Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS Hà Sơn Thái, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng ThS Hoàng Diệu Anh, Báo Thanh tra
Thứ năm, 08/06/2023 - 10:19
(Thanh tra) - Trong tiến trình toàn cầu hóa, Việt Nam ngày càng chịu tác động tiêu cực của báo chí, truyền thông và mạng xã hội phương Tây. Một trong những chiêu bài quen thuộc và rất nguy hiểm của các thế lực thù địch là thường xuyên lợi dụng tự do báo chí để xuyên tạc, bóp méo, cáo buộc vô căn cứ Việt Nam “không có tự do báo chí”. Vì vậy, cơ sở khoa học bác bỏ luận điệu này là vấn đề cấp bách hiện nay.
Ảnh minh họa: Vietnam+
Lý luận tiên phong chứng minh tính chất giả dối của luận điệu
Từ rất sớm, vấn đề “tự do báo chí” được tranh luận gay gắt ở phương Tây, nhất là trong ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn tự do cạnh tranh.
Đây là vấn đề được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác lúc bấy giờ rất quan tâm. Không phải ngẫu nhiên, C.Mác đã dành riêng một tác phẩm khá dài (71 trang trong tập 1, bộ "C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập") có tên "Những cuộc tranh luận của hội nghị dân biểu khóa 6 của tỉnh Ranh", trong đó, C.Mác đã dẫn: “Theo quan điểm của tư tưởng, thì hiển nhiên là tự do báo chí có một lý do biện hộ hoàn toàn khác với kiểm duyệt, bởi vì bản thân tự do báo chí là hiện thân của tư tưởng, là hiện thân của tự do, là cái tốt khẳng định; ngược lại, kiểm duyệt là hiện thân của sự không tự do, là cuộc đấu tranh của thế giới quan của bề ngoài chống lại thế giới quan của bản chất, nó chỉ có bản tính phủ định mà thôi. Không! Không! Không! Diễn giả kêu lên, ngắt lời chúng ta. Tôi trách cứ không phải hiện tượng; tôi trách cứ bản chất. Tự do là cái tội lỗi nhất trong tự do báo chí. Tự do tạo khả năng sản sinh ra điều ác, vì thế, tự do là điều ác. Tự do độc ác” (1).
Tự do báo chí đứng trên lập trường của ai, thực thi nhiệm vụ cho đảng phái chính trị và vì lợi ích của giai cấp nào mới là điều căn cốt. Vì vậy, trong tác phẩm "Những người cộng sản và các Hai-nơ-txen", Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo đảng là gì? Trước tiên là tiến hành những cuộc thảo luận, chứng minh, phát triển và bảo vệ những đòi hỏi của đảng, bác bỏ và lật đổ những tham vọng và những luận điểm của phe thù địch. Những nhiệm vụ của báo chí dân chủ Đức là gì? Chứng minh tính tất yếu của một nền dân chủ, rút ra tính vô dụng của hình thức cai trị hiện hành đại biểu cho lợi ích của tầng lớp quý tộc ở mức độ này hay mức độ khác, từ tình hình thiếu một chế độ lập hiến, trong đó chính quyền sẽ vào tay giai cấp tư sản, từ tình hình nhân dân không có điều kiện cải thiện tình cảnh của họ chừng nào họ còn chưa nắm được được chính quyền. Như vậy là báo chí phải làm sáng tỏ những nguyên nhân của sự áp bức của tầng lớp quan lại, tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản mà những người vô sản, những người tiểu nông và tiểu tư sản thành thị phải chịu” (2).
Ngay sau khi cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại thành công, trong “Dự thảo nghị quyết về tự do báo chí”, viết xong ngày 4/11/1917, đăng lần đầu ngày 7/11/1932 trên Báo “Sự thật”, số 309, V.I.Lênin đã vạch rõ bản chất cái gọi là “tự do báo chí” tư sản: “Giai cấp tư sản hiểu tự do báo chí là quyền tự do ra báo của bọn nhà giàu, là quyền của bọn tư bản chi phối báo chí, sự chi phối này trên thực tế đã làm cho báo chí ở khắp mọi nơi, trong tất cả các nước, kể cả những nước tự do nhất, đều mang tính chất vụ lợi. Chính phủ công nông hiểu tự do báo chí là giải phóng báo chí khỏi ách của tư bản” (3).
Như vậy, tự do báo chí là của giai cấp thống trị xã hội - là giai cấp tư sản và quý tộc phong kiến. Ngược lại, không có tự do báo chí đối với giai cấp bị trị - là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân cùng các giai tầng khác trong xã hội tư sản.
Nói cách khác, tự do kiểu tư sản là thứ tự do “tích lũy hai đầu”: Sự giàu có cho bọn nhà giàu, và sự khốn cùng cho công nhân. Về vấn đề này, trong bài "Đại hội I Quốc tế cộng sản", năm 1919, V.I.Lênin khẳng định: “Bọn tư bản bao giờ cũng gọi tự do làm giàu của bọn nhà giàu, tự do chết đói của công nhân, là ʺtự doʺ. Bọn tư bản gọi tự do báo chí là quyền tự do cho bọn nhà giàu mua chuộc báo chí, tự do cho chúng dùng tiền để tạo ra và giả mạo cái gọi là dư luận xã hội. Lại một lần nữa, bọn bảo vệ ʺdân chủ thuần túyʺ. Trong thực tế, vẫn tỏ ra là những kẻ bảo vệ cái hệ thống thống trị xấu xa nhất, vụ lợi nhất của bọn giàu có đối với các phương tiện giáo dục quần chúng, là những kẻ lừa dối quần chúng, dùng những câu trống rỗng bề ngoài tốt đẹp và hoàn toàn giả dối để làm cho quần chúng đi chệch nhiệm vụ lịch sử cụ thể, là giải phóng báo chí khỏi bị lệ thuộc vào tư bản” (4).
Trái lại, tự do báo chí của chủ nghĩa xã hội khác hẳn về chất so với của chủ nghĩa tư bản. Cụ thể, trong "Diễn văn đọc tại Đại hội I toàn Nga của những người làm công tác giáo dục và công tác văn hóa xã hội chủ nghĩa ngày 31/7/1919", V.I.Lênin đã so sánh: “Mọi người đã thấy báo chí ở nước ta, ở nước Nga ʺtự doʺ, là như thế nào rồi. Những ai đã quen thuộc với tổ chức báo chí trong các nước tư bản tiên tiến, trực tiếp xem xét nó hoặc có tiếp xúc với nó, thì lại càng thấy rõ điều đó hơn. Tự do báo chí, trong xã hội tư bản, là tự do mua bán báo chí và tự do gây ảnh hưởng đối với quần chúng nhân dân. Tự do báo chí là việc tư bản nuôi dưỡng báo chí, một công cụ tác động có sức mạnh vạn năng đối với quần chúng nhân dân. Đó là thứ tự do báo chí mà những người bôn‐sê‐vích đã xóa bỏ, và họ lấy làm tự hào rằng, lần đầu tiên họ đã giải phóng báo chí khỏi tay bọn tư bản, lần đầu tiên họ đã lập ra, trong một nước rộng lớn, những báo chí không phụ thuộc vào một nhúm nhà giàu và triệu phú, những báo chí hoàn toàn phục vụ cuộc đấu tranh chống tư bản, và chúng ta phải hướng mọi việc vào cuộc đấu tranh đó. Trong cuộc đấu tranh đó, chỉ có giai cấp vô sản công nhân là có khả năng lãnh đạo quần chúng nông dân chưa giác ngộ, mới có thể là bộ phận tiên tiến của những người lao động, là đội tiên phong của họ” (5).
Sự thật của tự do báo chí của chủ nghĩa tư bản mà bao năm nay chúng vẫn rêu rao được V.I.Lênin chỉ rõ trong "Thư gửi G. Mi‐a‐xni‐cốp" đề ngày 5/8/1921 đến nay vẫn đúng: “Trong tất cả các nước có bọn tư bản, tự do báo chí là tự do mua báo chí, tự do mua các nhà văn, tự do mua chuộc, tự do mua và chế tạo ra ʺdư luậnʺ có lợi cho giai cấp tư sản. Đó là một sự thật. Không ai có thể bác bỏ được sự thật đó” (6).
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong việc sử dụng báo chí kết hợp tính chính trị, thời sự với mục đích lâu dài; giữa lý luận cách mạng với thực tiễn đất nước và cụ thể từng vụ việc. Tư tưởng viết báo của Người là vì mục tiêu chính trị của Đảng và sự nghiệp cách mạng.
Trong những năm ở Paris, làm việc với báo chí tư sản, Người viết nhiều bài lên án đanh thép, vạch trần bản chất và tội ác của của thực dân Pháp, giác ngộ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, đoàn kết cứu nước, cứu nhà của nhân dân Đông Dương. Những bài báo đó được Người biên tập lại thành tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" (xuất bản ở Paris năm 1925). Người hiểu làm báo là để làm chính trị, làm cách mạng nên dù khó khăn vất vả mấy Người cũng cố gắng học. Khi gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, Người hướng vào việc nghiên cứu, vận dụng từng bước, đưa lên báo chí để truyền bá vào trong nước.
Một trong những mục tiêu mà Nguyễn Ái Quốc kiên trì đó là đấu tranh vì quyền tự do báo chí cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Vì vậy, từ rất sớm, trong "Lời phát biểu tại Đại hội Toàn quốc lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp", ngày 26/12/1920, Người đã kêu gọi: Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết mà không cần xét xử. Cái gọi là công lý Đông Dương là thế đấy! Ở xứ đó, người An Nam bị phân biệt đối xử, họ không có những sự bảo đảm như người châu Âu hoặc có quốc tịch châu Âu. Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có” (7).
Trong "Yêu sách của nhân dân An Nam", Nguyễn Ái Quốc đưa ra 8 yêu sách, trong đó, yêu sách thứ 3: “3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận” (8).
Hơn ai hết và không ai khác, Nguyễn Ái Quốc là người am hiểu tường tận và nhận rõ bản chất của báo chí tư sản, nhất là cái gọi là tự do báo chí của Pháp, Người viết: “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: Các báo Pháp như Báo "Phigarô", Báo "Nước Pháp buổi chiều"... một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo "giật gân", báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền... Tất cả những báo chí ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không? Không! Ví dụ Báo "Nhân đạo" thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: Nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó khăn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu...” (9).
Như vậy, sự thật đã rõ ràng!
Thực tiễn phong phú bác bỏ mọi cáo buộc
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về “tự do báo chí” để xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Vì vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã được sự quan tâm của Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản chỉ đạo về mục tiêu đấu tranh giành các quyền cơ bản của công dân, trong "Thư của Ban Phương Đông gửi Đảng Cộng sản Đông Dương" đề ngày 13/11/1930 đã viết: “Đấu tranh cho quyền của công nhân được tổ chức thành nghiệp đoàn, cho quyền tự do báo chí và tự do hội họp, nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được thoả hiệp về nguyên tắc hay đổi tính chất giai cấp hoặc đấu tranh giai cấp để lấy bất kỳ một "đặc quyền" hợp pháp nào” (10).
Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra mau lẹ, toàn bộ các dữ kiện thực tế chứng minh rằng, toàn cầu hóa là một xu thế khách quan bắt nguồn từ sự quốc tế hóa của sức sản xuất dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nhưng trong điều kiện hiện nay, xét từ mặt quan hệ sản xuất, mặt giai cấp, về cơ bản đó là quá trình tư bản độc quyền bành trướng ra phạm vi toàn cầu. Tính chất tư bản chủ nghĩa của toàn cầu hóa không khó thấy khi mà các nước tư bản chủ nghĩa giàu có nhất, các công ty tư bản xuyên quốc gia đang nắm trong tay những nguồn lực vật chất và phương tiện hùng mạnh nhất để tác động lên toàn thế giới như vốn, kỹ thuật, công nghệ, báo chí, truyền thông, các tổ chức và thể chế kinh tế, tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế. Họ nắm cả những phương tiện hùng mạnh nhất trong lĩnh vực sản xuất tinh thần và tác động tinh thần mà báo chí, truyền thông là một trong lĩnh vực họ chiếm ưu thế tuyệt đối, cả những nguồn lực quan trọng nhất về chất xám...
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa đó, trong Giải trình của Bộ Chính trị số 67/TLHN, ngày 2/3/2002 về tiếp thu ý kiến Trung ương về Đề án Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới ở mục “5. Về báo chí, xuất bản:
- Nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng lạm dụng quyền tự do báo chí để phản ánh không khách quan, tạo dư luận xấu trong xã hội; báo chí quyền thì nhiều, trách nhiệm thì ít, có một bộ phận phóng viên thoái hóa, biến chất, chạy chọt, làm tiền.
- Có ý kiến cho rằng tính định hướng tư tưởng của báo chí nước ta chưa cao, có tình trạng chạy theo thị hiếu tầm thường, nặng về quảng cáo...
Bộ Chính trị có ý kiến như sau:
Trước hết, cần phải khẳng định rằng: Báo chí nước ta là báo chí cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát và xây dựng của nhân dân…
Nhưng cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, khuynh hướng "thương mại hóa" vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả, thậm chí, trên một số mặt cụ thể còn có biểu hiện gia tăng. Cùng với khuynh hướng "thương mại hóa" là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ…” (11) đã cho thấy việc lạm dụng quyền tự do báo chí là có thật.
Hơn nữa, trong âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, chúng luôn cổ xúy cho cái gọi là “quyền lực thứ tư” của báo chí rất vô lý và phản động. Để thúc đẩy và hiện thực hóa cái gọi là “tự do báo chí” theo “tiêu chuẩn kép” của phương Tây, chúng tổ chức ra cái gọi là “Hội Nhà báo Việt Nam độc lập” nhằm đối lập với Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được pháp luật thừa nhận.
Mới đây, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RFS) lại một lần nữa điên cuồng, ảo tưởng khi tự ý đưa ra bảng đánh giá chỉ số tự do báo chí thế giới, ngang nhiên vô lối xếp Việt Nam đứng thứ 178/180 nước vì “đã truy quét, săn lùng các nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập”. Nhìn vào “bảng xếp hạng” cực kỳ vô căn cứ và mang màu sắc chính trị cực đoan của RFS, chúng ta dễ dàng nhận thấy, các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa luôn là mục tiêu trù dập về tự do báo chí của chúng (Trung Quốc thứ 179 và cuối cùng là Triều Tiên thứ 180).
RFS cũng chỉ là một tổ chức phi chính phủ, tự phong, tự sướng, không phải là tổ chức hợp pháp được Liên hợp quốc thành lập, không trực thuộc Liên hợp quốc. Tổ chức này do nhà báo người Pháp Robert Ménard thành lập năm 1985. Vậy RFS lấy tư cách gì để xưng tên, dám ngông nghênh phán xét nền báo chí của các quốc gia khác.
Thể chế hóa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về “tự do báo chí”, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định quyền này như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quy định này do pháp luật quy định”.
Luật Báo chí năm 2016, ngay tại Điều 1 quy định rất rõ: “Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý Nhà nước về báo chí”.
Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân.
Trên thực tế, “tự do báo chí” ở Việt Nam đã được xác lập và bảo đảm. Tự do báo chí ở Việt Nam được thể hiện rõ trên nhiều phương diện, chỉ tính số lượng cơ quan báo chí. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.
Như vậy, cả cơ sở lý luận và thực tiễn đều bác bỏ mọi cáo buộc Việt Nam không có tự do báo chí từ các thế lực thù địch.
Để tự do báo chí ở Việt Nam thực chất và củng cố, tăng cường là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm chính thuộc về báo chí: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng” (12) như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chú thích:
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản (Nxb) Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.83
(2) Sđd, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, tr.384
(3) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005 tr.58
(4) Sđd, V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, tr.604
(5) Sđd, V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, tr.155
(6) Sđd, V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, tr.96
(7) (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.34-35; tr.441
(9) (12) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.166; tr.166.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.281
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 61, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.304.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Ngọc Giàu
21:49 15/12/2024(Thanh tra) - Hàng loạt nhà thầu bị phát hiện vi phạm các quy định liên quan đến đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong giai đoạn 2022–2024.
Đông Hà
21:00 15/12/2024Nam Dũng
14:11 15/12/2024Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân