Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dịch lở mồm long móng “tấn công” 39 tỉnh, thành phố

Thứ bảy, 09/04/2011 - 02:00

(Thanh tra)- Từ một vài ổ dịch nhỏ, do nhận thức chủ quan của không ít lãnh đạo các cấp và người chăn nuôi, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã tấn công vào 39 tỉnh, TP làm gần 134.000 gia súc mắc bệnh, gây thiệt hại lớn không chỉ về kinh tế mà còn đe dọa sự tăng trưởng ngành Chăn nuôi. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, nếu các ngành và các cấp địa phương không quyết liệt thì nguy cơ dịch bệnh gây hiệu ứng dây chuyền sang các loại dịch bệnh khác sẽ xảy ra.

Cán bộ thú y kiểm tra dịch bệnh gia súc

 1.001 nguyên nhân

Cục Thú y cho biết, đợt dịch LMLM bắt đầu từ tháng 9/2010 và kéo dài cho đến nay, xảy ra ở 1.680 xã, phường, thị trấn của 241 huyện, quận, thị xã thuộc 39 tỉnh, TP. Tổng số gia súc mắc bệnh cho đến nay đã lên tới 133.825 con, gồm: 67.829 con trâu, 23.550 con bò, 1.489 con dê và gần 41.000 con lợn. Trong đó, số gia súc phải tiêu hủy là gần 36.500 con. Dịch bắt đầu lan rộng vào giữa tháng 11/2010 và đạt cao điểm vào tháng 1/2011, sau đó giảm xuống nhưng lại tiếp tục bùng phát vào tháng 2/2011. Bệnh dịch xảy ra tập trung trên địa bàn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, trong đó nặng nhất là ở các tỉnh: Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tiền Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và Kon Tum. Hiện, cả nước còn 29 tỉnh có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày.

Thể hiện quyết tâm trong phòng, chống dịch bệnh LMLM, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã bắt đầu triển khai các cuộc thanh tra đột xuất việc quản lý và sử dụng vắc-xin LMLM tại các tỉnh và đơn vị. Trong đó, tập trung vào các tỉnh phía Nam, nơi tình hình dịch bệnh đang xảy ra phức tạp.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo, kể từ ổ dịch ghi nhận vào ngày 29/11/2010 đến nay, Hàn Quốc (nước xuất khẩu gia súc) cũng đã có 149 ổ dịch tại 6 tỉnh và 4 TP làm hơn 3,37 triệu gia súc bị tiêu hủy… gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 1,8 tỷ USD. Với Việt Nam, nếu chúng ta không quyết liệt và có ý thức về tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh thì thiệt hại cũng sẽ không nhỏ.

Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm bức xúc, việc để xảy ra dịch trên diện rộng có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác kiểm dịch tại chỗ ở các địa phương gần như bị tê liệt. Đồng thời, phòng dịch được xác định là biện pháp chính thì các địa phương lại làm không tốt; một số tỉnh không lấy mẫu chẩn đoán khi có dịch, thậm chí còn đối phó, né tránh khi báo cáo sai triệu chứng dịch bệnh. Thêm vào đó, việc tiêm phòng vắc-xin cũng chưa đầy đủ, nhất là các tỉnh nằm trong chương trình tiêm vắc-xin khống chế của quốc gia tiêm không triệt để, không đúng kỹ thuật dẫn tới không hiệu quả. 

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát vận chuyển gia súc mắc bệnh cũng đang rất nhức nhối. Yên Bái và Đắk Lắk là 2 tỉnh có trâu bò của dự án hỗ trợ nông dân vận chuyển tới gây lây lan dịch bệnh. Đáng nói, nhiều địa phương thả nổi vấn đề tổ chức chống dịch hoặc chỉ triển khai phòng chống dịch trên giấy, khi dịch xảy ra trên diện rộng mới biết. Phần lớn địa phương có dịch nhưng không xây dựng trạm chốt kiểm dịch tạm thời, không thống kê gia súc mắc bệnh và không áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại… 

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, có 2 nguyên nhân khách quan đặc biệt dẫn tới tình hình dịch bệnh LMLM xảy ra phức tạp. Đó là vi-rút tuýp O (PanAsia) năm nay lan trên diện rộng hơn so với vi-rút tuýp O (Myanmar 98) và làm chết nhiều gia súc hơn; đồng thời, thời tiết miền núi phía Bắc năm nay lạnh sâu hơn khiến sức chịu đựng của gia súc kém (chỉ tính riêng đợt rét cuối tháng 3 làm chết hơn 10.000 con). Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức chủ quan của nhiều lãnh đạo các cấp và người chăn nuôi cho rằng, bệnh LMLM không nghiêm trọng, không chết nhiều gia súc và vẫn chữa khỏi được… Thậm chí, có những địa phương, chính quyền còn làm ngơ với dịch, tạo điều kiện cho buôn bán gia súc mắc bệnh.

Cần khẩn trương tiêm vắc-xin đợt 1 năm 2011

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đề nghị Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ vắc-xin đến các tỉnh. Theo chỉ đạo của Bộ, tiêm phòng vắc-xin LMLM 5 năm liên tục, nhưng vắc-xin hiện không có, tỉnh cũng đầu tư một phần kinh phí để chủ động mua vắc-xin có chứa kháng nguyên O 3039 (loại  hiệu quả cho cả 2 loại vi-rút lưu hành ở Việt Nam là PanAsia và Myanmar 98) nhưng rất khó. 

Tán thành với ý kiến này, nhiều tỉnh cho rằng, Bộ NN&PTNT nên sớm phê duyệt Chương trình Quốc gia Khống chế bệnh LMLM giai đoạn 2 (2011 - 2015) để chủ động cấp vắc-xin cho các tỉnh, TP có thể tiêm phòng ngay đợt 1 của năm 2011, bởi lượng vắc-xin hiện tại không đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, Cục Thú y cần hỗ trợ mạnh các địa phương trong việc lấy mẫu, kiểm nghiệm chủng vi-rút, tránh gây lúng túng cho các địa phương khi xảy ra dịch.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các cấp, các ngành, địa phương cần ý thức được tính nguy hiểm cũng như nguyên tắc phòng bệnh LMLM là chính. Do đó phải công khai, phổ biến cho nhân dân biết rõ tính nguy hiểm và chủ động phòng chống. Đây là điều vừa qua ta không làm được. Bộ NN&PTNT cũng nhận khuyết điểm trong giám sát dịch tễ và cung ứng vắc-xin có phần chưa đáp ứng được yêu cầu. Các địa phương cũng phải nghiêm túc nhận khuyết điểm về những điều chưa làm được và toàn ngành, các địa phương phải kiên quyết phối hợp phòng, chống dịch bệnh.

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm