Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Biến đổi khí hậu & bài toán thích ứng

Thứ hai, 13/06/2011 - 08:41

(Thanh tra) - “Quản lý thích ứng trong ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” là chủ đề của hội thảo vừa diễn ra tại thành phố Bến Tre, do UBND tỉnh Bến Tre, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO và Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp tổ chức đã mang tới thông điệp: Các khả năng về BĐKH đang và sẽ tiếp tục là những thách thức to lớn tiềm tàng, là mối đe dọa trực tiếp đối với mục tiêu kế hoạch phát triển bền vững của từng địa phương trong vùng ĐBSCL nói riêng và các vùng ven biển trên cả nước nói chung.

“Dấu ấn” biến đổi khí hậu tại rừng ngập mặn Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre- Cây trơ gốc và sò hến chết trắng bãi biển

Hiểm họa từ BĐKH

Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP năm 2007, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới rất dễ bị tổn thương trước BĐKH, còn vùng ĐBSCL chính là một trong 3 vùng châu thổ trên thế giới lọt vào nhóm có nguy cơ cao do BĐKH.

Cho đến nay, những tác động của BĐKH đối với ĐBSCL đều chủ yếu mang tính dự báo dựa trên các kịch bản BĐKH khác nhau. Theo đó trong vòng 65 năm nữa, dự báo nhiệt độ trung bình tăng 2,5oC, trong đó tăng chủ yếu ở các vùng cao còn ở vùng ven biển tăng khoảng 1,5oC. Nhiệt độ cực đại và cực tiểu cũng tăng, số ngày có nhiệt độ trên 25oC sẽ có tần suất xuất hiện “dày” hơn. Mực nước biển dâng từ 15 - 90 cm, tính trung bình là dâng thêm 50 cm, bấy giờ ĐBSCL sẽ có hơn 10% diện tích tự nhiên bị ngập chìm trong nước biển, tương đương khoảng 15.000 - 20.000 km2 với dân số khoảng 5 triệu người cư trú, trong đó vùng trũng thuộc bán đảo Cà Mau nối tiếp đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, là vành cung bị tác động mạnh nhất. Chưa hết, khi nước biển dâng cao thì đất đai cũng bị nhiễm mặn nhiều hơn, thảm thực vật và hệ sinh thái có nguy cơ bị hủy diệt, nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn; nguy cơ xói lở đất và khả năng tàn phá của sóng thần cũng sẽ lớn hơn.

Tổng thư ký MAB Việt Nam Nguyễn Hoàng Trí chỉ ra rằng, tác động của BĐKH đối với ĐBSCL là không thể đo đếm được, bởi vì chúng “công phá” trên diện rộng, từ những tác động lên nguồn nước, năng suất cây trồng, các hệ sinh thái rừng và thủy vực, cho đến chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp. Vẫn theo kịch bản thích ứng BĐKH được các chuyên gia cảnh báo, tài nguyên nước ở ĐBSCL sẽ bị tác động rất trầm trọng bởi vì mặc dù lưu lượng nước chảy ra biển Đông khoảng 505 tỷ m3/năm nhưng phân bố không đều khi 80% vào 5 - 6 tháng mùa mưa, 20% còn lại xảy ra trong thời gian mùa khô.

Các chuyên gia trù tính năng suất lúa có thể giảm tới 40% do hậu quả của nạn xâm nhập mặn vì tác động BĐKH, đồng nghĩa lơ lửng trên ĐBSCL và không chỉ khu vực ĐBSCL là nguy cơ xảy ra thiếu lương thực, trong khi tính đa dạng loài sinh vật nước lợ và nước ngọt cũng sẽ suy giảm. Tương tự là nguy cơ cao về cháy rừng; sâu hại, dịch bệnh hứa hẹn xảy ra thường xuyên hơn; bệnh sốt rét, ký sinh trùng, virus… có nhiều “đất” hoành hành hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Anh Tuấn lưu ý rằng, nhu cầu sử dụng tài nguyên nước vào mục đích phát triển thủy điện, thủy lợi của các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông cũng sẽ góp phần gây thêm những ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng, sự điều tiết và sử dụng nước ở vùng hạ lưu, trong đó có khu vực ĐBSCL của Việt Nam. Việc tích nước vùng thượng nguồn để phát triển thủy điện sẽ khiến cho việc xâm nhập mặn ở vùng cửa sông ngày càng sâu và kéo dài, từ đó dẫn tới thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.

Bài toán quản lý thích ứng

Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Môi trường thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cốt lõi của quá trình quản lý thích ứng gồm 4 thành phần: Lên kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá. Các thành phần ấy kết nối trong một chu kỳ, sau khi đánh giá rút kinh nghiệm thì lại đặt kế hoạch và triển khai các hoạt động ở tầm mức cao hơn. Đối với ĐBSCL, Giám đốc Nguyễn Hoàng Trí cho rằng, có 5 lĩnh vực cụ thể có thể áp dụng quản lý thích ứng, đó là giữ nước trong kênh rạch để phòng chống cháy rừng tràm và đầm lầy than bùn trong mùa khô; kiểm soát cháy rừng quy mô nhỏ vào mùa khô nhằm tạo điều kiện cho việc duy trì các loài động thực vật, vừa giúp cây rừng tăng trưởng nhanh hơn và duy trì tính bền vững về mặt cấu trúc và chức năng hệ sinh thái; duy trì hệ sinh thái ven biển, đặc biệt chú ý các dải rừng phòng hộ ven biển bao gồm rừng ngập mặn, rừng phi lao, bãi cát ở các vùng ven biển, nhất là loài cây thân thảo như muống biển, sam biển, cỏ…, từ đó giúp hạn chế xói lở bờ biển; quản lý bền vững hệ sinh thái bằng cách huy động sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương vào việc quản lý nguồn nước, quản lý nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học; xây dựng khu dự trữ sinh quyển ứng phó với hậu quả của BĐKH.

Trong khi đó, căn cứ vào truyền thống cư trú trên giồng và truyền thống giữ nước ngọt ở vùng bị nhiễm mặn của cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL, Giáo sư Tiến sĩ Mạc Đường, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, đưa ra giải pháp 2 bước. Đó là xây dựng một dự án quốc gia nhằm nâng cao, mở rộng diện tích trên 250 km giồng hiện nay, bắt đầu từ Giồng Sơn ven sông Bao Ngược miền Đông Nam tỉnh Long An kéo dài tới sông Gành Hào trên đất Giá Rai tỉnh Cà Mau để sắp xếp, di dời các vùng dân cư có nguy cơ ngập sâu dưới mực nước biển dâng cao vào năm 2030 ở ĐBSCL. Thứ nhì là tổ chức một hệ thống hồ, ao nhân tạo để lưu giữ nước ngọt vĩnh viễn cho vùng có khả năng nhiễm mặn nặng. Việc xây dựng hồ ao nhân tạo quy mô lớn như thế cũng có giá trị giữ nước ngọt cho dòng sông Cửu Long khi đầu nguồn sông Mê Kông bị ngăn lại vì tình trạng xây dựng quá nhiều đập thủy điện.

Nói tóm lại, áp dụng quản lý thích ứng trước hậu quả của BĐKH trong vùng ĐBSCL thực chất là một quá trình chuyển đổi cơ bản về tầm nhìn với sự gia tăng hàm lượng tri thức trong các quá trình ra quyết định. Quản lý thích ứng kỳ thực là một quá trình học tập xã hội với sự tham gia của cộng đồng, từ người nông dân đến các nhà khoa học, từ doanh nghiệp làm kinh tế tới các cơ quan bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Chỉ khi nào có sự tham gia rộng rãi của người dân cộng với sự chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, nghiêm túc của các cấp quản lý, việc áp dụng quản lý thích ứng mới đạt hiệu quả cao.

Các chuyên gia không quên cảnh báo cần áp dụng một cách mềm dẻo các mô hình thích ứng, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.

 Thiện Nhân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm