Theo dõi Báo Thanh tra trên
Mai Thắng
Thứ tư, 02/09/2020 - 07:00
(Thanh tra) - Trong khi ở đất liền, người người, nhà nhà phấn khởi bên nhau vui vầy trong ngày Tết Độc lập, thì ở ngoài Nhà giàn DK1, hơn 200 cán bộ chiến sĩ “căng mình” đứng gác trong gió gào sóng biển theo dõi, xua đuổi những con tàu “không mời mà đến”. Niềm vui của những người lính “đầu đội trời, chân đạp sóng” chỉ trọn vẹn khi đất liền đón Quốc khánh yên bình.
Huấn luyện điều lệnh đội ngũ tay không ở Nhà giàn DK1. Ảnh: Mai Thắng
Ngày huấn luyện, đêm canh biển
Những ngày cuối cùng của tháng Tám, vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc nắng như dội lửa. Nắng rát bỏng ngay từ lúc mặt trời bắt đầu nhô lên phía chân trời. Nắng len lỏi vào từng góc nhỏ Nhà giàn DK1.
Áo thấm mồ hôi sau 16 động tác võ và 35 thế liên quyền, Thiếu úy chính trị viên Nhà giàn DK1/7 Nguyễn Hùng Cường tươi cười bảo: “Nắng kệ nắng, gió mặc gió, bão tố không sợ thì nắng gió xá gì”.
Công việc của lính nhà giàn gần ngày Quốc khánh có căng thẳng thưa anh? Tôi hỏi.
Gạt giọt mô hôi trên trán, Thiếu úy Cường chỉ tay về phía biển xa bảo: Càng gần ngày Quốc khánh, công việc huấn luyện theo dõi mục tiêu càng siết chặt. Những ngày này, tàu thuyền nước ngoài hoạt động liên tục trên đường hàng hải quốc tế. Ngoài tàu hàng, còn có tàu giả dạng tàu cá, thăm dò động thái vùng biển DK1. Bất kể động thái gì, chúng tôi vẫn kiên trung, vững vàng tay súng, ngày huấn luyện, đêm canh biển bảo vệ nhà giàn và ghe tàu của ngư dân.
Nhà giàn Phúc Tần được coi là “pháo đài” bảo vệ “đường biên” phía Bắc trong hệ thống DK1. Những ngày này, cán bộ chiến sĩ ở đây cũng không ngơi tay súng canh trời giữ biển với mục tiêu cao nhất là bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc để nhân dân cả nước đón Tết độc lập yên bình, hạnh phúc. Trước những động thái mới về an ninh biển Đông thời gian qua, để không bị bất ngờ trong mọi tình huống, cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần ngày đêm huấn luyện, vừa nâng cao bản lĩnh, tác phong chiến đấu, vừa sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra.
Trung tá Lê Xuân Nam - Chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Tần cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, nhà giàn tăng cường huấn luyện các bài tập quan sát mục tiêu và xử lý đối sách trên biển theo chương tình huấn luyện công nghệ 4.0. Tức là ngoài huấn luyện theo phương pháp truyền thống, có thêm sử dụng máy móc hiện đại trong tìm kiếm, phát hiện mục tiêu. “Ngày huấn luyện các bài tập điều lệnh đội ngũ, rèn luyện thể lực, ngắm bắn các loại mục tiêu trên không, mặt biển; đêm huấn luyện phát hiện mục tiêu từ xa, quan sát mặt biển khi có biệt kích người nhái, huấn luyện cấp cứu ngư dân, phương án rời nhà mùa mưa bão”, Trung tá Nam cho hay.
Được coi là nhà giàn ở “chân trời Tổ quốc”, DK1/10 đóng quân giáp vùng biển Malaysia và Philippines. Gần tới ngày Quốc khánh, vùng biển Cà Mau có nhiều tàu thuyền qua lại nên công tác huấn luyện theo dõi mục tiêu được siết chặt.
Đại úy Nguyễn Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 cho biết, những ngày này nắng nóng rát mặt, nhưng không vì thế mà công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu giảm “cường độ”. Ngược lại, các phương án huấn luyện chiến đấu theo dõi mục tiêu lạ, huấn luyện đêm càng tăng cường, nhất là huấn luyện chiến đấu chống biệt kích người nhái. “Càng đến ngày gần Tết Độc lập, tàu thuyền nước ngoài càng hoạt động nhiều và không loại trừ có mục đích xấu. Hơn lúc nào hết, chúng tôi chấp hành nghiêm các chế độ trực canh đậu, nêu cao tinh thần cảnh giác, bằng các biện pháp đấu tranh, xua đuổi tàu lạ ra khỏi vùng biển được phân công quản lý” - Đại úy Thanh, nói.
Tạm gác tình riêng
30 tuổi quân, 26 năm gắn bó với DK1, trong đó có gần 288 tháng liên tục làm nhiệm vụ trên các nhà giàn - một quãng thời gian khá dài so với đời quân ngũ của Trung tá Lê Xuân Nam.
Đã bước sang tuổi 50, mái tóc của Trung tá Nam điểm nhiều sợi bạc, vậy mà trong tim người lính “già” vẫn đau đáu khi nói đến sự trường tồn của nhà giàn và những đồng đội của anh ngã xuống giữa biển khơi. Anh bảo, là lính DK phải chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi hỏi mỗi lần đi biển dài ngày, vợ con ở nhà sẽ rất vất vả, nhất là mỗi khi Xuân về Tết đến, nỗi nhớ đất liền cào xé tâm can? Anh Nam chia sẻ, anh và vợ - chị Lương Thị Thu cưới nhau 25 năm nhưng thời gian gần nhau chỉ gói gọn chưa đầy 3 năm. Đó là thời gian anh được vào đất liền nghỉ phép. Với 30 ngày phép ngắn ngủi, anh Nam giúp vợ sơn lại bức tường bị ố do dột mưa, chở con đi chơi biển đôi lần. Cũng có đợt sau 12 tháng ròng rã làm nhiệm vụ ở DK1 trở về, được đơn vị cho nghỉ phép thăm vợ con, nhưng chưa kịp về quê thăm bố mẹ đã phải xuống tàu đi DK1 vì DK có “động thái” do tàu nước ngoài quấy nhiễu.
“Những lúc như thế rất thương vợ con nhưng đành gác lại. Ngoài Nhà giàn DK1 có đồng đội chờ mình, anh em cũng muốn về thăm gia đình như mình. Có sĩ quan trẻ muốn vào đất liền cưới vợ, nhưng vì nhiệm vụ phải ở lại nửa năm, chuyện cưới xin đành hoãn lại”, Trung tá Nam chia sẻ.
Những ngày chồng đi DK1, chị Lương Thị Thu một mình ở nhà chăm sóc con cái. Căn nhà “ba buồng kiểu lính” ở cuối hẻm 1.000 đường 30 Tháng Tư, TP Vũng Tàu, luôn thiếu vắng đàn ông. Không kể xiết tâm trạng của người vợ lính thời bình hàng ngàn đêm cô đơn vò võ, chỉ biết tình yêu chị giành cho chồng ngày sâu sắc. Hàng trăm lá thư viết cho chồng vào những năm 1994 - 2000 chị vẫn lưu giữ như báu vật. Mỗi đêm giông bão hay dịp Tết đến Xuân về, chị đem thư ra đọc để vơi bớt nhớ chồng. Vốn là giáo viên tiếng Anh có tâm hồn lãng mạn, chị Thu có thói quen làm thơ tặng chồng gửi qua Facebook hoặc Zalo, với hi vọng những bài thơ gửi tặng chồng sẽ phần nào giúp anh yên tâm bám biển hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao phó.
“Vợ lính thời bình có nhiều thiệt thòi. Cả năm gặp chồng vẻn vẹn 30 ngày phép. Ngày con thứ hai còn nhỏ, nó hỏi sao bố cứ đi mãi thế hả mẹ. Tôi bảo, bố Tết sẽ về, nhưng Tết đó anh ấy không được về, nó khóc, nó bảo tôi nói dối. Có lần cả ba mẹ con ra cầu cảng đón bố đi DK1 về, anh ấy đưa tay bế con, nó quay mặt đi. Lúc đó tôi ứa nước mắt. Trong suốt thời gian anh đi biển, tôi đem ảnh cưới ra chỉ để con nhận được mặt bố”, chị Thu nước mắt rưng rưng chia sẻ từ đáy lòng mình.
Ở tuổi gần 30, Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường, Chính trị viên DK1/7 vẫn chưa có người để nhớ để thương. Sau thời gian “sống với biển, vui buồn với nhà giàn” 8 tháng đến một năm, Cường về Đắk Lắk thăm bố mẹ. 30 ngày phép qua mau, chưa kịp nói được lời hẹn hò Cường phải xách ba lô lên đường đi DK1. Trước đây, Cường có bạn gái làm ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng đành phải chia tay vì bạn gái không chịu được nỗi “trống vắng” mỗi chiều thứ Bảy.
Trung úy Cường chia sẻ: “Đã là lính DK1 thì phải chấp nhận hi sinh vì việc lớn hơn. Nhà giàn DK1 cần tôi, Tổ quốc cần thì mình không thể không đi. Hạnh phúc của người lính chỉ trọn vẹn khi hoàn thành nhiệm vụ của Tổ quốc, của đơn vị giao phó”.
Khoảng lặng
Tôi xúc động không kìm được cảm xúc khi đọc được những dòng tâm trạng của Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường từ Nhà giàn DK1. Dòng cảm xúc viết trong zalo có tựa đề “Viết cho những người lính DK”.
- Con ơi, giỗ ông con về nhà được không con?
- Mẹ à, con phải huấn luyện, không về được đâu.
- Vậy con cố gắng con nhé
….
- Anh Hai à, đám cưới Út anh có về được không?
- Anh xin lỗi, hôm ấy anh bận diễn tập
- Vâng, vậy anh đi giữ gìn sức khỏe.
Nghe điện thoại mà chỉ biết nghẹn ngào.
Ai bảo đàn ông con trai không biết khóc, và có những vỗ vai, an ủi của đồng đội mà nuốt nước mắt vào trong. Khoảnh khắc của thời gian và sự việc đôi khi chỉ có một lần, và những người lính DK chúng tôi luôn để lỡ… Cuộc sống lính DK không hối hả, nhưng hàng ngày rèn luyện kiên cường để chọi với sóng gió cuồng phong bão tố, để bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ai đó một lần khoác áo DK1 sẽ hiểu được khi chiều buông có bóng dáng chiến sĩ nhìn về phương xa và những đêm trắng lặng lẽ nghĩ về gia đình.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên