Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoàn thành di dời dân đến nơi an toàn để tránh bão lũ trước 18 giờ ngày 11/9

Q.Thân - N. Phê

Thứ bảy, 11/09/2021 - 16:15

(Thanh tra) - Suốt từ đêm qua (10/9) đến trưa nay, mưa như trút nước kéo dài đã biến nhiều đường phố ở Đà Nẵng thành sông. Chính quyền và người dân đang hối hả phòng, chống thiên tai nhưng không quên phòng, chống dịch bệnh.

Mưa lớn tạo dòng chảy xiết gây hư hại đường phố. Ảnh: T.P

Theo dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, ngày 11/9 và các ngày tiếp theo, trên địa bàn Đà Nẵng có mưa to đến rất to kèm dông.

Ngày 11/9, tổng lượng mưa ghi nhận được ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phổ biến từ 200-300mm, có nơi trên 350mm; quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 450mm; quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu phổ biến 200-400mm, có nơi trên 400mm; huyện đảo Hoàng Sa lượng mưa từ 100-200mm, có nơi cao hơn.

Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai TP Đà Nẵng Hoàng Thanh Hòa cho biết, Ban vừa có chỉ đạo UBND các quận, huyện rà soát, triển khai sơ tán người dân đang sống tại các nhà không kiên cố, nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở... tới nơi trú tránh an toàn; công việc phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 11/9.

Nhiều con phố đã ngập lụt cục bộ. Ảnh: T.P

Sau chỉ đạo khẩn của TP, các cấp đã khảo sát các điểm nguy hiểm, triển khai công tác di dân, đảm bảo an toàn trước khi bão đỗ bộ vào đất liền. Bên cạnh đó, là hỗ trợ, đôn đốc bà con thu hoạch hoa màu, giảm thiểu thiệt hại kinh tế khi bão lụt cận kề.

Theo ghi nhận của chúng tôi, TP Đà Nẵng hiện đang có dịch Covid-19 nên công tác ứng phó thiên tai cũng vất vả hơn. Trước đây, việc di tản dân được tổ chức tập trung đến các khu vực kiên cố, trường học, nhưng nay phải tính toán kỹ càng hơn, phân chia người dân ra nhiều điểm nhỏ để sơ tán nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nhiều đơn vị phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn đã trưng dụng xe container, xe bus để làm nơi trú cho lực lượng làm nhiệm vụ. Điều này vừa đảm công tác phòng, chống dịch không gián đoạn vừa an toàn khi bão đến.

Tại xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, lãnh đạo xã tập trung ra hiện trường đôn đốc thu hoạch lúa, hoa màu của người dân, người thì khảo sát các điểm ngập úng dễ gây sạt lở núi hoặc cân nhắc công tác di dời dân ra khỏi hiện trường nguy hiểm khi có bão lớn và mưa to kéo dài.

Chính quyền và cơ quan chức năng hỗ trợ người dân phòng, chống bão. Ảnh: T.P

Đến 14 giờ chiều ngày 11/9, do mưa lớn ồ ạt Đà Nẵng đã xuất hiện chuyện ngập úng cục bộ ở một số điểm, có điểm ngập nặng, nước tràn sâu vào nhà dân. Tại tuyến đường trước cổng Khu Công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, lượng nước mưa từ nhiều nơi ùn về đã tạo nên điểm ngập rộng, độ sâu có nơi đến 30cm. Nhiều phương tiện giao thông buộc phải quay đầu, xe máy thì cố gắng leo lên vỉa hè để băng qua làn nước.

Tại đường Nguyễn Tất Thành, dù rất ít gió nhưng người dân đi xe máy gặp nhiều khó khăn khi điều khiển phương tiện do mưa. Lượng mưa lớn liên tục tạt thẳng vào mặt người đi đường. Phía giáp biển đường Nguyễn Tất Thành cũng bắt đầu xuất hiện sóng lớn dần. Một số khu vực khác bị ngã đổ lán trại của lực lượng đang thi công dự án thoát nước của TP.

Nặng nề hơn, tại đường Đoàn Phú Tứ, mưa lớn đã tràn vào nhà cửa. Hàng chục hộ dân hì hục mang đủ xô chậu tát nước ngược trở ra, có người dùng chổi ngăn vật chất bẩn theo dòng nước vào nhà; đại đa số là bất lực đứng nhìn. Bên cạnh đó nhiều đoạn sạt lở tạo hố sâu, nước chảy xiết rất nguy hiểm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm