Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không đổi mới, không khóc vì nCoV thì cũng khóc vì những thứ khác

Thứ ba, 04/02/2020 - 11:34

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Nguyễn Xuân Cường chiều ngày 3/2 khi họp khẩn với lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tìm giải pháp “cứu” nông sản trước tác động của dịch bệnh nCoV.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LP

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu không đổi mới sản xuất theo chuỗi, không khóc vì nCoV thì cũng có thể khóc vì những biến động khác. Trong bối cảnh khó khăn về tiêu thụ, ngành hàng nào cũng tìm thấy cơ hội trong khó khăn như ngành gỗ, thủy sản… Đây là điều đáng hoan nghênh, Bộ NN & PTNT sẽ tiếp thu hoàn thành kịch bản chỉ đạo cũng như nhận dạng rõ các nhóm giải pháp xử lý.

Cũng theo ông Cường, Bộ NN & PTNT mong muốn người dân đồng hành, thông tin chia sẻ và cùng ứng phó cả trước mắt và lâu dài. Trong thời gian tới, bà con và các doanh nghiệp cần sản xuất có trách nhiệm và tìm ra nhiều cơ hội, giải pháp như: Tăng cường trữ trong kho lạnh, tăng chế biến… và coi đó là áp lực để tái cơ cấu, mở cửa thị trường.

Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng, trước hết là trùm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30 nghìn tấn/tháng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực, khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước.

Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như đậu tương, ngô, rau…

“Điều quan trọng nhất là các địa phương phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như ở Sơn La, họ thành lập rất nhiều HTX nên hầu như không có tình trạng giải cứu. Nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, không khóc vì con virus Corona thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác. Bộ NN & PTNT sẵn sàng họp bàn, tìm giải pháp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cần tổ chức kết nối chuỗi cung ứng với một số vựa trái cây lớn

Chia sẻ về tác động của dịch cúm do virus Corona ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, phạm vi ảnh hưởng đến các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam là tương đối lớn.

 "Bà con cần thay đổi tiến độ sản xuất vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và có khả năng còn kéo dài", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ. Ảnh: LP

Đầu tiên phải kể đến là do nhu cầu tiêu thụ giảm, ví dụ chuỗi Starbucks ở Trung Quốc, đã đóng cửa rất nhiều cửa hàng dẫn đến nhu cầu về cafe giảm. Hay những chuỗi cửa hàng như McDonald, KFC đặc biệt là ở Vũ Hán đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cá file trắng. Hoặc các nhà hàng khác Trung Quốc cũng vắng khách dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung giảm.

Lý do thứ hai là do chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ, như đã biết, phía Trung Quốc sẽ đóng cửa đến ngày 9/2. Việc đóng cửa chợ biên giới khiến việc trao đổi cư dân gián đoạn, đây là hình thức trao đổi quan trọng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Lý do thứ ba là do khách mua Trung Quốc không thể sang được Việt Nam dẫn đến không có những đơn hàng mới mặc dù một số loại trái cây đã vào vụ. “Mọi năm giờ này họ đã sang rất tấp nập để chuẩn bị mua trái cây, hoa quả cho thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khánh, hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua đường bộ, tạm gọi là thương mại biên giới có giá trị 7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu qua đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, riêng xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD.

Trước tình hình xuất khẩu bị ảnh hưởng như vậy, ngay từ ngày mùng 5 Tết, Bộ Công Thương đã có văn bản ghi nhận tình hình và đưa ra cảnh báo gửi đến Bộ NN&PTNT, các tỉnh biên giới…

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị một số doanh nghiệp logicstic hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường.

Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới.

“Chúng tôi cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều do xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, đặc biệt là xuất khẩu trái cây được ưu đãi thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc nên chiếm một tỉ trọng khá lớn dù Bộ Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp chuyển qua xuất khẩu chính ngạch suốt 2 năm qua”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh cũng cho biết, với hình thức xuất khẩu trao đổi cư dân như trên thì chỉ còn cách đợi các chợ biên giới mở cửa trở lại. Do đó, gần đây đã xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ. Những sản phẩm có thể chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, đã đề nghị chuyển ngay như lô hàng sợi. Nhưng những mặt hàng như vậy không có nhiều.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như tiếp tục yêu cầu các thương vụ vào cuộc, nhiều thương vụ đã có lịch làm việc với khách hàng trong tuần này. Đồng thời tiếp tục theo dõi tiến độ xuất khẩu cho đến khi các cửa khẩu chính thức mở cửa trở lại để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh.

Ngoài ra, Bộ Công thương đề nghị bà con thay đổi tiến độ sản xuất vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và có khả năng còn kéo dài. Bên cạnh đó, cần tổ chức kết nối chuỗi cung ứng với một số vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An…

Động viên, hướng dẫn các chủ hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch đối với các lô hàng có đủ điều kiện. Đồng thời khuyến nghị người bán, đóng gói, gắn tem nhãn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Đối với những lô hàng không đủ điều kiện cần ưu tiên giải phóng hàng trong ngày 9/2 khi chợ biên giới mở cửa trở lại.

Bộ Công thương cũng khuyến nghị các tỉnh biên giới tổ chức hỗ trợ bảo quản đối với các container đến ngày 9/2. Trước ảnh hưởng của bệnh dịch, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã vào cuộc thông qua cắt giảm lãi suất cho vay và Nội các Thái Lan cũng sẽ tổ chức các giải pháp hỗ trợ cho các công ty lữ hành…

Lê Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm