Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con

Thái Hải

Thứ hai, 28/06/2021 - 23:18

(Thanh tra) - Cha mẹ đều ít nhiều đặt kỳ vọng vào những đứa con của mình. Điều này xuất phát từ tình yêu thương, bởi bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn và nỗ lực dành cho con em mình những gì tốt nhất và mong muốn con có cuộc sống tốt đẹp, thành công. Vì thế, rất nhiều cha mẹ đặt áp lực vào con cái trong chuyện học tập, lựa chọn nghề nghiệp theo ý mình mà quên mất các con cũng có những suy nghĩ, mong muốn ước mơ riêng.

Toạ đàm trực tuyến “Ước mơ của con - Kỳ vọng của cha mẹ”. Ảnh: PV

Cha mẹ đặt kỳ vọng sẽ gây áp lực cho con

Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam ngày 28/6, Cục Trẻ em của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện Toạ đàm trực tuyến “Ước mơ của con - Kỳ vọng của cha mẹ” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children).

Tại hội thảo, các diễn giả cho biết, trong chuỗi hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được MSD thực hiện vào tháng 4 vừa qua tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình. Các em cho rằng mình chưa thực sự được lắng nghe và tham gia các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí… Đơn cử, một học sinh ở Hải Phòng chia sẻ: "Khi con đã cố gắng rồi mà điểm vẫn không được như mong muốn của bố mẹ, có cách nào để bố mẹ không đặt áp lực không ạ?”.

Việc các bậc phụ huynh không thật sự thấu hiểu con, gò ép con sống theo lý tưởng của bố mẹ, kỳ vọng quá nhiều dẫn đến gây áp lực cho con vẫn còn khá phổ biến.

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc cha mẹ đặt kỳ vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Hiện nay, trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn.

“Mong muốn, kỳ vọng thì không sai nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của trẻ, có những kỳ vọng rất lớn thì sẽ tạo ra cho con trẻ sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau. Chúng ta không thể bắt một trẻ có thiên hướng về âm nhạc hội họa đi học bác sĩ. Khả năng con mình chỉ có vậy nhưng lại yêu cầu con phải học trường chuyên lớp chọn. Nếu trẻ có làm thì cũng không cảm thấy thoải mái, chỉ là chống đối. Vì vậy, chúng ta cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ. Chúng ta cần dõi theo trẻ, hướng trẻ để làm sao trẻ đều có thể theo đuổi ước mơ và chúng ta cũng đạt được kỳ vọng, để trẻ không cảm thấy bị bố mẹ ngó lơ suy nghĩ, ý kiến của mình”, ông Quý nhấn mạnh.

Bình luận các quan niệm của cha mẹ và con cái về khoảng cách giữa ước mơ của con, kỳ vọng của cha mẹ, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng, cha mẹ thường lấy lý do “vì con" và “cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con" để nguỵ biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Cha mẹ đã quên mất hồi còn bé mình cũng là một cá nhân có những suy nghĩ độc lập với cha mẹ, có ước mơ và những định hướng của riêng mình cần được tôn trọng.

"Tôi tin rằng cha mẹ “vì lợi ích tốt nhất của con", “hiểu con" cần đồng nghĩa với việc tạo môi trường và những điều kiện, nền tảng cho con được học tập, khám phá điểm mạnh, tiềm năng của bản thân. Cha mẹ nên lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp chứ không phải là gò ép con theo ý mình. Ngoài ra, quan niệm của cha mẹ “tôi làm thế để con thành công" cũng cần phải thay đổi. Quá trình con được trải nghiệm, rèn giũa, đưa ra các quyết định độc lập cho tương lai của mình và cả quyết định sai và biết sửa chữa, khắc phục, đứng lên từ thất bại cũng quan trọng, cũng là thành công của con”, bà Phương Linh nêu quan điểm.

Bà Linh chia sẻ một bí kíp hành động cho cha mẹ với chữ ACT, trong đó A là accompany - đồng hành cùng con; C - commitment và communication: Cam kế tôn trọng con và trao đổi nói chuyện với con hàng ngày; và T là time - dành thời gian chất lượng cho con. 

Cha mẹ vừa là người lắng nghe, vừa là người hướng dẫn, cổ vũ con

Tại tọa đàm, các diễn giả đã sôi nổi thảo luận, chia sẻ và trả lời các câu hỏi của khán giả về những cách thức để cha mẹ có thể đồng hành, truyền động lực cho con cái cũng như thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói của trẻ em trong gia đình. Các diễn giả đều đồng ý rằng bố mẹ hãy lắng nghe con cái nhiều hơn.

PGS.TS Lê Văn Hảo, chuyên gia tâm lý gợi ý phương pháp để cha mẹ và con cái có tiếng nói chung, trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta đều nên duy trì mối quan hệ tốt với con để đem lại ảnh hưởng tích cực. Phần lớn mâu thuẫn trong gia đình đều tiếp tục khi không có giao tiếp hoặc giao tiếp không phù hợp khiến cho một trong hai bên bị tổn thương.

Con có thể thay đổi cách truyền đạt nguyện vọng với cha mẹ một cách phù hợp. Cha mẹ cũng có thể thay đổi cách tương tác, lắng nghe con, chuyển từ áp đặt sang hỗ trợ. Cha mẹ phải hiểu con thì mới có thể hỗ trợ con. Như vậy, cha mẹ vừa là người lắng nghe, vừa là người hướng dẫn, cổ vũ con. Khi chúng ta thay đổi, thì kết quả sẽ thay đổi.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy đồng hành với con càng sớm càng tốt. Từ việc đồng hành với con từ bé, chúng ta sẽ trở thành một người bạn, trở nên thân thiết với con. Từ đó, tạo cho con niềm tin để khi trưởng thành, cha mẹ sẽ không phải "rình rập" xem con mình đang gặp vấn đề gì mà con có thể tự chạy về tìm bố, mẹ để kể ra vấn đề, trăn trở của mình. Đừng chờ đến khi con 14 - 15 tuổi mới làm bạn với con, lúc đó giữa cha mẹ và con đã có khoảng cách rồi thì sẽ rất khó.

Bà Nguyễn Phương Linh gợi ý các phụ huynh hãy nghiêm túc trong việc tôn trọng và lắng nghe con, dành thời gian để nói chuyện và trao đổi với con ít nhất một giờ có chất lượng hàng ngày ngay từ khi con còn nhỏ. Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con.

Bà Linh nhấn mạnh: “Trẻ em cần học để lớn khôn, cha mẹ cũng cần học tập các phương pháp giáo dục tích cực để là động lực, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, tối đa hoá các tiềm năng của mình. Chúng tôi luôn đồng hành cùng cha mẹ trong tiến trình cùng con khôn lớn”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm