Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bé 8 tuổi bị "mẹ kế" đánh chết, tội cố ý gây thương tích hay tội giết người?

Mạnh Hà

Thứ ba, 04/01/2022 - 22:30

(Thanh tra) - Dư luận đang chấn động vụ cháu bé 8 tuổi bị "mẹ kế" đánh nhiều lần đến chết ở TP HCM. Đó là Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) chung sống chưa kết hôn với Nguyễn Kim Trung Thái là bố cháu bé A tại chung cư Sai Gon Pearl (quận Bình Thạnh). Công an đã khởi tố Trang về tội hành hạ người khác và bắt giữ Thái để điều tra.

Trang dùng thanh gỗ dài 90 cm để đánh đập bé A. Ảnh: Công an cung cấp

Còn nhớ, vụ bé 3 tuổi ở với bố dượng mẹ đẻ bị bạo hành đến chết ở Hà Nội, ngày 19/11/2020, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Minh Tuấn là cha dượng bị tử hình về tội giết người, bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh là mẹ đẻ tù chung thân về đồng phạm tội giết người.

Còn ở đây, vụ bé 8 tuổi bị "mẹ kế " đánh đến chết có 2 vấn đề lớn đặt ra:

Vấn đề thứ nhất, về tội danh áp dụng: Điều 140 Bộ luật Hình sự (BLHS) tội hành hạ người khác, thì không có hậu quả chết người ở tội này, cho nên phải loại trừ ngay.

Cháu bé đã bị mẹ kế đánh những đòn chí mạng mới dẫn đến hậu quả chết người. Do đó, phải nằm ở tội cố ý gây thương tích (thuộc trường hợp) làm chết người, hoặc tội giết người. Vậy là tội nào?

Trước khi phân biệt đó là tội giết người hay tội cố ý gây thương tích (trường hợp làm chết người), thì cần chú ý rằng hành vi giết người chính là thực hiện gây thương tích dẫn đến chết người cho nạn nhân. Nạn nhân bị giết chết là bởi các thương tích dẫn đến chết người! Và tội giết người thì có trường hợp chủ mưu từ trước và trường hợp bột phát do nóng giận, do vậy không phải cứ phải có động cơ, chủ đích giết người từ trước thì mới là tội giết người. Trường hợp bùng phát cơn nóng giận đánh đập nạn nhân bất kể hậu quả thì đó cũng là tội giết người nếu nạn nhân chết. Bởi như đã nêu ở trên, nội dung của hành vi giết người đó là gây thương tích đến chết cho nạn nhân.

Cho nên phải phân biệt ranh giới hết sức rạch ròi giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích, phải  phân biệt hành vi đúng theo tên gọi của tội danh. Thông thường thì tội giết người là phải có hậu quả chết người, tội cố ý gây thương tích là chỉ có hậu quả bị thương tích như đúng với tên gọi theo nội dung, phạm vi của tội danh. Trừ trường hợp ngoại lệ, giết người nhưng nạn nhân không chết và gây thương tích nhưng nạn nhân lại chết, tức là trường hợp nằm ngoài khả năng quan sát tính toán của thủ phạm.

Ví dụ, ở tội giết người thuộc trường hợp ngoại lệ là nạn nhân không chết, thì nạn nhân đáng lẽ chết sau khi thủ phạm gây thương tích nguy hiểm tính mạng rồi bỏ đi, nhưng không chết do nạn nhân được người khác cấp cứu kịp thời, hoặc có sự việc bất ngờ xảy ra khiến thủ phạm không thể tiếp tục được việc gây thương tích đến chết cho nạn nhân.

Còn ở tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp ngoại lệ là chết người, thì nạn nhân đáng lẽ chỉ bị thương tích không chết sau khi thủ phạm gây thương tích và bỏ đi hoặc dừng lại. Nhưng sau đó nạn nhân lại chết do để quá lâu nhiều ngày không cứu chữa dẫn đến các thương tích biến chứng nhiễm trùng nặng lên làm tử vong. Hoặc nạn nhân có tiền sử bị bệnh nguy hiểm tính mạng như cao huyết áp gây đột quỵ, bị bệnh tim mạch gây nhồi máu cơ tim, bệnh loãng xương làm xương giòn dễ gẫy... kết hợp với thương tích làm nạn nhân tử vong khi bị gây thương tích. Thủ phạm khi gây thương tích cho nạn nhân đã không thể biết được những tiền sử bệnh này.

Cũng lưu ý thêm, hành vi đánh đập nhiều lần đến khi nạn nhân cận kề cái chết mới dừng lại đưa đi cấp cứu, là 1 dạng hành vi giết người được che giấu tinh vi nhằm lách luật vào tội hành hạ người khác hoặc cố ý gây thương tích (nhiều lần dẫn đến chết người) nếu bị phát hiện, hòng qua mặt các cơ quan tố tụng. Mặc dù mục đích sau cùng vẫn là phải làm cho nạn nhân chết mới chịu dừng lại, nhưng lại được ẩn giấu dưới dạng gây tổn thương cơ thể dần dần, đánh đập nhiều lần mới dẫn đến cái chết của nạn nhân, khiến cho các cơ quan tố tụng dễ hướng tới áp dụng theo tội hành hạ người khác hoặc tội cố ý gây thương tích (làm chết người) đối với thủ phạm với hình phạt tù nhẹ hơn nhiều hình phạt tử hình ở tội giết người. Đây là dạng tội phạm hành động che giấu tinh vi, rất cần phải nghiệp vụ tinh tường của các cơ quan tố tụng mới phát hiện đúng tội danh.

Như vậy để phân biệt chính xác giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích (ngoại lệ làm chết người) mà không bị thủ phạm khai đối phó hòng qua mặt những người tiến hành tố tụng, thì mấu chốt phân biệt là nằm ở chi tiết: Thủ phạm có thực hiện hành vi gây thương tích đến khi nguy hiểm tính mạng cho nạn nhân mới chịu dừng lại không? Nếu có, thì đó là đặc điểm của tội giết người.

Đối chiếu với trường hợp bị can Trang với sức vóc người trưởng thành 26 tuổi hệ cơ xương lớn, cứng, nặng gấp nhiều lần bé 8 tuổi cơ thể rất non nớt mà đánh đập thẳng cánh bé trong 4 giờ liền như vậy đã gây nên sức công phá dữ dội, hậu quả tử vong là tất yếu. Khám nghiệm tử thi xác định bé A bị tổn thương vùng ngực, bụng; gãy khung bên xương sườn 2, 3, 4 bên phải; vùng đầu bé gái bị tụ máu, não phù nhẹ. Đó là hậu quả của trận đòn suốt 4 tiếng Trang gây ra cho bé A dẫn đến tử vong, trong khi bé không có tiền sử bệnh tật gì nguy hiểm tính mạng để mà kết hợp với thương tích gây tử vong cả.

Trang đã đánh gây thương tích liên tục cho đến khi bé có biểu hiện nguy hiểm tính mạng thì mới dừng lại. Có điều, Trang lại không đưa bé đi cấp cứu ngay mà chỉ gọi cho bố bé đi làm về sẽ xử lý, làm chậm chễ cấp cứu, thì Trang đã xác định đó chỉ mang tính thủ tục chứ không xoay chuyển diễn biến tử vong của bé, đã cho thấy mục đích Trang đánh bé đến mức nguy hiểm tính mạng đã đạt được. Đây là tình tiết hết sức quan trọng đáng chú ý.

Như vậy đã có cơ sở khẳng định Trang phạm tội giết người với riêng ngày xảy ra trận đòn suốt 4 tiếng, khi đánh đập gây thương tích liên tục đến khi bé A nguy hiểm tính mạng mới dừng lại và vẫn không đưa đi cấp cứu ngay mà chờ bé tử vong.

Vấn đề thứ 2: Bảo vệ trẻ em thế nào để không tái diễn vụ tương tự?

Cần xác định trẻ em là đối tượng cơ thể còn rất non nớt nên rất dễ bị tổn thương bởi sức vóc người lớn bắt nạt. Cho nên mỗi em phải luôn có người bảo vệ bên cạnh chống bị bắt nạt. Ở gia đình thì bố mẹ là người giám hộ phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Ở trường học thì các thầy cô, nhân viên bảo vệ phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, ở nơi nào có trẻ em thì nơi đó phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em thì phải ký cam kết với cơ quan chuyên trách về trẻ em, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện cam kết đó.

Các cá nhân tổ chức phải có trách nhiệm giám sát lẫn nhau việc thực hiện bảo vệ trẻ em để kịp thời phát hiện vi phạm mà ngăn chặn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm