Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần có văn hóa xếp hàng!

Ngô Quốc Đông

Thứ hai, 11/09/2023 - 21:22

(Thanh tra) - Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường đi ra siêu thị, bến xe, ga tầu, đi khám chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ ngân hàng… Đó là những nơi đông người, phải xếp hàng. Ai đến trước được dịch vụ giải quyết trước, người đến sau đợi tới lượt mình. Như vậy, chốn đông người không được chen lấn xô đẩy, phải chờ tới lượt.

Hình ảnh xếp hàng trong bệnh viện

 Đó cũng là văn hoá xếp hàng, vốn được hình thành từ thời bao cấp khi người ta phải xếp hàng đi mua lương thực, thực phẩm bằng tem phiếu. Ngày nay tự do thương mại, đa dạng thị trường nhưng người dân tại những nơi như quầy bán vé, check in tại sân bay, khám chữa trong bệnh viện vẫn phải xếp hàng làm thủ tục. Vì đó là nét ứng xử văn minh lịch sự nơi công cộng cần phải phát huy. Đó cũng là hành vi tôn trọng người khác cùng chờ đợi như mình.

Thế nhưng thời bao cấp đã xa mà người ta vẫn thường xuyên chứng kiến cảnh chen lấn xô đẩy ở những tiệm ăn miễn phí. Nhiều nam thanh nữ tú chen ngang ở những nơi bán hàng hiệu giảm giá. Trong bệnh viện hay tại quầy làm các thủ tục đất đai, nhiều người dân chờ mãi không đến lượt, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài người ăn mặc sang trọng đến rỉ tai nói nhỏ gì đó với nhân viên hay người làm thủ tục rồi nhanh chóng được giải quyết giấy tờ trước cả những người đang xếp hàng chờ đợi. Vậy rõ ràng ngoài hành vi văn hoá xếp hàng đang được coi trọng, vẫn luôn có người chen ngang vào vị trí của người khác làm không ít người chờ đợi cảm thấy bất bình.

Chen ngang dường như là một sự đối nghịch với văn hoá xếp hàng, chờ đợi. Nó cho thấy một thực tế rõ ràng là đôi khi những người tham gia dịch vụ công đã không làm đúng chức trách, để cho người thân quen, hoặc nhờ mối quan hệ nào đó để nhanh chóng hoàn thành việc cá nhân của mình trong khi nhiều người khác phải mất công chờ đợi. Chen ngang thể hiện sự không công bằng và không biết vị trí của mình. Bởi vậy xã hội mới xảy ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chen ngang chức vụ, chạy chọt lên vị trí này, chỗ đứng kia, làm cho không ít người có năng lực đang phấn đấu tới vị trí đó không bao giờ đạt được kết quả.

Chen ngang phản ánh sự ích kỷ cá nhân khi chỉ nhăm nhăm làm lợi cho mình mà không đếm xỉa đến quyền lợi của người khác. Việc dùng mánh khoé, đôi khi cả thủ đoạn để đạt nhanh chóng tới mục đích, vị trí mong muốn chứng tỏ người đó yếu kém trong văn hoá giao tiếp và hành xử. Bởi vậy mới thấy ở đâu đông người là ở đó phải chăng dây, phát số, hoặc kẻ vạch. Ví như vượt qua làn đường của mình sẽ chèn sang làn đường người khác, cản trở giao thông. Tại sân bay đến quầy thủ tục chỉ 20 bước chân nhưng người ta phải dùng tới cả trăm mét dây để người làm thủ tục đi đúng vị trí. Trong bệnh viện phải phát số từ sớm cho người đến khám bệnh. Dây, vạch, số… muốn nhắm con người ta hãy biết vị trí của mình để mà có một thái độ ứng xử có văn hoá và phù hợp.

Nhìn rộng ra văn hóa xếp hàng không đơn thuần là hành xử ngay ngắn, trật tự đúng vị trí mà còn cho thấy sự minh bạch, công bằng trong các hoạt động xã hội. Điều chỉnh hành vi xã hội không chỉ kêu gọi người dân có ý thức mà cần có công cụ đủ mạnh để điều chỉnh hành vi như công cụ pháp luật, chế tài xử lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm