Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Chạy”!

TS Ngô Quốc Đông

Thứ sáu, 07/07/2023 - 16:10

(Thanh tra) - Đời ai chẳng từng chạy vài lần.

Ảnh minh họa: Vietnamnet/https://dangcongsan.vn/

Khi sinh ra, “tập bò rồi mới lo tập chạy”. Lúc loạn lạc, chiến tranh, chúng ta còn phải chạy giặc, chạy Tây, chạy tản cư kháng chiến… Khi hai miền Nam - Bắc chia cắt thì có chạy xuống hầm trú ẩn máy bay, chạy di cư và sau này là chạy di tản, rồi cả đến một trào lưu chạy vượt biên sau năm 1975. Tạm gọi là chạy khỏi khung cảnh chính trị xã hội…

Hình như chạy là một “thuộc tính” của con người. Chạy trong mọi thời cuộc, mọi lúc, mọi nơi, lúc binh biến cũng như khi yên bình. Tính chất của việc chạy hoàn toàn khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là do nhu cầu hay động lực hối thúc.

Lớn lên, lao vào dòng đời, nhiều người chạy càng mải miết. Từ chạy ăn, chạy mặc, đến chạy tiền khám chữa bệnh, chạy tang ma, giỗ chạp, chạy cưới hỏi, chạy trường, chạy lớp cho con… Nhìn chung, chúng ta phải “chạy đôn chạy đáo”, chạy đủ thứ theo cả nghĩa là “phải chạy”. Nhưng bước chạy của chúng ta là bước chạy của đa số công chúng.

Nếu đời ai có may mắn đôi chút, làm tới vài chức quan nho nhỏ dạng cấp cục, vụ… thì bước chạy lại càng phải nhanh hơn, càng phải mạnh và mải miết hơn, để sau đó chạy những bước dài hơi khác. Có người chạy chỗ cho bè cánh, chạy lo lót tiền, chạy để “cúi trên, đạp dưới”, chạy để được vào tầm nhìn của “sếp”, chạy để được sang một “con đường mới” của sự nghiệp. Và trên con đường đó lại tiếp tục một hành trình khác của việc chạy…

Thế rồi, đến những phẩm cấp to hơn thì việc chạy nghe chừng không thể dừng được nữa, tức chạy không ngừng, chạy có khi đến “đứt hơi, kiệt sức”! Tại sao phải chạy? Vì quyền lực và lợi ích hối thúc vào lòng người như những động cơ lao phóng với tốc độ chóng mặt. Cuộc chạy này rất nhiều chặng “nước rút” như: Chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, chạy bằng cấp, rồi sau đó chạy “nơi hạ cánh”. Vì không ngừng được, nên nhiều người bị “vấp ngã.” Và đương nhiên ngã khi đang chạy nhanh, tốc độ cao thì sẽ rất đau, có thể thành phế nhân, tức “thân bại danh liệt”. Nguyên nhân là bị “đổ ngã” vì tham nhũng, vì bao che, dung túng, vì ăn đút lót, rút tiền công quỹ…

Đôi khi, một người ngã, khiến cả đoàn người phía sau chạy theo bổng lộc của người này cũng ngã theo, hoặc họ sẽ chạy toán loạn. Và người chạy trước, nơi người này vốn dựa dẫm trong một sự phân chia quyền lợi trên - dưới nào đó sẽ phải cố chạy nhanh và xa hơn, bỏ mặc đằng sau đống bê bối, rắc rối không lối thoát. Đây là kiểu chạy tạm gọi là thoát khỏi sự liên đới trách nhiệm.

Rõ ràng những người “ngã” sẽ không thể chạy tiếp trong hành trình công danh, quyền lực được nữa. Nhưng đừng có nhầm tưởng và chớ vội mừng, họ còn một cuộc chạy cuối cùng theo đúng nghĩa là “chạy thực sự”, tức chạy để đào tẩu, cuộc chạy thoát thân, “vắt chân lên cổ mà chạy”. Điều đáng ngạc nhiên là cuộc bỏ chạy này khác hoàn toàn với các cuộc chạy chức, chạy quyền kiểu “áo gấm đi đêm” khác. Nó thường được thực hiện sau khi việc bị bại lộ, tức nhiều người, nhiều ngành biết, vậy mà không ít kẻ đào tẩu vẫn thành công.

Với khả năng chạy nhanh và ngoạn mục của những người có địa vị nhưng không may bị bại lộ này, không biết bao giờ sức chạy của công lý và luật pháp mới đuổi kịp?

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), ngày 12/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức lễ ra mắt trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”.

Thái Hải

20:36 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm