Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Con đường chưa biết khi nào mới đến đích

Thứ hai, 22/10/2012 - 13:37

(Thanh tra) - “Nếu những mong muốn mà thành hiện thực thì tôi mong rằng, tất cả phụ nữ Việt Nam đều được hạnh phúc và được các thành viên trong gia đình ủng hộ, giúp đỡ để người phụ nữ nào cũng giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị Triệu Thị Thắm, Phó trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Kạn bắt đầu câu chuyện với PV Thanh tra Cuối tháng như vậy.

Chị Triệu Thị Thắm

Tôi đã phải đấu tranh rất nhiều

Chị vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày, kết quả có như mong đợi không?

+ Chuyến công tác vừa rồi, tôi được lãnh đạo phân công tham gia lớp tập huấn với nội dung “Kỹ năng tham mưu chiến lược”.

Đây là một nội dung mới đối với cán bộ Hội LHPN nói chung. Nội dung kiến thức về lĩnh vực này rất rộng, với thời gian chỉ có 3 ngày nên tôi cũng không dám kỳ vọng quá nhiều vào bản thân. Tuy nhiên, tôi và các đồng nghiệp đã được tiếp cận thêm một nội dung mới rất bổ ích để áp dụng cho công tác Hội đạt hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Chị có hay phải xuống cơ sở?

+ Là cán bộ Hội, việc đi công tác tại cơ sở là khá thường xuyên. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn lần thứ VII là tăng cường triển khai các hoạt động hướng về cơ sở nhằm thúc đẩy phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.

Thường, mỗi khi chồng phải đi công tác, tôi thấy các bà vợ có vẻ không vui lắm, dù biết đó là việc chẳng thể dừng. Đặc thù công việc trong quân đội của chồng chị cũng không cho phép anh giành nhiều thời gian cho gia đình. Chị cũng đi nốt thì thế nào?

+ Tuy công tác trong quân đội nhưng nơi công tác của “ông xã” tôi lại rất gần nhà, vì thế ngoài thời gian đi trực tại đơn vị, anh luôn giúp vợ việc nhà, chăm sóc con cái. Hai vợ chồng tự lên kế hoạch để vợ có thể đi công tác. Trường hợp không thể sắp xếp được thì phải nhờ ông nội của các cháu từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn trông nom, chăm sóc, tạo điều kiện cho tôi đi công tác.

Phản ứng của anh trước mỗi chuyến đi của chị? Động viên vợ hay ừ cho qua chuyện vì biết trước “có cản cũng không được”?

+ Tôi không phải là người phụ nữ tinh tế nên ít khi để ý phản ứng của “ông xã” ra sao? Chưa kể, anh ấy luôn điềm tĩnh nên khó biết được anh có buồn hay không? Có điều, từ khi còn yêu nhau, chưa kết hôn, ngày đầu đến ra mắt lãnh đạo cơ quan đã nhắc nhở lấy vợ làm cán bộ Hội là rất vất vả, thường xuyên phải đi công tác, cần phải biết chia sẻ với vợ, chính vì vậy, đôi khi nhiệm vụ yêu cầu phải đi công tác từ 4 giờ sáng thì “ông xã” cũng tình nguyện đưa vợ ra xe, và đón vợ từ cơ quan về nhà vào lúc 10 giờ tối không một lời phàn nàn.

Phụ nữ Bắc Kạn tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: Linh Mai Xa


Tôi biết, chị từng phải chuyển trường cho con từ Bắc Kạn về Thái Nguyên khi gửi các cháu cho ông, bà để đi học tại Hà Nội. Hẳn chị đã phải suy nghĩ, thậm chí dằn vặt rất nhiều?

+ Bố, mẹ chồng tôi đều đã nghỉ hưu; ông, bà hỗ trợ, giúp đỡ vợ chồng tôi rất nhiều trong việc chăm sóc con cái. Thực sự, nếu không có ông, bà chăm sóc các cháu thì chắc chắn tôi không thể học tập và công tác được như ngày hôm nay.

Trong năm qua, khi tôi đi học tại Hà Nội, con trai mới tròn 2 tuổi, con gái bắt đầu vào học lớp 6, nếu không chuyển trường cho cháu thì bố cháu cũng không thể vừa chăm sóc cháu, vừa hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và phải đấu tranh tư tưởng của bản thân bởi nhiều lý do: Ông, bà phải chăm sóc con nhỏ cho mình (đáng lẽ ra, ở lứa tuổi ấy phải được nghỉ ngơi, hưởng thụ), các con phải xa bố, mẹ… Thế nhưng, cuối cùng tôi cũng quyết định lựa chọn hướng đi cho bản thân, dù nhiều lúc ngậm ngùi thương con, thương ông vì đã để ông phải đóng vai người mẹ của con mình.

Trong vai trò làm vợ, làm mẹ, chị tự nhận thấy mình đã tròn?

+ Ngoài công việc, tôi dành tất cả thời gian cho việc chăm sóc gia đình… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận: Tôi chưa làm được nhiều cho chồng, cho các con. Không phải lúc nào chồng cần, con cần, tôi cũng có mặt bên cạnh.

Chồng và các con tôi, kể cả bố mẹ chồng tôi, đều là những người đã hết lòng chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ để tôi yên tâm công tác.

Phải nhìn nhận đúng vai trò, vị thế của phụ nữ

Phụ nữ làm công tác Hội Phụ nữ hẳn có nhiều thuận lợi?

+ Cũng có thể cho là thuận lợi bởi Hội là cơ quan đặc thù chỉ có nữ (rất ít nam giới); hội viên của tổ chức Hội là các tầng lớp phụ nữ, vì vậy phụ nữ dễ hiểu nhau hơn và cán bộ Hội là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của số đông phụ nữ.

Công tác Hội là công tác xã hội. Để triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua và 6 nhiệm vụ trọng tâm đòi hỏi đội ngũ cán bộ Hội phải có trình độ, năng lực và tâm huyết với nghề nghiệp đã chọn, không ngừng học tập để theo kịp thời đại đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ mới. Đồng thời, cần biết sắp xếp khoa học giữa công việc gia đình và công việc của cơ quan mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ban Chính sách - Luật pháp của Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn nơi chị đang công tác đã tham mưu cho cấp uỷ ban hành các văn bản thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” và thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trong từng giai đoạn như thế nào?

"Tôi nhớ mãi một buổi tối chồng tôi phải đi trực đêm. Trời mưa rất to, nhưng con gái cứ khóc đòi đi với bố, không chịu ở nhà với mẹ vì thời gian đó tôi đi công tác khá đều nên con gái đã quen theo bố vào đơn vị ngủ. Cuối cùng, chúng tôi phải chiều theo ý cháu".

Chị Triệu Thị Thắm

+ Ban Chính sách - Luật pháp mới được thành lập vào năm 2009, vì vậy việc tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 không chỉ của riêng Ban tôi.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU về quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai Nghị quyết số 11 ở các cấp…

Hội cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tham mưu cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2005 - 2010; giai đoạn 2011 - 2020.

Đâu là cái khó của người làm chính sách, luật pháp như chị?

+ Chưa có cơ chế cụ thể cho Hội thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Bản thân tôi không được đào tạo về chuyên môn luật, chưa được đào tạo các kỹ năng có liên quan đến việc tham gia xây dựng chính sách, luật pháp; phải tự nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi nên việc thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế.

Ngày nay, bạo lực gia đình (BLGĐ) đã không còn là câu chuyện của bản thân các gia đình nữa mà thực sự trở thành vấn đề xã hội. Công tác tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ có được các chị quan tâm?

+ Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội luôn quan tâm chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh triển khai thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bình đẳng giới…

Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động của Hội LHPN Việt Nam về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020.

Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu, tìm kiếm nguồn lực để xây dựng mô hình/địa chỉ tin cậy giúp đỡ nạn nhân BLGĐ.

Các chi hội trưởng phụ nữ ở các thôn là thành viên của các tổ hòa giải tại cơ sở, đồng thời là tuyên truyền viên pháp luật của cộng đồng. Hàng năm, các chi hội trưởng đã tham gia cùng tổ hòa giải giúp đỡ nhiều gia đình hòa thuận, ổn định cuộc sống.

Chị có thể chia sẻ về một số trường hợp thành công của công tác tuyên truyền?

+ Năm 2010, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN huyện Ba Bể phối hợp với các ngành liên quan có biện pháp can thiệp và giúp đỡ 1 em gái (bị gia đình ép tảo hôn, không cho đi học nữa mà đi lấy chồng, em gái không chịu nên bị gia đình mắng mỏ và đánh) hoàn thiện các thủ tục nhập học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Bể.

Có những chuyện có thể đóng cửa bảo nhau, nhưng xâm phạm đến thể xác, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, làm tổn hại cả thể xác và tinh thần của người khác, kể cả đó là vợ/chồng hay con cái mình thì hẳn cần đến những điều khác, ngoài tuyên truyền?

+ Đúng vậy, khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2008 đã quy định rõ người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hội LHPN và Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Kạn phát động Chương trình Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: Linh Mai Xa


Việc xây dựng gia đình văn hóa với các tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đã và đang được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong nhiệm vụ này, vai trò “xây tổ” của người phụ nữ cần được phát huy như thế nào?

+ Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Nhận thức được vai trò, vị trí quan trọng của gia đình nên Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XI đã đề ra nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, người phụ nữ có vai trò quan trọng là người vợ, người thầy đầu tiên của các con mình. Muốn làm tốt vai trò đó, đòi hỏi người phụ nữ phải có kiến thức, kỹ năng về giáo dục gia đình và tổ chức cuộc sống gia đình. 4 chuẩn mực hiện đại người phụ nữ cần có là: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Ngoài ra, phải tích cực tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” cũng như cần biết cách làm cho các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ công việc; động viên, khích lệ mọi thành viên trong gia đình sống đẹp, sống có ích và tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển.

Theo chị, phụ nữ và đàn ông đã thực sự có bình đẳng?

+ Ở một góc độ nào đó, phụ nữ và đàn ông đã được bình đẳng (tương đối). Nhưng, để đạt được tiêu chí bình đẳng trên cơ sở giới thì con đường đi đến bình đẳng chưa biết khi nào mới đến đích. Thời gian để đi đến đích ngắn hay dài do nhận thức của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội quyết định.

Trong nhà chị thì sao?

+ Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, vấn đề bình đẳng đạt được khoảng 80%. Bố chồng tôi là người rất thích nấu ăn nên thường vào bếp và chăm sóc các cháu rất khéo (cả cháu nội và cháu ngoại). Chồng tôi thì luôn quan tâm, giúp đỡ vợ việc nhà, chăm sóc con những khi tôi bận công việc.


Thành Nam Định (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm