Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát để đấu tranh với các luận điệu thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đan Quế

Thứ năm, 29/06/2023 - 10:07

(Thanh tra) - “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”. Đây là nội dung Điều 30, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, được qui định tại Điều lệ Đảng. Ảnh: ĐQ

Cần nhiều giải pháp để chống lại luận điệu thù địch

Trong 93 năm qua, kiểm tra, giám sát là hoạt động không thể thiếu trong lãnh đạo và quản lý của Đảng, ở tất cả các khâu, các cấp của quy trình lãnh đạo và quản lý. Bên cạnh nhiều thành công lớn trong bảo vệ, đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, hạn chế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên đã được các hội nghị Trung ương chỉ ra là do chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát.

Bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, tổ chức Đảng có sức chiến đấu cao hơn, đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn”. (Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 12/2021). Đây là quan điểm kế thừa lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. (Hồ Chí Minh, “Sửa đổi lối làm việc”).

Điều đáng để chúng ta suy ngẫm là thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã lợi dụng, thậm chí là tận dụng mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo, thậm chí đả phá vào việc chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nói trên. Không chỉ sử dụng internet, mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Zalo... và các phương tiện truyền thông khác như các đài phát thanh, truyền hình VOA, RFA, BBC, RFI... để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó lường; các thế lực thù địch cố tình bóp méo chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng, “nhấn mạnh” cái gọi là “nguyên nhân của những tiêu cực” xuất phát từ công tác nhân sự. Chúng đưa thông tin về các kết luận kiểm tra, thanh tra thành các bài viết, phỏng vấn, trao đổi, bình luận với những luận điệu như: Công tác nhân sự của Đảng, nhất là nhân sự cấp cao “là cuộc “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”, “thủ tiêu đối phương”, “theo lợi ích nhóm”… Thậm chí, xung quanh kết luận kiểm tra, thanh tra tại một địa phương, một đơn vị hay quyết định kỷ luật cán bộ, các đối tượng này còn đào xới thông tin về gia cảnh, gia thế xem con cháu ai, qui kết là “cánh hẩu của ai” để bình luận là “nhóm lợi ích” hay “thanh trừng nội bộ”. Ở một góc độ nào đó, việc đào xới không kiểm chứng và qui kết “nhóm lợi ích” hay “thanh trừng nội bộ” không chỉ là cái nhìn lệch lạc, phiến diện mà còn ảnh hưởng đến nhận định, đánh giá của các cán bộ, đảng viên và nhân dân không có đủ thông tin, không vững vàng trong nhận thức, tư tưởng. Cùng với việc ráo riết lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình chống tham nhũng, tiêu cực hòng kích động, gây chia rẽ, tạo nghi ngờ trong các tầng lớp nhân dân; gây mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta, việc qui kết sống sượng về “nhóm lợi ích” hay “thanh trừng nội bộ” không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, đơn vị, tổ chức Đảng trực tiếp được kiểm tra, thanh tra mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng ta.

Cần nhiều giải pháp để đấu tranh với các luận điệu thù địch. Đó là tạo “thế trận lòng dân”, tăng cường an ninh nhân dân trên không gian mạng. Là đảm bảo thực thi Luật An ninh mạng. Là đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Là nhận diện và đập tan các luận điệu phản cách mạng ngay bên ta và xung quanh ta. Là cần một sự tỉnh táo, cảnh giác để phản bác các luận điệu đi ngược với hệ tư tưởng của Đảng. Là đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi lợi dụng internet và mạng xã hội truyền bá các luận điệu xảo trá chống phá Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam…

Cần đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Trong số các giải pháp đó, cần và rất cần đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để đấu tranh với các luận điệu thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Trước hết, cần trở lại quan điểm gốc của chức năng kiểm tra, giám sát. Nguyên tắc rất quan trọng trong quy định của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đó là: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục vi phạm, khuyết điểm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe, giáo dục”. (Điều 2 Quy định 22-QĐ/TW ban hành ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng).

Kịp thời phát hiện nhân tố mới, nhân tố tích cực là yếu tố rất quan trọng.

Thời gian qua, việc kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy qua kiểm tra, giám sát còn yếu, nếu không nói là chưa được chú trọng. Việc lan tỏa các tấm gương đảng viên tốt, tổ chức Đảng tốt không được phát hiện ở cơ chế kiểm tra, giám sát mà thuần túy là đánh giá định kỳ theo cơ chế khen thưởng, tổng kết năm, sơ kết các chương trình, hoạt động nào đó. Nói đến kiểm tra, giám sát là ai cũng nghĩ ngay đến vi phạm, sai phạm, đến “vết”, đến “lỗi”… Từ đó dẫn đến tâm lý dè chừng, e ngại, thậm chí cả cảnh giác, nghe ngóng và làm trì trệ công việc khi mới có thông tin là sẽ có kiểm tra hay giám sát. Đối với các phần tử cơ hội hoặc đối với các thế lực thù địch thì thời gian làm việc của một đoàn kiểm tra, giám sát lại rất có thể là thời gian chúng đào xới thông tin, phỏng đoán, móc nối các câu chuyện, con người không liên quan gì để bình luận kiểu “là cuộc “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”, “thủ tiêu đối phương”… Như vậy, kiểm tra và giám sát đã mất đi nguyên tắc đầu tiên, cơ bản để trở thành hoạt động hàng ngày, thường xuyên, liên tục của người lãnh đạo tổ chức đảng, của tổ chức đảng. Về lâu về dài, điều đó là bất hợp lý và là một điểm yếu để thế lực thù địch có thể lợi dụng, bôi đen.

Bên cạnh đó, việc “bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung” cũng chưa thực sự ăn sâu, bám rễ vào cuộc sống. Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã nêu rõ, việc bảo vệ người tố cáo “vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm... Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu ở không ít nơi chưa quan tâm đến công tác này. Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể. Công tác giải quyết tố cáo trong một số trường hợp còn để kéo dài, có biểu hiện bao che người bị tố cáo. Kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng, trong khi những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo ngày càng tinh vi, khó phát hiện”. Như vậy, một lần nữa, chức năng kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, của người lãnh đạo tổ chức Đảng lại chưa được thực hiện tốt.

Ngoài ra, việc “chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng qua kiểm tra, giám sát” cũng chưa thực sự được làm tốt. Do vậy mới dẫn đến việc, cứ Cơ quan Kiểm tra Trung ương vào cuộc là phát hiện sai phạm lớn, ở nhiều cán bộ, cá nhân, nhiều bộ phận trong tổ chức Đảng.

Có thể nói, cả 3 nguyên tắc cơ bản của kiểm tra, giám sát theo Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nói trên đều chưa thực sự kiên cố, vững vàng để thế lực thù địch không thể vặn vẹo, xuyên tạc, lợi dụng. Do vậy, trong số các giải pháp để đấu tranh với các luận điệu thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đổi mới chính công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Trước hết, cần phân định rõ, công tác kiểm tra và công tác giám sát là hai công tác độc lập, có nhiều điểm tương đồng. Do vậy, cần phân biệt rõ nội dung, phương pháp của công tác kiểm tra và công tác giám sát để thực hiện có chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng là một yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cần rõ ràng giữa kiểm tra thường xuyên và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát thường xuyên và giám sát việc hoạt động sau khi đã được kiểm tra có vi phạm. Việc kiểm tra, giám sát cần phải luôn được chú trọng ở tất cả các tổ chức Đảng, từ cấp cơ sở trở lên; gắn liền với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và cần đảm bảo đúng các nguyên tắc đã nêu ở trên.

Cần xây dựng các bản tin ngắn, cập nhật về kết quả kiểm tra, giám sát để cung cấp tại họp chi bộ

Thứ 2, kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước. “Đánh giá về ưu điểm” hay “kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy” trong nguyên tắc kiểm tra, giám sát theo Quy định số 22-QĐ/TW cần được chú trọng hơn, làm đậm nét hơn; thậm chí, cần có biểu thống kê số liệu ở qui mô toàn Đảng, định kỳ, thường xuyên, liên tục. Đây chính là nguyên tắc lan tỏa cá nhân tốt, tổ chức tốt; nêu gương để cùng tiến bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Khi cái vi phạm, cái sai phạm trở nên ít đi, trở thành thiểu số thì kẻ xấu và thế lực thù địch không thể bóp méo để lôi kéo hay sử dụng các luận điệu thù địch để bôi nhọ, chống phá đảng ta.

Thứ 3, còn cần đổi mới trong cung cấp thông tin về kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đã đến lúc cần xây dựng các bản tin ngắn, cập nhật về kết quả này để cung cấp tại họp chi bộ theo hướng phân luồng thông tin, có cơ chế chịu trách nhiệm về thông tin. Điều này không chỉ giúp đổi mới sinh hoạt chi bộ mà còn tránh được việc từ cán bộ cấp cơ sở đến cán bộ cấp Trung ương đều bị thế lực thù địch réo tên, bôi nhọ, qui kết. Việc công bố kết quả các chuyên đề về kiểm tra, giám sát và nhận diện các dạng sai phạm thông qua sinh hoạt chi bộ định kỳ chính là tăng cường về nhận thức, tư tưởng cho đảng viên vậy!

Các giải pháp nêu trên là không đầy đủ, cần nghiên cứu sâu hơn nhưng đó là kiến nghị để thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII: “Phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.

Trần Trung

17:51 22/11/2024
Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm