Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khó thực hiện

Thứ ba, 13/11/2012 - 12:55

(Thanh tra)- Sau 3 năm triển khai, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã từng bước đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Tuy nhiên, để mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cũng như đáp ứng nhu cầu, quyền lợi người tham gia BHYT, Bộ Y tế đề xuất 11 nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT.

Theo Bộ Y tế, năm 2012, ước số người tham gia BHYT là 59,164 triệu người, tăng hơn 2 triệu người so với năm 2011, tỷ lệ bao phủ khoảng 67% dân số. Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ tất cả các tuyến y tế theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bệnh tật với 20% người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và tương đương; 61% tại bệnh viện (BV) huyện và tương đương; còn lại gần 19% đăng ký tại các cơ sở tuyến tỉnh và T.Ư.

Tuy nhiên, theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, cả nước vẫn còn khoảng 35% dân số chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân do chất lượng KCB chưa đáp ứng nhu cầu người dân, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở. Các BV lớn luôn trong tình trạng quá tải, thủ tục rườm rà.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết, ngoài quá tải, chờ đợi lâu, nằm chung giường, người có thẻ BHYT vẫn phải tự chi trả khá nhiều khoản tiền (trên 40%) cho các chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Bên cạnh đó, việc quy định cùng chi trả chi phí KCB không có giới hạn mức chi trả tối đa ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chi trả của người bệnh, nhất là người mắc bệnh nặng, có chi phí lớn như ung thư, phẫu thuật tim mạch, ghép tạng, chạy thận… Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới áp dụng mức cùng chi trả theo nhiều mức độ và có giới hạn mức chi trả tối đa cho mỗi đợt điều trị, giúp giảm phần tự chi trả từ tiền túi người bệnh. Với nhóm trẻ dưới 6 tuổi hiện nay, nếu chỉ cấp thẻ cho đến khi trẻ đủ 72 tháng tuổi thì có tình trạng là có những trẻ sẽ không có BHYT nếu hạn sử dụng thẻ hết trước tháng 9 hàng năm.

Hiện, BHXH Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý quỹ KCB BHYT. Tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ KCB khá phổ biến tại các BV. Cơ quan BHXH đang phải thanh toán giá thuốc, vật tư y tế cao, bất hợp lý; không quản được tình trạng KCB vượt tuyến, trái tuyến. Việc kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế tiêu hao, chỉ định điều trị (đặc biệt là nhóm thuốc hỗ trợ điều trị) đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do còn những bất cập về cơ chế chính sách. Hiện nay, quy định KCB vượt tuyến, trái tuyến làm gia tăng đáng kể chi trả từ quỹ BHYT. Chính sách về thuốc còn nhiều bất cập, công tác đấu thầu khiến giá thuốc cao, không thống nhất giữa các địa phương và khó quản lý; danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả quá rộng; thiếu các hướng dẫn chỉ định điều trị nên không có căn cứ để giám sát quá trình sử dụng thuốc tại BV. Đặc biệt, quy định về xã hội hóa, tự chủ tài chính chưa đầy đủ; quy định về đấu thầu, thanh toán thuốc BHYT chưa thống nhất nên gây khó khăn trong công tác quản lý chi phí KCB bằng BHYT.

Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu toàn dân tham gia vào năm 2014 là rất khó khăn, thậm chí là không thể. Lý do được đưa ra là, những nhóm dễ thì đã tham gia BHYT, còn lại là những trường hợp khó như hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, nhóm người lao động tự do. Đa số có thu nhập không ổn định và không thuộc một tổ chức xã hội nào. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, việc tham gia theo hộ gia đình được coi là một giải pháp tối ưu. Theo bà Tống Thị Song Hương, cần quy định phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình thì mới được hỗ trợ mức đóng. Đồng thời, sửa đổi quy định về thời điểm có hiệu lực của thẻ trong những trường hợp không tham gia liên tục

Được biết, Bộ Y tế đã đề xuất 11 nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT nhằm tăng tỷ lệ tham gia để bảo đảm lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Nguyên tắc là tăng quyền lợi tối đa, hạn chế thấp nhất sự chi trả từ tiền túi của người bệnh; tăng cường chất lượng dịch vụ y tế để người dân được tiếp cận nhiều hơn, không phải tìm đến dịch vụ ngoài quyền lợi của mình.

    Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm