Với việc chia kỳ họp làm 2 đợt, họp trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các địa phương kết nối với đầu cầu tại Quốc hội và một kỳ họp tập trung ngắn tại hội trường Quốc hội, theo nhiều đại biểu, đây là việc giải quyết tình thế linh hoạt mà vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian nghỉ 1 tuần giữa phần họp trực tuyến và tập trung là cần thiết để đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu cũng như giải quyết các công việc khác. Đại biểu Hoàng Văn Cường. (ảnh: Quochoi.vn) Theo đánh giá của đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, kỳ họp này chất lượng không thay đổi gì so với các kỳ họp khác, chỉ khác một điều là kỳ họp này không có chất vấn đối với các thành viên Chính phủ."Còn các ý kiến phát biểu, kể cả từ khi họp trực tuyến tại các đoàn cũng không có gì khác khi chúng ta tham luận tại hội trường. Và những ý kiến đến hội trường trong kỳ họp tập trung này, tôi cho rằng còn được chuẩn bị kỹ hơn, chính nhờ hơn 1 tuần giãn cách giữa hai kỳ họp để các đại biểu Quốc hội có điều kiện chuẩn bị các nội dung, các ý kiến của mình tốt hơn cho kỳ họp tập trung”Họp Quốc hội trực tuyến là phương thức mới, chưa có trong tiền lệ của Quốc hội, nhưng Quốc hội đã ứng dụng tốt công nghệ 4.0 để thực hiện thành công một mảng lớn công việc của kỳ họp. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: việc họp trực tuyến chỉ khác về hình thức so với họp tập trung, các đại biểu vẫn dồn trách nhiệm, trí tuệ dành cho kỳ họp.“Đây là kỳ họp rất thành công. Vì ngay cả giai đoạn họp trực tuyến, mặc dù lần đầu tiên tổ chức, nhưng các hệ thống, các thiết bị phục vụ rất tốt, đại biểu thực hiện được hết các nhiệm vụ của mình, cũng như các nội dung chương trình đều đảm bảo tiến hành theo kế hoạch, không có bất kỳ sự cố nào. Họp trực tuyến nhưng cũng giống như họp tại tòa nhà Quốc hội. Chất lượng thảo luận các dự án luật, đại biểu rất trách nhiệm"- Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nói.Trên cơ sở thành công của kỳ họp thứ 9 này, các đại biểu đề nghị nên nghiên cứu để tiếp tục tổ chức họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến với khoảng thời gian nhất định và lựa chọn những nội dung phù hợp, nhằm giảm bớt thời gian đi lại không cần thiết của hàng trăm đại biểu, góp phần tiết kiệm chi phí so với việc tổ chức kỳ họp tập trung hoàn toàn. Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp. Bày tỏ quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp ủng hộ kỳ họp sau vẫn tổ chức 2 hình thức trực tuyến và tập trung. Tuy nhiên, hình thức trực tuyến cần thời gian ngắn hơn, thời gian tập trung sẽ dài hơn: "Có thể thời gian trực tuyến sẽ chiếm 1/3 thôi, còn 2/3 dành cho thời gian họp tập trung. Họp trực tuyến để xem xét, thông qua, cho ý kiến những dự thảo luật mà đã cho ý kiến lần đầu rồi.Tôi nghĩ trong 1 tuần có thể giải quyết xong những vấn đề đặt ra của đại biểu thảo luận những dự án luật. Những vấn đề quan trọng khác, họp tập trung sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn”Mặc dù kỳ họp thiếu đi nội dung quan trọng là chất vấn các thành viên Chính phủ, theo ý kiến đại biểu, nội dung này đã được lồng ghép trong hai ngày thảo luận về kinh tế xã hội. Phần làm rõ một số nội dung nổi bật, nội dung còn tồn tại của các bộ trưởng, trưởng ngành và thành viên Chính phủ đã đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Đại biểuNguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình phân tích, điểm nổi bật của lần này là thảo luận về kinh tế -xã hội. Lần này không những ngắn gọn, đáp ứng yêu cầu là 7 phút mà còn hạ xuống 5 phút. Nhưng các yêu cầu, nội dung của các đại biểu rất sâu sắc, phản ánh những vấn đề nóng nhất, những vấn đề mà cử tri quan tâm cần chuyển đến cho đại biểu Quốc hội, chuyển đến cho Thường vụ Quốc hội và chuyển đến các bộ ngành cần có giải pháp xử lý.Trước đó, trong phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp, nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm với Nhân dân. Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật./.