấy năm trước, khi đưa những chiếc bảng lên dạy chữ cho học sinh nơi đây, làng cũng phải huy động hàng chục người. Già Alăng Zèng tiếp câu chuyện: Cách đây chừng 1 tuần, thằng Alăng Teo bắt (cưới) được vợ dưới thôn Zaréch. Hôm nhà trai xuống đưa dâu lên, vì có nhiều lễ vật nên suốt từ 6 giờ sáng tới chiều tối, đoàn người mới lên được đến Aur.
Khép lại chuyện vượt núi khắc khổ, sáng hôm sau, già làng Alăng Zèng dẫn tôi đến giới thiệu với già làng cũ Ating Avi (95 tuổi, “về hưu” mấy năm trước) và những người dân trong bản trước khi đưa đi tham quan làng. Sáng sớm, sương giăng đầy trên mỗi nóc nhà. Alăng Zèng đốt điếu thuốc trên chiếc tẩu, vừa dẫn tôi đi khắp bản vừa phấn khởi khoe về sự trù phú, giàu có và sạch sẽ của Aur. Quá nửa buổi, khi sương mù dần tan, Aur lấp ló hiện ra đẹp như một bức tranh. Bể tắm giặt của bản sạch sẽ, nước chảy ngày đêm, mát rượi. Tôi từng đến hàng chục bản làng người Cơ Tu, nhưng không giống những nơi ấy, trẻ em ở Aur da trắng trẻo, rất sạch.
Vừa tan buổi kiểm tra bài trên lớp, chị em Alăng Ngọc và Alăng Mai cười giòn tan khi tôi đưa ống kính máy ảnh lên. “Con được mấy tuổi?”. Ngọc lễ phép thưa: “Dạ năm nay con 10 tuổi, học lớp 4, còn em Mai 7 tuổi, mới học lớp 1”. Rồi Ngọc khoe, bố mẹ đi rẫy từ 5 ngày trước, nhưng ở nhà hai chị em vẫn đến lớp nghe thầy giáo giảng bài. Buổi học nào 2 chị em cũng được thầy khen, cho điểm 9, điểm 10.
Già làng Alăng Zèng tiếp tục dẫn tôi vào thăm từng gia đình trong bản. Những căn nhà được cất bằng gỗ, nhỏ nhắn, sạch sẽ, tươm tất đến không ngờ. Thấy tôi ra ngoài vứt điếu thuốc lá vừa tàn, thầy giáo Đông kéo lại nhắc nhở: “May mà không ai nhìn thấy, không thì anh mất điểm với người dân rồi!”. Đến lúc này tôi mới “ngấm” câu nói của Chủ tịch UBND huyện Tây Giang và thán phục người Aur, bản Aur. Mỗi ngày 3 lần như lệ bản đã ban (sáng, đầu chiều và chiều tối), người già, trẻ em phải tập trung quét dọn nhà cửa, sân bản, nhà nào để phát hiện có rác, bụi bặm thì bị nhắc nhở, phê bình trong những lần họp thôn. “Không phải phê bình một lần mà nói miết cho phát ngại, khó chịu trong người để rồi đừng bao giờ tái phạm nữa”, Già Alăng Zèng nói.
Dạo hết một vòng, già làng Alăng Zèng đưa tôi về lại nhà mình để giới thiệu những vật dụng quý hiếm. Hấp dẫn nhất là bộ sưu tập chum, ché, chiêng cổ già đang sở hữu. Chỉ tay lên tường, già say sưa nói về cặp ché cổ có hình đôi rồng uốn lượn, hãnh diện: “Đây là cặp ché Rồng có từ thời cụ, kỵ của tôi, nay nó đã hơn 200 năm tuổi. Nhiều lần bản làng ly tán đổi thay, di cư từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, mất đi nhiều thứ lắm, nhưng với những cặp ché và chiêng cổ này, tôi luôn đeo nó bên mình như hình với bóng. Có nhiều người đòi đổi vàng, trả tôi tiền triệu, thậm chí vài chục triệu đồng, nhưng tôi không bán đổi”.
Nói rồi, Alăng Zèng khoe với tôi về cặp ché hoa: “Cặp ché này gần 300 năm rồi đấy, nó có tên là Hoa Giấy. Trước đây khi qua đời, ông cụ tôi có bảo rằng, nó giá trị gấp 3 lần cặp ché Rồng. Bên cạnh đó là chiếc ché có tên là ché Thượng Thùy. Nghe cái tên thì nhớ chứ thực ra tôi cũng chẳng hiểu nghĩa là gì, tuy nhiên tôi đoán rằng, đích thị phải là vật gia bảo, vì khi ông cụ mất đã kéo tôi lại trăng trối rằng, mất cái gì cũng được chứ ché Thượng Thùy không được để tuột khỏi tay".
Chiều. Trưởng bản Alăng Phốt bước lên đầu bản sau mấy ngày đi rẫy về. Nghe già làng giới thiệu, Alăng Phốt giơ cao xâu ếch rừng cùng giỏ cá niêng - hai đặc sản mà mỗi lần đi rừng, đi suối bắt được để dành khi nào Aur có lễ hội hoặc khách lạ mới thiết đãi, hồ hởi nói: "Khách gặp may rồi, tối nay đừng ngại, cứ thoải mái xài đặc sản của Aur nhé”. Một lát sau, mâm cơm trắng được dọn ra trong nhà Gươi. Mùi thịt ếch kho thơm phức, cá niêng nướng xiên béo ngậy. Đúng là chỉ khi chạm chân đến đỉnh núi Aur, tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây, tôi mới dám tin được mỹ từ mà Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhriu Liếc tặng cho bản người dân tộc Cơ Tu này: "Aur như một Singapore thu nhỏ" ở xứ Quảng. Họ sống trù phú, ấm no, sạch sẽ, hiếu khách.
Bữa rượu sắn, cá liên, ếch núi cùng những câu chuyện về Aur kéo dài tới hơn nửa đêm. Già làng hứa với tôi, ngày mai sẽ cho tiếp xúc với những người đặc biệt của Aur - cụ già Alăng Thảo và các thầy giáo...
Kỳ II: Anh hùng và thầy giáo của bản
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Ngọc Giàu
21:49 15/12/2024(Thanh tra) - Hàng loạt nhà thầu bị phát hiện vi phạm các quy định liên quan đến đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong giai đoạn 2022–2024.
Đông Hà
21:00 15/12/2024Nam Dũng
14:11 15/12/2024Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân