Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chúng ta nhìn về văn hoá một cách sâu sắc, toàn diện, có hệ thống, có chiều sâu

Trà Vân

Chủ nhật, 21/11/2021 - 09:51

(Thanh tra)- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương có những chia sẻ trước thềm Hội nghị Văn hoá toàn quốc.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: FBNV

Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

75 năm sau sự kiện quan trọng và có ý nghĩa lớn lao ấy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức, dự kiến vào ngày 24/11 tới.

Kế thừa, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào ngày 24/11 năm nay đúng vào thời khắc đất nước ta, sự nghiệp văn hóa của ta đang đứng trước một thời cơ, một bước ngoặt lớn - chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ hơn; chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tâm thế mới, khát vọng mới, trong rất nhiều lĩnh vực của kinh tế-xã hội, có lĩnh vực văn hoá.

“Chúng ta đã có quá trình 75 năm xây dựng, phát triển văn hóa, con người, giờ nhìn lại, đánh giá toàn diện để kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của con người, văn hoá Việt Nam, bổ sung thêm những nội dung, nội hàm mới về khoa học, dân chủ, nhân văn…”, ông Nguyễn Thế Kỷ nói.

Chúng ta đã nghe các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý, các chuyên gia nói về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, văn hoá số, truyền thông số… Những nền tảng công nghệ rất mới, rất hiện đại tác động vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội và mỗi con người. Chúng ta có cách nhìn mới, thông minh hơn, xa rộng hơn để ứng xử, để hành động, để sáng tạo, kể cả trong lĩnh vực phát triển văn hoá, con người.

Chúng ta cũng đã vận hành rất sâu, đồng bộ, mạnh mẽ cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cơ chế kinh tế thị trường nói chung bao giờ cũng có mặt tích cực và mặt hệ lụy kèm theo. Mặt tích cực là làm cho nền kinh tế nói riêng và toàn xã hội nói chung có nhiều không gian, dư địa để phát triển, có thêm cả sức sống mới, nhiều nguồn lực mới, nhiều sáng tạo mới. Bên cạnh đó, có những sản phẩm văn hoá có thể bị biến thành món hàng để kiếm lợi một cách thuần tuý, chỉ tính đến giá trị kinh tế mà không quan tâm đến yếu tố xã hội và con người, từ đó nảy sinh những mặt tiêu cực.

Rõ ràng đây là thời kỳ mà chúng ta đang ở trong bước chuyển mới, cả thời cơ và cả thách thức. Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này một mặt là để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhưng thực ra không chỉ có thế mà cao hơn là nhận thức sâu sắc, toàn diện và đầy đủ đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật, chính sách của Nhà nước về văn hoá, đưa sự nghiệp văn hóa bước sang giai đoạn mới cao hơn, nhanh và bền vững hơn.

Bày tỏ về những hệ luỵ có thể gây ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh như vũ bão, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, quá trình số hoá tác động đến mọi lĩnh vực, mọi nhà, mọi người trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Đương nhiên cuộc cách mạng này sẽ đưa ra nhiều cơ hội cho chúng ta phát triển ở nhiều lĩnh vực nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong báo chí, truyền thông là vấn nạn tin giả, thông tin, hình ảnh, sản phẩm văn hóa xấu độc, là những ứng xử không đúng mực, phản cảm, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân.

Chúng ta phải thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam. Giới trẻ cũng phải có những chuẩn mực giá trị của mình. Có lẽ chúng ta phải xây dựng một hệ giá trị bằng những từ ngữ hàm súc, cô đọng, khái quát. Phải có những thang giá trị cho những nhóm người trong xã hội. Cái chung chi phối cái riêng, cái riêng làm giàu cho cái chung. Từ đó, chúng ta mới phát triển văn hoá và xây dựng con người một cách tốt đẹp và bền vững được.

Tạo dựng cho mình bản lĩnh và "sức đề kháng" văn hoá tốt

Trên mạng có những người xăm trổ, ăn nói tục tĩu, hành vi phản cảm nhưng cũng kéo được một lượng người vào a dua, tán thưởng, đó là những hệ luỵ rất dễ thấy... , ông Nguyễn Thế Kỷ nói. Ảnh: FBNV

“Nếu chúng ta phát triển chính trị, kinh tế, xã hội mà không có chiều sâu văn hoá, không có hệ điều tiết bằng văn hóa, không coi trọng việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, không tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, không tạo dựng cho mình một bản lĩnh, một "sức đề kháng" văn hoá tốt, chúng ta sẽ bị những sản phẩm văn hoá tiêu cực, độc hại tác động, thậm chí lấn lướt. Giới trẻ của ta, các bạn có nhiều ước mơ, hoài bão, háo hức đổi mới, ưa chuộng điều mới lạ. Có những cái mới có giá trị thực nhưng cũng có những cái mới chỉ hàm chức những giá trị ảo. Thậm chí trên mạng có những người xăm trổ, ăn nói tục tĩu, hành vi phản cảm nhưng cũng kéo được một lượng người vào a dua, tán thưởng, đó là những hệ luỵ rất dễ thấy”, ông Nguyễn Thế Kỷ nói.

Điều đáng nói, hệ luỵ lớn nhất là khi chúng ta đánh mất bản chất, bản sắc văn hoá dân tộc, đi ra thế giới mà không có "căn cước văn hoá" của dân tộc mình, đất nước minh thì dễ bị hoà tan, bị xâm thực. Lịch sử dân tộc ta đã nói lên một cách sinh động và thuyết phục điều này. Chúng ta bị hàng nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị các thế lực ngoại bang xâm lăng, nô dịch. Nhưng cuối cùng, sức mạnh văn hoá Việt Nam đã giúp chúng ta không chỉ tồn tại mà chiến thắng và vững vàng.

Việc chúng ta tạo cho mình một bản sắc, bản lĩnh văn hoá, có nguồn sức mạnh nội sinh thì văn hoá mới thực sự vừa là động lực, mục tiêu để phát triển bền vững đất nước, cùng với đó là phát triển con người. Con người vừa là sản phẩm của văn hoá, đồng thời là chủ thể sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Nền văn hoá của chúng ta là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính chất dân chủ, khoa học, tiên tiến, nhân văn.

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, văn hoá là hệ giá trị, là thước đo, là chuẩn mực để điều tiết mọi hoạt động của toàn xã hội và từng con người. Chúng ta nhìn vào những thang giá trị chung của văn hoá, con người Việt Nam để rèn luyện, phấn đấu đạt được những giá trị đích thực, bền vững, lâu dài. Hệ giá trị mới của quốc gia, của văn hóa Việt Nam hiện nay là đất nước độc lập, thống nhất, con người tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng, cùng phát triển; trong xã hội thì người thương người, tôn trọng, hiếu kính tổ tiên; kế thừa, phát huy các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, nhất là các di sản và giá trị đã được UNESCO công nhận ở tầm cỡ thế giới.

Khi chúng ta xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay, thì đó là những giá trị đã được xây dựng, vun đắp, rèn giũa, hun đúc hàng nghìn năm. Đó là lòng yêu nước, là tình đoàn kết, sát cánh bên nhau trong phòng chống giặc dã, thiên tai; là dũng cảm, cần cù, tài trí, hiếu học, sáng tạo; là đức tính khiêm nhường, sự hoà hiếu, nhân văn, khoan dung… Từ những chuẩn mực như thế, mỗi người soi vào đó để thấy tình yêu đất nước, quê hương, với cộng đồng, với con người, với thiên nhiên của mình như thế nào, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình. Những giá trị ấy có ý nghĩa như những khuôn mẫu để mọi người noi theo.

Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, cũng như các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đầu tư cho văn hoá thực chất là đầu tư cho con người, đầu tư cho con người thực chất là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước, đầu tư cho tương lai vững chắc. Do vậy chúng ta phải chăm lo cho con người, vì con người, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Bác Hồ đã dạy: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". "Trồng người" là bồi đắp những giá trị vật chất, tinh thần cho con người. Con người Việt Nam mới không chỉ có nhận thức, ý thức, tri thức, trình độ, năng lực mà còn phải có thể chất, có tâm hồn, có đạo đức, ngày càng phải khoẻ mạnh hơn. Muốn đi với thế giới, làm chủ thế giới, ngoài tài năng, bản lĩnh, phương pháp, còn phải có sức khoẻ. Đầu tư cho con người là đầu tư tất cả mọi thứ. Đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội, môi trường, các hoạt động khác.

Để chấn hưng văn hóa, xây dựng con người, cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm văn hoá một cách chuyên nghiệp hơn, có trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, có tình yêu, khát khao để đưa văn hoá đất nước đi lên.

“Văn hoá là một mặt trận, tác động của văn hoá trong đời sống rất lớn. Muốn xây dựng nền văn hoá vững mạnh, chúng ta phải có những con người phù hợp với những bước đi mới của dân tộc. Đó là những người làm văn hoá có năng lực, trình độ, đạo đức, từ cấp cao đến cấp cơ sở. Muốn làm được phải chú ý đến khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến và trực tiếp, từ Hội trường Diên Hồng của Tòa nhà Quốc hội, với khoảng trên 500 đại biểu tham dự trực tiếp, được nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố, ban, bộ, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương và có thể kết nối đến các huyện, quận.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm