Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ bảy, 20/11/2021 - 06:36
(Thanh tra)- Sau 2 nhiệm kỳ khóa XI, XII, sang nhiệm kỳ XIII, với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục “giữ lửa” và có những chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Ảnh: N.Bắc
Một trong những điểm mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa qua là: “Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...”.
“Tham nhũng là sản phẩm của hành vi tiêu cực”
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, chống suy thoái, tham nhũng được Đảng đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và giải pháp đưa ra ngày càng chặt hơn. Song, tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
Vì vậy, sau các hội nghị Trung ương thứ nhất, hai, ba củng cố về tổ chức, bộ máy, xác định phương châm, lề lối làm việc, Đảng “bắt tay” luôn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trên cơ sở tổng kết, đánh giá những bài học kinh nghiệm của khóa trước, Trung ương điều chỉnh, đưa ra giải pháp mới để phù hợp với tình hình. Và lần này, Trung ương đã gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.
“Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến hành vi tiêu cực. Từ tiêu cực này dẫn đến hành vi tiêu cực khác và đỉnh cao của nó là phạm pháp, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đến mức phải xử lý nghiêm khắc. Tham nhũng chính là sản phẩm của hành vi tiêu cực”, đại biểu Vân nhận định.
“3 khoá liên tục Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới” - trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 4/10/2021.
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương nói, thực tiễn chỉ ra ngày càng rõ hơn, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ dừng lại ở phòng, chống tham nhũng. Vì tham nhũng, “lợi ích nhóm” là bề nổi của chủ nghĩa cá nhân.
“Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng thì chỉ làm phần ngọn mà chưa làm đến cái gốc sâu xa là triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nghị quyết Trung ương 4 lần này nhấn mạnh đến phòng, chống tiêu cực là để kiên quyết diệt tận gốc chủ nghĩa cá nhân. Đây mới là sóng ngầm bên trong, đe dọa sự tồn vong của chế độ”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đáng nói, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ngày càng tinh vi như nhận định của đại biểu Lê Thanh Vân. Theo ông, trước đây, chủ nghĩa cá nhân thể hiện qua vơ vét của công, ích kỷ, hẹp hòi. Nhưng khi cuộc sống được cải thiện, với sự hỗ trợ của phương tiện công nghệ thì sắc thái của chủ nghĩa cá nhân xảo quyệt hơn nhiều như lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm cán bộ tạo ra “cánh hẩu”, “mượn” tập thể để hợp thức hóa các quyết định.
Từ đó khiến quyền lực Nhà nước bị tha hóa, biến quyền lực công thành tư, phục vụ cho mưu đồ cá nhân. “Khi có vi phạm thì cũng dùng tập thể "cánh hẩu" để lấp liếm, biện hộ, ngụy biện cho sai phạm”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu.
Để chống tham nhũng, tiêu cực, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, một trong những giải pháp được nhấn mạnh là phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
“Lộng hành, tham nhũng, tiêu cực là cán bộ, chứ đừng đổ lỗi cho thể chế. Bởi thể chế cũng do chính cán bộ chủ trì khởi xướng”, đại biểu Lê Thanh Vân tin rằng, tới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ lôi ra được những tiêu cực trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm khắc.
Theo đại biểu, như vậy sẽ răn đe được những người lăm le ý định lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người nhà, người thân, xâm hại lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân. “Không có gì hơn là những tấm gương. Tấm gương tốt thì người ta noi theo, tấm gương xấu mà bị trừng trị nghiêm khắc thì người ta khiếp sợ mà né tránh”, ông Vân nói.
“Chặn” từ sớm việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài
Trung ương cũng thống nhất ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.
Quy định số 37 thay thế Quy định số 47 sau 10 năm thực hiện vẫn giữ nguyên 19 điều đảng viên không được làm, nhưng bổ sung những nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một trong những điều mới là quy định rõ, đảng viên không được nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.
Ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh, đảng viên mà có hành vi tẩu tán tài sản ra nước ngoài đi liền với lén lút nhập quốc tịch nước ngoài thì không thể chấp nhận được.
“Hành động đó chính là biểu hiện của sự tháo chạy, trốn tránh trách nhiệm, tìm cho mình nơi ẩn náu trước khi vi phạm của bản thân bị cơ quan chức năng phanh phui, xử lý. Hoặc đó là biểu hiện giảm sút niềm tin đối với Đảng, với chế độ, muốn thay đổi, từ bỏ cuộc sống trong nước tìm yếu tố hướng ngoại”, đại biểu nói.
Còn theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đảng viên chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định là dấu hiệu che giấu tài sản bất minh.
“Nếu anh đầu tư ra nước ngoài theo dự án, theo chương trình thì đó là chuyện minh bạch. Nhưng không minh bạch là gửi tiền ở nước này, nước kia, rồi mua tài sản ở một quốc gia nào đó, chính là có ý đồ che giấu tài sản bất minh, còn với tài sản minh bạch thì không ai làm như vậy”, đại biểu nêu.
Từ quan điểm này, đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh ý thức tự giác chấp hành của đảng viên thì phải giám sát “chặt” những lĩnh vực dễ phát sinh ra những lợi ích tài sản bất minh, tiêu cực, tham nhũng.
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đơn vị giám sát về hoạt động tín dụng, trường hợp thấy các tài khoản giao dịch có yếu tố bất thường thì cần thực hiện giám sát, đưa vào diện theo dõi, ngăn chặn. Cạnh đó, là giám sát từ cộng đồng, bởi tai mắt của nhân dân rất tinh tường, sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng.
Với quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác tư pháp với nhiều quốc gia trên thế giới nên có thể nhận được hỗ trợ từ nước bạn để làm rõ tiền, tài sản chuyển dịch, giao dịch ở nước ngoài khi cần thiết. “Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Xã hội) lưu ý, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài không quá khó. Song, pháp luật đã có quy định rõ ràng về mức trần số tiền mang đi, mang về mỗi lần xuất nhập cảnh. Việc chuyển tiền, mua bán tài sản ở nước ngoài cũng phải làm thủ tục qua các cơ quan có thẩm quyền.
“Các cơ quan chức năng trong kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin kịp thời khi thấy có dấu hiệu đáng ngờ để kịp thời có biện pháp ngăn chặn”, ông Tiến nói. Theo ông, cũng phải xây dựng những quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện kiểm soát, chống tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Bảo vệ tính độc lập trong quá trình thanh tra, kiểm tra
Quy định 37 có một điểm mới nữa là đảng viên “không được can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Theo ông Lê Thanh Vân, điều này nhằm bảo vệ tính độc lập của các cơ quan tư pháp, ngăn chặn tình trạng sử dụng ý chí cá nhân để áp đặt; chống oan sai; chống bảo kê, lợi ích nhóm. Cạnh đó, giúp bảo vệ tính độc lập trong quá trình tổ chức thanh tra, kiểm tra.
“Thanh tra, kiểm tra chính là cơ chế tự kiểm soát quyền lực trong một hệ thống cơ quan được phân công thực hiện các nhánh quyền lực. Ví dụ, Thanh tra Chính phủ là cơ quan tiền kiểm soát các sai phạm trong nội bộ hệ thống hành chính, thực hiện quyền hành pháp. Tính khách quan, tôn trọng quyền thanh tra, kiểm tra của họ chính là bảo đảm yếu tố làm minh bạch, sửa sai, chấn chỉnh từ trước, nhằm ngăn chặn trước vi phạm”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Phương Anh
15:41 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Văn Thanh
12:44 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân