Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điểm chuẩn dự kiến tăng vọt

Thứ năm, 20/08/2015 - 17:44

(Thanh tra) - Ngày 20/8 - ngày cuối cùng xét tuyển đợt 1 vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), nhiều thí sinh vẫn quay cuồng rút - nộp hồ sơ vì điểm chuẩn dự kiến của các trường liên tục “nhảy múa”.

Thí sinh căng thẳng tính toán nộp - rút hồ sơ trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 tại ĐH Thuỷ lợi. Ảnh: Hải Hà

Theo ghi nhận của phóng viên trong 2 ngày cao điểm (19 và 20/8) điểm chuẩn tạm thời của nhiều trường ĐH như: ĐH Thủy lợi, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, Học viện Ngân hàng… liên tục tăng. Có nhiều ngành ở một số trường tăng cao từ 3 - 4 điểm.

Ông Trần Khắc Thục - Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi cho biết: Tính riêng sáng 20/8, có hơn 200 hồ sơ nộp vào trường. Đáng lưu ý, điểm nộp vào của các em rất cao, từ 19 trở lên, đẩy điểm chuẩn dự kiến của hầu hết các ngành tăng lên mức đáng kể, nhiều ngành tăng lên 2 điểm so với ngày 18/8 như: Công nghệ thông tin (từ 16 lên 18 điểm); kỹ thuật công trình giao thông (17 lên 19 điểm); kỹ thuật công trình xây dựng (18 lên 20 điểm)… “Theo dõi sát tình hình, nhiều thí sinh điểm mấp mé, hoặc ngang ngửa với điểm chuẩn dự kiến, sáng 20/8 đã đến trường rút hồ sơ, riêng trong buổi sáng đã có 300 hồ sơ được rút ra (bằng tất cả các ngày trước cộng lại). Số hồ sơ nộp qua đường bưu điện về trường rất ít chỉ 300 - 400 bộ, nên dự kiến ngay trong sáng 21/8, nhà trường sẽ công bố điểm chuẩn chính thức”.

Ngày cuối xét tuyển nguyện vọng 1, điểm chuẩn vào ĐH Y Hà Nội tiếp tục tăng. Nếu như cách đây 3 ngày, trường công bố mức điểm chuẩn dự kiến ngành Y đa khoa là 27,5 điểm thì trong sáng 20/8, điểm chuẩn vào ngành này tăng 0,25 điểm; ngành Dinh dưỡng tăng lên 1 điểm. Hiện tại, ngành Y đa khoa có điểm trúng tuyển dự kiến cao nhất là 27, tiếp đến là Răng hàm mặt với 26,75 điểm.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sau 2 ngày công bố điểm chuẩn dự kiến, mỗi ngày đều tăng lên 0,5 - 1,5 điểm. Ví dụ, ngành Kế toán ứng dụng, Marketing tăng 1 điểm. Đặc biệt, ngành chương trình Định hướng ứng dụng tăng lên 4,75 điểm (tiếng Anh nhân hệ số), ngành Kinh tế Quốc tế tăng 2,25 điểm.

Tại ĐH Ngoại thương, đến sáng 20/8, mức điểm trúng tuyển tạm thời tăng 0,25 so với ngày trước đó, điểm cao nhất là 27,25.

Điểm chuẩn dự kiến khối C lên tới 27,25

Điểm chuẩn dự kiến khối C năm nay tăng vọt. Tại ĐH Luật Hà Nội, ngày 20/8 điểm chuẩn dự kiến vào ngành Luật Kinh tế khối C lên tới 27,25 điểm; ngành Luật là 25,5. Mặc dù đây là mức điểm đã giảm so với ngày 2 ngày trước đó lần lượt là 0,25 và 0,5 điểm.

Trường ĐH Công đoàn, điểm chuẩn dự kiến vào ngành Luật khối C cũng khá cao 21 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2014).

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, điểm chuẩn trong ngày chót tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng 2 điểm so với những ngày trước đó, tính đến sáng 20/8 điểm chuẩn dự kiến ngành cao nhất là 23, thấp nhất là 20. Thí sinh đến trường trong ngày cuối cùng này đông chủ yếu là rút hồ sơ và điều chỉnh nguyện vọng, ít hồ sơ nộp vào nên dự kiến điểm chuẩn chính thức vào trường sẽ như ngày cuối cùng.

Cá biệt, tại Trường ĐH Luật Hà Nội, điểm chuẩn có ngành tăng vọt, có ngành lên gần 4 điểm. TS Lê Đình Nghị, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, so với điểm chuẩn dự kiến được công bố sáng 17/8 thì điểm các ngành lấy theo tổ hợp khối D1 tăng lên nhiều. Cụ thể: Ngành Luật tăng 2 điểm (từ 18,25 lên 20,25 điểm); ngành Ngôn ngữ Anh tăng gần 4 điểm (từ 20,92 lên 25 điểm). Từ ngày 18 đến nay tương đối ổn định ở mức khá cao, ngành cao điểm nhất là Luật Kinh tế (khối A 24,75; khối C 27,25; khối D1 23,25).

Cần điều chỉnh

Kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ nhiều người ví von, xét tuyển kiểu này chả khác gì “nông dân chơi chứng khoán”, hay đi “đánh bạc”…  Là người trong cuộc, lãnh đạo nhiều trường ĐH thẳng thắn bày tỏ, cách xét tuyển này cần được điều chỉnh.

Công bố điểm trúng tuyển trước 25/8

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn các trường ĐH, CĐ về việc công bố điểm trúng tuyển trước ngày 25/8. Theo đó, các trường tổng hợp dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh nộp trực tiếp tại trường, qua đường bưu điện và dữ liệu thay đổi nguyện vọng từ các Sở GD&ĐT và công bố công khai danh sách các thí sinh vào các ngành của trường trước 18 giờ ngày 21/8.

Các trường ĐH, CĐ tiếp nhận các phản ánh của thí sinh, hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét tuyển của trường và từ 18 giờ ngày 22/8, cập nhật lần cuối lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ toàn bộ danh sách thí sinh đăng ký vào trường và nhận dữ liệu từ hệ thống để xét tuyển.

Với những bất cập trên, ông Lập đề nghị Bộ GD&ĐT cần giao tuyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Bộ chỉ cần nắm 2 vấn đề là chỉ tiêu tuyển sinh và ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Để tạo thuận lợi cho các trường top dưới lọc được thí sinh điểm cao từ các trường top trên 1 năm Bộ nên cho phép tuyển sinh 2 lần vào mùa Thu và mùa Xuân.

Cho rằng cách với cách xét tuyển năm nay, các trường được lợi là không phải tổ chức thi, nhưng ông Lê Việt Anh, Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cũng thẳng thắn thừa nhận: Cách xét tuyển này khiến các trường hoàn toàn bị động, từ nhân sự, phương thức tổ chức, thu nhập hồ sơ, đến thống kê số liệu. Còn thí sinh, nhất là thí sinh ở ngưỡng mấp mé thì hết sức vất vả vì phải theo dõi phổ điểm từng giờ. Việc điều chỉnh nguyện vọng với thí sinh ở vùng sâu vùng xa cũng gặp khó khăn, phải đi lại mất, thời gian, tốn kém. Đặc biệt, việc 1 thí sinh có tới 4 nguyện vọng được ưu tiên ngang nhau là không hợp lý, cần phải điều chỉnh ngay trong đợt xét tuyển sau; thời gian 1 đợt xét tuyển cũng quá dài nên rút lại còn 15 ngày tránh gây mệt mỏi cho thí sinh và nhà trường.

Còn TS Lê Đình Nghị, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật cho rằng: Cách tuyển sinh này không nói trước được điều gì, rất bấp bênh. Việc cho phép thí sinh không chỉ nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mà còn nộp qua đường bưu điện, rồi thay đổi nguyện vọng qua Sở GD&ĐT gây khó khăn cho các trường trong thu nhập dữ liệu. Ông Nghị đề xuất, thí sinh cần phải được nộp hồ sơ trực tuyến, công khai ngay kết quả đứng thứ bao nhiêu, để tránh tính trạng thí sinh điểm cao vẫn bị trượt vào phút chót.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm