Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chơi “sắt vụn” giữa “đất vàng”

Thứ tư, 30/05/2012 - 06:28

(Thanh tra)- 3 thế hệ trong gia đình nổi tiếng với nghề sưu tập, sửa chữa và chơi quạt cổ Marelli (Pháp). Căn nhà mặt tiền khu “đất vàng” - phố Hàng Điếu, Bát Đàn (Hà Nội) trở thành nơi cất, chứa đống quạt cổ bằng sắt thép đang rỉ sét của “đệ nhất quạt cổ Hà Thành” Dương Văn Thục.

Nhiều người đi qua ngã tư phố Hàng Điếu - Bát Đàn thường tò mò khi thấy ông Thục bày đống quạt cổ bằng sắt thép đang rỉ sét trong ngôi nhà mặt tiền. Mấy chục năm nay, ngày nào ông cũng dành hàng giờ đồng hồ ngâm cứu chiếc quạt cổ của Pháp có tên Marelli.

Ông Thục chia sẻ, nghề sửa chữa, phục chế quạt cổ này là do cụ thân sinh để lại. Cách đây hơn 50 năm, ban đầu các cụ làm nghề sửa chữa các loại quạt chạy bằng than cũ. Sau đó, những năm 1960 mới chính thức làm quạt cổ. Và nghề này theo gia đình ông đến tận bây giờ.

Điều độc đáo là, nghề gia truyền của nhà ông Thục chỉ sửa chữa và phục chế duy nhất loại quạt cổ Marelli với các bộ khung hoàn toàn bằng thép, cánh bằng đồng, có độ bền hàng chục năm. Những chiếc quạt này vừa là thú chơi vừa có công năng sử dụng và thường gắn với kỷ niệm của nhiều gia đình…

Ngày nay, loại quạt này được nhiều người ưa thích nên gia đình ông vừa sửa chữa vừa sưu tập và bán lại cho khách. Không đặt nặng giá trị kinh tế, ông Thục coi trọng việc người chơi, sưu tập có thực sự đam mê quạt Marelli không. Thậm chí, có nhiều khách du lịch nước ngoài đến tận nhà ông đưa cả tập đô la đòi sở hữu những chiếc quạt cổ này, ông Thục vẫn lắc đầu không bán. Ông cho rằng, nếu bán phải bán cho anh em cùng dòng chơi, cùng sở thích trong hội sưu tập thì thú chơi ấy mới còn. Còn bán cho người nước ngoài, thú chơi này sẽ dần bị mất đi.

Cũng có lẽ vì coi việc sửa chữa, sưu tập, phục chế quạt là thú chơi mà ông Thục và anh em trong gia đình đã dày công tìm nua những chiếc quạt cũ từ các mối bán đồng nát. Lặn lội đến tận những vùng quê xa xôi của tỉnh Nam Định, hay vào tận Kon Tum, Đắk Lắk chỉ để mong muốn được sở hữu hoặc có khi chỉ là tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc Marelli cổ độc đáo.

Mặc dù có rất nhiều hãng sản xuất quạt có tiếng như Éon, Calor của Pháp, Émi của Hà Lan, General và America của Mỹ, nhưng Marelli của Italy vẫn được ưa chuộng nhất. Cũng dễ hiểu khi Marelli được coi là “vua của các loại quạt” vì xét về độ bền, ngay đến thời điểm này, chưa hãng nào có thể vượt qua. Marelli vào Việt Nam  từ cuối thế kỷ XIX (1892 - 1893), lúc đó trên tàu điện đã có vài ba chiếc sử dụng điện 1 chiều (chạy bằng chổi than).

Theo hồi tưởng của “đệ nhất quạt cổ Hà Thành”, ngay từ ngày còn bé, được các cụ sai cầm tua vít, xem các cụ làm nhiều cũng thích, dần dần ông tự mở quạt ra mày mò. Rồi cái nghề ngấm dần mà không biết tình yêu với những chiếc quạt cổ bắt đầu từ lúc nào.


Cái hay của những chiếc quạt cổ biểu hiện ở từng chi tiết, máy móc như: Bu lông, ốc vít,  khớp nối, cổ để cắm đầu phụ quạt vào đến các nốt quay số, các lẫy đồng, bi… được làm rất kĩ thuật và tính chính xác cao - điều mà những quạt hiện đại khó có thể sánh bằng. Còn về độ bền, quạt hiện đại lại càng không thể sánh được. Thực tế, các kiểu quạt Marelli từng sửa qua thì gần như còn nguyên bản về kĩ thuật cốt lõi, chỉ hỏng hóc các bộ phận nhỏ, sơn bạc màu, cánh đồng xỉn xuống, nhưng chỉ cần đánh bóng lại như mới…

Vài chục năm làm quạt cổ, ông Thục ấn tượng nhất là loại “ụ pháo”. Bởi độ bền gần như vĩnh cửu khi được bảo vệ, nhưng nếu để hỏng một chi tiết thì gần như không thể sửa chữa được.

“Nghề này chỉ có những người thực sự say mê, tỷ mẩn mới làm được. Nếu làm được những kĩ thuật khó, tinh xảo còn giúp mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn”, ông Thục nói.

Câu nói đó dường như truyền lửa cho người con trai tiếp tục lưu giữ nghề. Anh Dương Mạnh Hùng chia sẻ, tôi tìm thấy sự độc đáo qua từng chiếc Marelli. Tuy là thế hệ thứ 3, nhưng tôi sửa chữa được bất cứ quạt cổ nào. Đó là nhờ học hỏi được từ các thế hệ đi trước.

Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm