Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khắc tinh của những khối u quái ác

Thứ năm, 21/03/2013 - 06:45

(Thanh tra)- Không ai ngờ, 5 đứa con mang những khối u khổng lồ trên mặt đến mức đội chiếc nón mỗi khi ra đường cũng không che hết, lại có thể sống và sống khỏe mạnh, thậm chí đã đi làm, đi học, lập gia đình… Tất cả đều có thể xảy ra sau ca phẫu thuật được coi là “cãi lại số trời”.

BS Nguyễn Quốc Bảo thăm khám cho bệnh nhân Lục Thị Hai trước khi phẫu thuật khối u

Vượt qua số phận

Đầu năm 2013, các bác sĩ (BS) Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện (BV) K Hà Nội, tìm đến gia đình ông Lục Văn Quân ở xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, để thăm lại 5 người con tật nguyền của họ. Vợ chồng ông Quân và 5 người con “bị trời hành” ngày nào, giờ không còn các khối u khổng lồ trên mặt, sẹo cũng đã liền da.

Căn nhà đơn sơ nép sau rặng núi như ấm hẳn lên bởi tiếng cười nói, sự hân hoan, lời thăm hỏi, cảm ơn và niềm xúc động nghẹn ngào của 5 người con đối với BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ, BV K, người đã thay đổi số phận cho cho gia đình “trời hành”. “Tụi con như được sinh ra lần thứ 2”, đó là câu nói mà những người con trong gia đình ông Quân nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện với vị BS đã thay đổi số phận của họ.

Gia đình ông Lục Văn Quân có 6 người con thì tới 5 người bị những khối u quái ác trên mặt. Nặng nhất là Lục Thị Mói (sinh năm 1978), cô con gái cả với khối u to như quả bưởi che kín toàn bộ khuôn mặt. Lục Thị Hai (sinh năm 1979), đứa con thứ 2 cũng mang trên mặt khối u nặng tới 7kg. Còn 3 người con khác đều đeo trên mặt những khối thịt nhẹ hơn.

Khi được một tòa báo đưa về Hà Nội khám và phẫu thuật, Hai đã xin đi trước. Không phải vì Hai muốn được giải phóng khỏi khối thịt vô duyên trước chị em mà vì “con bị nhẹ hơn chị Mói, để con đi trước. Nếu có làm sao, con “đi” vẫn hơn”.

18 năm đưa con đi khám tứ phương không kết quả, trước khao khát được lành lặn của con, dù biết ca phẫu thuật này cơ may chỉ là 50/50, ông Quân đành gật đầu để Hai đi.

Ông Quân kể: Hơn chục năm qua, hàng xóm láng giềng chẳng ai dám đến chơi, họ không hiểu nhà này bị bệnh gì mà quái ác đến thế. Hết đứa lớn rồi đến đứa bé, mặt cứ phình to như quả bóng, họ sợ lây. Ông bà dựng phía cuối làng căn nhà tạm mái rơm, tường đất cho đàn con bệnh tật chui ra, chui vào. “Nhìn đám con vô tội mà phải sống chui lủi vợ chồng tôi tủi thân vô cùng. Bị bạn bè trêu chọc, chúng phải nghỉ học, suốt ngày lẩn trốn. Lúc nào đám trẻ thèm xem tivi quá, phải đợi trời tối hẳn, mấy chị em mới dám đi ra nhà ngoài để xem”.

Thế mà giờ đây, Lục Thị Hai lại trở thành một trong những người thợ may “cứng” nhất của xưởng may ở Thái Nguyên với mức lương hơn 3 triệu đồng. Hai cũng đã lập gia đình và vừa sinh đứa con trai đầu lòng khoẻ mạnh, xinh xắn. Đứa con của vợ chồng cô cũng đã được vị ân nhân đặt tên là Lý Thiên Ân với ý nghĩa ân huệ của trời ban cho vợ chồng cô.

Còn Lục Thị Mói, Lục Văn Cường đã có việc làm ổn định tại quê nhà.

Lục Thị Long làm ở Nhà máy Canon tại Hà Nội, lương tháng đều trên 3 triệu đồng.

Lục Thị Linh thì không còn tự ti khi đến trường. “Em sẽ học thật giỏi và năm sau quyết thi đỗ đại học để báo ơn cha mẹ và các BS cũng như mọi người đã giúp đỡ” - Linh bẽn lẽn.

“Hạnh phúc đến với gia đình chúng tôi trong thời gian qua đó là cháu Hai và cháu Lục Văn Cường (người con trai thứ 4) đều đã lập gia đình - điều mà trước đây vợ chồng tôi nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới”, ông Quân nghẹn ngào nói.

Ca mổ thần kỳ

BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ, BV K, người mổ chính cho cả 5 chị em họ Lục, nhớ lại: “Khi thăm khám kỹ lưỡng, chúng tôi tiên lượng thành công của ca mổ cũng chỉ khoảng 70%, nhưng ê kíp mổ vẫn quyết tâm thực hiện phẫu thuật. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi quyết định mổ cho Lục Thị Linh, người có khối u nhỏ nhất trong gia đình. Thế nhưng, những dự tính trước đó khi chẩn đoán khối u của Linh hoàn toàn khác với thực tế: Khối u không chỉ có dịch mà còn có các tổ chức mủn nát, khi mổ máu chảy quá nhiều, khiến các BS đã rất khó khăn mới phẫu thuật thành công”. 

Có lẽ vì thế mà cho đến hôm nay, sau ca mổ “u voi” cho bệnh nhân Lục Thị Hai, 28 tuổi, vẫn là cả một câu chuyện dài khó quên. Mặc dù đã qua nhiều lần hội chẩn với hàng loạt tình huống, phương án xử lý về những nguy hiểm có thể xảy ra, thậm chí, khi quyết tâm mổ cho Lục Thị Hai, có đồng nghiệp nói với ông: “Hay thôi, ôm việc vào rồi lại phiền phức....”. Tuy nhiên, BS Bảo vẫn tiến hành phẫu thuật vì nếu không khối u lớn dần, xâm lấn các cháu sẽ chết…

“Một ngày mổ 11, 12 ca cũng không căng thẳng như ca này. Đêm trước khi mổ, tôi trằn trọc không thể ngủ được”, BS Bảo tâm sự. Cả đêm đó, BS Bảo cứ nằm xuống giường rồi lại ngồi dậy, bật máy tính, xem phim chụp CT 64 lát cắt/mm, vừa được gửi đến từ BV 108. Tấm phim rõ đến từng chi tiết nhỏ. Xem phim rồi, nhưng những lo lắng vẫn cứ lởn vởn trong đầu ông.

Những tính toán, những giải pháp được dự trù tối đa. Có những BS giỏi về X-quang sau khi xem phim chụp đã khuyên chân thành không nên mổ, một vài BS nước ngoài cũng e ngại cho ca phẫu thuật này. Quả thực, khối u xâm lấn quá rộng. Rộng tới mức, khi cắt u thì toàn bộ phần cơ, thậm chí cả xương trên mặt bên trái sẽ bị bóc hết. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ chỉ còn trơ lại một vùng lõm.

Chảy máu ồ ạt không thể cầm được trong ca phẫu thuật này chính là yếu tố nguy cơ nhất đối với tính mạng bệnh nhân - Lục Thị Hai có thể chết ngay trên bàn mổ!

Cuối cùng, sau vài lần trì hoãn, ca phẫu thuật cho chị Hai cũng đã được thực hiện với  thành công ngoài dự kiến. BS Bảo tâm sự: “Sau khi rạch đường dao cuối cùng mở hết tổ chức của khối u khổng lồ trên khuôn mặt bệnh nhân, tôi biết mình đã tìm được đúng hướng đi cho ca phẫu thuật. Bệnh nhân đã được cứu sống”.

Với kinh nghiệm của ca phẫu thuật cho Lục Thị Hai, BS Bảo và các BS BV K đã lần lượt phẫu thuật và nhiều lần tạo hình cho những trường hợp còn lại. Việc tạo hình lại gương mặt cho 5 chị em rất khó thực hiện. BS Bảo thừa nhận sẽ phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa từng phần. “Nhìn gia đình họ khổ sở vì bệnh tật như thế, chúng tôi không thể cầm lòng. Gia đình có 1 người bị bệnh hiểm nghèo đã chật vật rồi, đằng này cả 5 đứa. Cho dù khó khăn vì 5 bệnh nhân là 5 phương pháp phẫu thuật khác nhau, nhưng kíp mổ vẫn quyết tâm phải làm bằng được để trả lại khuôn mặt cho các em”, BS Bảo chia sẻ.
   
Sau 30 năm cầm dao mổ, BS Bảo đã cùng các đồng nghiệp đem lại sự sống cho biết bao người bệnh. Với BS Bảo, trước bất kỳ ca mổ, mọi việc đều được tính toán, cẩn trọng tới từng chi tiết. Khi bước vào phòng mổ, trước mặt ông khi ấy sẽ chỉ có bệnh nhân và một việc duy nhất là làm thế nào để cứu sống người bệnh và ông luôn tâm niệm “phải làm hết sức mình, hết khả năng của mình cho người bệnh”. Tất nhiên, không ai là “thánh” cả và BS Bảo cũng vậy. Không ít lần, ông và các đồng nghiệp đành bó tay trước những ca bệnh quái ác. Bất lực trước nỗi đau của người bệnh, sau mỗi ca bệnh như thế, ông chỉ còn biết trách móc, day dứt với bản thân và tự hỏi mình làm hết khả năng có thể chưa? Nhưng, nhắc đến câu chuyện của gia đình 5 người con bị “đeo đá”, BS Bảo vẫn còn giữ nguyên cảm giác vui mừng sau ca phẫu thuật. “Đánh” được những trận như thế “sướng” lắm”, BS Bảo cười giản dị.

Nam Trung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm