Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Khối sắt của lòng dân

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN

Thứ ba, 31/08/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Hà Nội và miền Bắc vào mùa ngâu! Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam vào kỳ cao điểm của mùa mưa. Nếu như những năm trước, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, với tiết trời đẹp của mùa Thu, đây là khoảng thời gian vô cùng lãng mạn.

Đường phố Hà Nội những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: Internet

Mùa Thu tháng Tám năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới, đón Tết Độc lập trong bối cảnh vô cùng đặc biệt - bối cảnh cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19.
Hà Nội vào mùa ngâu, không gian dịu ngọt. Hồ Tây trong veo tiếng chim trời, đuôi cá quẫy. Thủ đô mùa này vắng bóng người xe. Những con phố như dài rộng ra. Những ngả đường thênh thao cây lá. Nỗi nhớ chợt cũng rộng dài theo gió mùa Thu…

Khoảng không gian tĩnh lặng, toàn dân “sống chậm” bên trong những ô cửa đợi chờ, phố vẫn loang loáng ánh đèn đường, rợp bóng cờ hoa. Dù không được đổ ra đường tận hưởng bầu không khí náo nhiệt, nhưng lòng người vẫn trào dâng nỗi nhớ. Vẫn còn đây những con đường thân quen dưới vòm cổ thụ. Những bức tường vàng thẫm mái ngói rêu phong se sẻ tiếng sâm cầm.

76 mùa Thu đi qua. Khoảng thời gian ấy đủ để đưa một đời người từ đứa trẻ trở thành bậc thượng thọ. Thủ đô của đất nước mình đã vươn cao tầm vóc, tiến lên hiện đại, văn minh. Nhưng trên từng góc phố, con đường, từng công trình kiến trúc cổ… vẫn còn đó dấu ấn của mùa Thu lịch sử 76 năm trước - mùa Thu đánh dấu thời khắc cả dân tộc chuyển mình. Chính quyền về tay nhân dân. Non sông gấm vóc tưng bừng mở hội…

Sáng nay, trong tinh mơ phố vắng, chợt nghe tiếng Bác Hồ ấm áp thiêng liêng vang lên rành rọt qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Ngồi trong căn phòng làm việc ở cơ quan phóng tầm mắt ra ngoài khung cửa sổ dõi theo mây trời, lòng chợt dậy lên từng đợt sóng. Chộn rộn. Bừng bừng. Thôi thúc.

Thưa Bác! Chúng con nghe rất rõ. Từ dòng người như sóng cuộn đứng dưới bóng cờ, đứng dưới bóng Bác lồng lộng kể từ ngày nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập năm ấy, cho đến lớp lớp cháu con hôm nay, dù là ai, dù ở đâu, làm gì, dù như chim tung cánh khắp bốn biển năm châu, vẫn âm vang trong tim mình tiếng Bác.

Mỗi độ Thu sang, cháu con muôn phương lại mong ước được trở về Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác, để được tiếp thêm nguồn linh khí non sông... Đất nước gấm vóc hiện hình trên vầng trán Bác, trên đôi tay Bác. Là người Việt Nam, ai đã có dịp vào Lăng viếng Bác, đều cảm nhận được hơi ấm từ đôi bàn tay ấy, đôi bàn tay dẫn dắt các thế hệ cháu con vững bước đi theo con đường Người đã chọn…

Đọc lại bài thơ Bác viết, đăng trên Báo “Việt Nam Độc lập” ngày 21/8/1941 với bức họa kết nối cụm từ “Việt Nam Độc lập” thành hình một người đang thổi kèn loa: "“Việt Nam Độc lập" thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta".

Bài thơ của Bác như một lời hiệu triệu, như một lời tiên tri. Lời thơ mộc mạc, giản dị mà có sức lay động mạnh mẽ vô cùng. Đúng một năm sau, vào ngày 21/8/1942, Bác viết bài thơ “Chơi giăng” trên Báo “Việt Nam Độc lập”: “... Muốn biết tự do chầy hay chóng/ Thì xem tổ chức khắp hay không/ Nước nhà giành lại nhờ tài sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng/ Tổ chức tuyên truyền càng rộng rãi/ Tức là cách mệnh chóng thành công”.

Ngay từ giai đoạn đầu chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, Bác đã nêu hai việc cần làm của cách mạng, đảm bảo cho cách mạng thành công, đó là công tác tuyên truyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, từng làng quê, góc phố, khắp đất nước dậy lên tiếng kèn, tiếng loa, tiếng trống, tiếng mõ… thôi thúc. Sức mạnh của công tác tuyên truyền đã kết nối triệu vòng tay, triệu trái tim thành một khối kết đoàn, cả dân tộc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, bảo vệ chính quyền nhân dân.

Đã xa rồi thuở đất nước gian lao, dân ta cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Đã xa rồi tiếng kèn, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng chiêng thúc giục lòng người từ mỗi làng quê, góc phố mùa Thu năm ấy. Đời sống xã hội vận động, phát triển, đổi mới từng ngày. Thế đứng Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh, nâng tầm. Điều Bác mong muốn cho dân, cho nước đã thành hiện thực…

Cây có cội, sông có nguồn. Mỗi mùa Thu tới, mỗi người dân nước Việt lại lắng lòng tưởng nhớ công ơn trời biển của Người. Những vần thơ, những lời dạy của Bác thấm vào tim từng chữ, từng lời. Giờ đây, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, những phương tiện tuyên truyền đã hiện đại hóa, tự động hóa. Chỉ cần một cái nhấp chuột hay miết ngón tay trên phương tiện thông minh, cả thế giới sẽ ở trong tay ta.

Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh. Ảnh: baotintuc.vn

Tết Độc lập năm nay, chúng con không thể vào Lăng viếng Bác. Nhưng hình bóng Bác đang hiện diện khắp nơi. Thành phố mang tên Bác và miền Nam ruột thịt đang bước vào thời kỳ đầy thử thách, gian nguy. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, hàng nghìn người tử vong. Những con đường vắng ngắt. Những góc phố im lìm. Những tiếng khóc nấc nghẹn bên trong các ô cửa khi gia đình, thân nhân nhận hung tin từ các bệnh viện. Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” ngày càng phức tạp, vắt đến giọt sức lực cuối cùng của rất nhiều người…

Trong bộn bề gian khó, những đoàn quân gắn hình Tổ quốc lên đầu, để hình ảnh Bác trong tim, mang trên mình màu xanh đất nước, lại tiếp tục lên đường vào các vùng tâm dịch. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ, hàng triệu chiến sĩ tình nguyện ngành Y, chiến sĩ công an, dân quân, thanh niên tình nguyện các cấp, các ngành… chẳng quản hiểm nguy, xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Hàng ngàn chuyến xe, chuyến tàu vận chuyển hàng hóa, vật chất từ hậu phương chi viện cho tuyến đầu chống dịch. Cả dân tộc đồng lòng chống dịch, bởi toàn dân Việt Nam hôm nay đều là con cháu Bác Hồ, dù gian lao khổ hạnh đến đâu, vẫn trọn đời đi theo Bác!

Một mùa Thu lịch sử mang dấu ấn của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang bắt đầu từ hôm nay, và chắc chắn hàng trăm năm sau, nhân loại vẫn còn nhắc đến.

Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên của ngành Thanh tra, ngày càng nặng nề trước vận mệnh của dân tộc. Để góp phần gắn kết toàn dân tộc thành một khối vững bền, chúng ta phải cùng lúc làm tốt cả hai việc: Xây và chống. Xây dựng, củng cố lòng tin của toàn dân với Đảng, tin tưởng, sát cánh cùng Chính phủ chống dịch và chống lại những luận điệu xuyên tạc, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và các phần tử phản động lợi dụng dịch bệnh để “đục nước béo cò”. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Và đặc biệt, đối với ngành Thanh tra của chúng ta, là cuộc chiến chống cái xấu, cái tiêu cực, chống tham nhũng và những tư tưởng, hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia. Dù đầy cam go, phức tạp, nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công, bởi trên con đường ấy, mỗi cán bộ thanh tra luôn có ánh sáng tư tưởng của Bác soi đường.

Mùa Thu này, toàn Đảng ta đẩy mạnh thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống. Trên hết và trước hết trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Trong khó khăn, hoạn nạn, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Thanh tra vẫn phải luôn tự chỉnh đốn để củng cố lòng tin và xứng đáng với lòng tin của nhân dân, góp phần tập hợp khối đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19, chung tay xây dựng đất nước hùng cường. Tổ chức Đảng trong toàn ngành phải luôn tự chỉnh đốn để cơ thể của ngành Thanh tra luôn khỏe mạnh, đủ sức đề kháng trước mọi cám dỗ và chống lại những âm mưu của các thế lực thù địch gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng.

Đoàn kết trong nội bộ để góp sức cùng Chính phủ tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là chìa khóa để các nghị quyết của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành thấm sâu, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Thanh tra trong bối cảnh đất nước khó khăn không chỉ để tìm ra “sâu mọt” của nước, của dân, mà quan trọng hơn cả là để răn đe, chặn đứng hành vi của những con người đang có ý định trở thành “sâu mọt”.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thời nào cũng vậy, nước thịnh bởi có quân hùng. Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy là kế sách. Đất nước càng khó khăn, càng phải chăm lo củng cố, xây dựng tiềm lực từ bên trong, ngăn chặn âm mưu chống phá từ bên ngoài. Mỗi cán bộ, đảng viên ngành Thanh tra đều là con em của nhân dân. Không chỉ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn là những chiến sĩ giỏi làm công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với nhân dân, để phát huy tai mắt của dân trong đấu tranh, thanh tra, vạch trần những mảng tối trong đời sống kinh tế- xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững.

Mỗi năm đến ngày Quốc khánh, chúng ta lại thấu hiểu sâu sắc thêm cái giá của tự do - độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, dân tộc ta đã giành tự do - độc lập từ tay thực dân, phong kiến. Đó là một hành trình thế kỷ. Theo tư tưởng của Bác soi đường, Đảng ta, toàn dân ta đã thực hiện cuộc trường chinh giữ chính quyền, xây dựng đất nước suốt 76 năm qua. Và cuộc trường chinh ấy tiếp tục bền vững, trường tồn theo năm tháng, dù đất nước đã, đang và sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn. Lịch sử cũng đã chứng minh, càng trong khó khăn thử thách, chúng ta càng tỏ rõ bản lĩnh Việt Nam.

Lời Bác dạy đã hóa lời sông núi, thúc giục toàn dân đoàn kết chiến thắng đại dịch Covid-19, cho mùa Thu thêm thắm cờ hồng…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm