Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hết tùy tiện tăng giá sữa?

Thứ sáu, 04/10/2013 - 07:30

(Thanh tra)- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế chuẩn bị ban hành thông tư về danh mục sữa dành cho trẻ em. Thông tư này dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2013.

Theo Dự thảo Thông tư, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 15 Luật Giá bao gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 - 36 tháng tuổi. Sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trước đó, trước những diễn biến bất thường của thị trường sữa, Bộ Tài chính đã có Công văn số 170/CQLG-NLTS ngày 7/8/2013 về việc tên gọi mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa. 17/18 doanh nghiệp (sản xuất, kinh doanh, phân phối của hầu hết các loại sản phẩm có mặt trên thị trường hiện nay) đã gửi báo cáo về Bộ Tài chính, nêu rõ: Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế thì hiện nay không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của Bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tên được chính thức sử dụng trên nhãn mác sản phẩm là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Giá (số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), chỉ có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của Nhà nước. Như vậy, vì thay tên gọi mới nên các sản phẩm sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức trước đây là sữa nên thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, nay không gọi là sữa nên sẽ không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Cũng bởi không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá nên từ tháng 4/2013 đến nay không có đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã làm việc với Bộ Y tế, Bộ Công thương về việc quản lý giá sữa. Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này. Nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá thực hiện biện pháp theo quy định của Luật Giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Trước việc “đánh tráo khái niệm” liên quan đến sữa này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Alive & Thrive (Sống và Phát triển) đã phát đi thông cáo bày tỏ sự “rất quan ngại đến việc ghi nhãn và tiếp thị các sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang được bán ở Việt Nam”.

Theo các tổ chức quốc tế, việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” khiến những sản phẩm này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Tài chính. Đồng thời, việc ghi nhãn không đúng ảnh hưởng đến việc thực thi Luật Quảng cáo, trong đó quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1/2013. Bên cạnh đó, sử dụng thuật ngữ “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” để gọi sữa công thức cũng đang gây hiểu lầm cho khách hàng và bỏ qua những khuyến cáo rõ ràng về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được đưa ra dựa trên các bằng chứng toàn cầu. Trên hết, vấn đề không chỉ đơn thuần là các sản phẩm được bán với giá quá cao, mà sức khỏe của trẻ em Việt Nam còn có khả năng bị đe dọa.

“Để bảo đảm an toàn cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ em Việt Nam, WHO, UNICEF và Alive & Thrive khuyến nghị mạnh mẽ Bộ Y tế và Bộ Tài chính xếp sữa công thức đúng vào hạng mục sữa. Điều này không chỉ bảo đảm giá các sản phẩm được quản lý chặt chẽ mà còn tuân thủ các quy định về quảng cáo trong Luật Quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ” - thông cáo chung của các tổ chức quốc tế nhấn mạnh.

Minh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm