Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bế mạc kỳ họp 2, dự kiến họp chuyên đề quyết chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch

Hương Giang

Thứ bảy, 13/11/2021 - 15:55

(Thanh tra) - Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được xây dựng, nếu kịp sẽ trình Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đ.X

Hôm nay (13/11), sau 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

“Thành công của kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát biểu bế mạc.

Trong kỳ họp có vấn đề “chưa có tiền lệ”

Kỳ họp thứ 2 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Trước khi tiến hành Kỳ họp, Quốc hội đã dành phút mặc niệm đối với đồng bào đã tử vong, cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Kỳ họp được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với đợt họp trực tiếp, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM vẫn họp theo hình thức trực tuyến.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Ảnh: Đ.X

“Họp tập trung nhưng vẫn có 1 đoàn họp trực tuyến, cũng là vấn đề chưa từng có tiền lệ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói. Theo ông, điều này, minh chứng cho sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Không khí làm việc của Quốc hội sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, xây dựng vào các nội dung của chương trình kỳ họp.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị, ngay sau kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… khẩn trương triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết được thông qua.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những bất cập, hạn chế.

Ông cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

“Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về phòng, chống dịch COVID-19”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Dự kiến xem xét chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp chuyên đề

Ngay sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 2.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Đ.X

Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho hay, hiện Quốc hội chưa nhận được chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình sang. Tuy nhiên, với phương châm “từ sớm, từ xa”, đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tìm hiểu thông tin và chuẩn bị.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025).

Bà Mai cho rằng, chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội phải gắn với các kế hoạch trên; đồng thời có lộ trình phù hợp trên cơ sở đánh giá toàn diện những tác động của đại dịch COVID -19, các xu hướng đầu tư kinh doanh sau đại dịch…

Hiện chương trình này đang được khẩn trương xây dựng. Theo bà Mai, nếu kịp sẽ trình Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.

Về nội dung ưu tiên, bà Mai cho rằng, cần tập trung bố trí nguồn lực, có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.

Cạnh đó, cần tính toán quy mô hỗ trợ tương ứng với mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; có phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bảo đảm khả thi, hỗ trợ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm…

Thông tin thêm, ông Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp thứ 3, 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có kỳ họp chuyên đề. “Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy trình, quy định”, ông nói.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đúng quy định, bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Ông Cường nói rõ thêm, nếu 6 tháng mới họp 1 lần thì Quốc hội không quyết định dược nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền, làm chậm sự phát triển của đất nước.

“Sau này sửa nội quy kỳ họp, sửa Luật Tổ chức Quốc hội thì sẽ sửa những điểm này để Quốc hội có thể linh hoạt hơn”, ông Bùi Văn Cương tin, cử tri, nhân dân cả nước thấy điều đó là “cần thiết và hợp lý”.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến 5 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. 

Trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình.

Thông qua các nghị quyết về: Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; tổ chức phiên tòa trực tuyến; kinh tế xã hội, ngân sách…

Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025

Quốc hội cũng dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; ngoài ra nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021… 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm