Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bầu ơi thương lấy bí cùng!

Nhà thơ Đoàn Thị Ký

Thứ ba, 27/07/2021 - 09:59

(Thanh tra) - Thật lạ, cái mạch nguồn “bầu ơi thương lấy bí cùng” ấy, của người Việt ta cứ âm ỉ chảy, cứ như chờ có dịp là phát lộ, là dâng hiến. Hết chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, hết bão lũ rình dập, đến giờ là dịch bệnh COVID-19 bùng phát như lửa gặp gió.

Một bệnh nhân nặng cần nhiều y bác sĩ chăm sóc. Ảnh: https://suckhoedoisong.vn

Nhận được lời mời của một đồng nghiệp viết bài cho báo giai đoạn cả nước trong trạng thái “chống dịch như chống giặc”, tôi nghĩ ngay đến cái tứ “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Phải vì sự trân trọng? Cũng là cớ, song nhiều hơn có lẽ từ cái tin tôi vừa nghe trên ti vi: Số tiền góp vào Quỹ Vaccine Phòng chống COVID-19 từ hơn 2,7 triệu tin nhắn đạt xấp xỉ 119 tỉ đồng. Quả là minh chứng hiển nhiên cái lẽ ở đời: “Góp gió thành bão”, chung sức vượt khó của dân tộc ta.

Và cũng là sự trùng hợp, cái lẽ nhân sinh ấy lại được nóng lên, lan tỏa đúng dịp nhân dân ta với tâm niệm “uống nước nhớ nguồn”, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, để thể hiện trách nhiệm và cũng là lòng biết ơn của con dân đất Việt, mỗi sớm mai ra bất kỳ ở đâu trên đất nước mình đều được vươn vai, hít thở không khí thanh bình mà bao thế hệ cha anh, đã hy sinh xương máu tạo dựng và trao lại thế hệ sau với niềm tin: “Con hơn cha là nhà có phúc”, đặng cùng nhau giữ gìn, tôn tạo.

Ca sĩ Phương Thanh và Quốc Đại hát tại khu cách ly phục vụ bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Long Khánh/http://baodongnai.com.vn

Là người cầm bút thời công nghệ thông tin có nhiều lợi thế, chỉ cần cú nhấp chuột lướt mạng là đã có tư liệu để cấu tứ thành bài, thành vở. Tôi cũng không ngoại lệ. Trên Báo Nhân dân Điện tử ra ngày 20/6/2012, có bài báo của tác giả Nguyễn Đình Hưng, viết về Bức thư của Hồ Chủ tịch gửi bà Nguyễn Thị Đích, thường gọi bà Bá Huy ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 27/7/1947, tri ân tấm lòng nghĩa hiệp của vợ chồng bà đã góp 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu và vận động bà con lập Trại An dưỡng đường, nuôi dưỡng thương bệnh binh. Bức thư có câu: “Bà là kiểu mẫu thực hành khẩu hiệu: Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức/Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”, như một tiêu chí khẳng định sức mạnh của lòng dân.

Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau này là bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, đã chứng minh sức mạnh truyền thống đoàn kết, như ý nguyện Bác Hồ gửi gắm trong thư.

Viết đến đây tôi vụt nhớ một kỷ niệm thời còn là phóng viên của Báo Văn nghệ Hà Tuyên (tên của tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang hợp nhất năm 1976). Vào những năm 80 thế kỷ trước, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới chống bọn bành trướng Trung Quốc diễn ra ác liệt ở các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Vị Xuyên… Các cơ quan đầu não của tỉnh đã sơ tán về tuyến dưới, thị xã Hà Giang chỉ có màu xanh áo lính và những người dân kiên gan bám trụ. Bộ đội hành quân cấp tốc, hậu cần có lúc chậm chân thì đã có lòng dân sở tại, được quy tụ, gửi gắm nơi Hội Mẹ chiến sỹ. Một trong những người dân có tấm lòng thơm thảo của Hội Mẹ chiến sỹ thị xã Hà Giang là bà Nguyễn Thị Hiếu. Bà còn được anh em bộ đội gọi là mẹ Hiếu.

Mẹ Hiếu chồng mất sớm, sống đơn thân là tiểu thương chuyên bán hàng khô ở chợ thị xã. Bà đã cùng chị em buôn bán trong chợ nhiều lần đóng góp cá khô, chai mắm tép, lít dầu hỏa, giấy bút… lấy từ đồng lãi cò con để ủng hộ bộ đội. Vào những dịp lễ, Tết, bà và chị em trong hội thường nghỉ bán hàng, đến các đơn vị bộ đội tay bắt mặt mừng, trao yêu thương, tặng quà.

Để bài báo thêm sức nặng nhờ con số, có lần tôi đã hỏi bà: “Số hàng hóa của Hội Mẹ gửi tặng bộ đội có tính thành số tiền không?” Mẹ Hiếu cười mà rằng: “Trên chốt cần gì là lấy hàng gửi cho anh em, ai mà tính đếm, anh em bộ đội còn hy sinh xương máu, mấy đồng bạc của mình xá kể!”

Tấm lòng của mẹ Hiếu đã cảm động Đất, Trời. Như một cơ duyên, có người lính trẻ tên là Phú quê ở Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, cảm phục và yêu quý đã nhận bà Hiếu làm mẹ. Biên giới yên bình, chiến sỹ Phú ra quân ở lại Hà Giang làm việc và về sống cùng với mẹ Hiếu, cũng là được gần hơn những đồng đội đã ngã xuống nằm ở Nghĩa trang Vị Xuyên. Còn mẹ Hiếu thì giờ đây tuổi già thêm đầm ấm bởi ríu rít tiếng trẻ gọi bà nội Hiếu… Một cái kết thật có hậu của tình nhân ái “uống nước nhớ nguồn”, không hiếm ở đâu đó trên đất nước ta sau ngày im tiếng súng.

Và, cũng thật lạ, cái mạch nguồn “bầu ơi thương lấy bí cùng” ấy của người Việt ta cứ âm ỉ chảy, cứ như chờ có dịp là phát lộ, là dâng hiến. Hết chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, hết bão lũ rình dập, đến giờ là dịch bệnh COVID-19 bùng phát như lửa gặp gió. Thời đại thế giới phẳng, dịch bệnh lây lan, nước ta không là biệt lệ. Hơn bao giờ hết chỉ có đồng lòng tri niệm: “Còn người là còn của”, nói khác đi là bảo vệ toàn vẹn tính mạng cho toàn dân là mục tiêu tối thượng của Đảng và Nhà nước ta trong lúc này. Ý niệm ấy đã thành những việc làm, hành động cụ thể của các cấp chính quyền, của mọi người dân, nhất là đội ngũ thầy thuốc, những người trực tiếp đối mặt với hiểm nguy, giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng. Trong những ngày này, trên ti vi, trên các trang báo không ít tấm gương xả thân vì cộng đồng, tiếp sức cho nhau vượt qua hiểm nghèo, quyết tấm chiến thắng dịch bệnh.

Không chỉ bán giá rẻ, anh Minh còn tặng miễn phí cho những người đang khó khăn. (Ảnh: Nguyễn Thủy/https://dantri.com.vn).

Này đây, sạp hàng bán rau xanh vườn nhà, với giá 0 đồng của người nông dân có tên Minh Râu ở Long An những ngày đầu thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách. Này là cửa hàng bán đồ thiết yếu với giá 0 đồng cho bà con ở thị trấn núi Sập, An Giang và rất nhiều bữa cơm 2.000 đồng ở thành phố Hồ Chí Minh, 0 đồng ở Vĩnh Long…

Có bát cơm ấm dạ người cơ nhỡ, người đang thực hành công vụ ấy là nhờ người góp công, người góp của, vô hình chung cùng quy về tâm niệm của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu trong lá thư Bác tri ân bà Bá Huy ngày nào. Họ đâu cần để lại danh tính. Ví như cái tin nhắn trên điện thoại kia, làm sao người khác biết họ đóng góp bao nhiêu tiền, để cùng Nhà nước mua trang thiết bị phòng, chữa bệnh, ít nhiều tùy tâm, họ tin cái tâm ấy Trời, Đất biết, ngõ hầu tạ ơn được may mắn Trời sinh Đất dưỡng nên Người Việt Nam.

Khi tôi viết những dòng cuối này, Thủ đô Hà Nội đang thực hiện giãn cách phòng chống dịch sang ngày thứ 3. Phố Đội Cấn nơi tôi cư ngụ gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ắng lặng, vẻ ắng lặng ẩn chứa sự điềm tĩnh trong mỗi người dân, nghiêm túc tuân thủ các quy định 5 K, để tự bảo vệ mình, cũng là bảo vệ cộng đồng.

Chừng hơn 5 giờ sáng nay, tôi đang đi bộ trong sân tập thể thì cô hàng rau quen mời mua: “Rau ruộng nhà, các cô thường ăn, cháu vẫn lấy giá như mọi ngày 6.000 đồng/mớ.” Cầm mớ rau muống lá quế ròn, non tôi vô cùng cảm động. Muống này luộc lên thả sấu xanh vào  thì  con COVID cứ gọi là… trôi tuột. “Có khách đặt cháu lá lốt để chữa bệnh, tiện thể cháu hái thêm rau đem ra, cháu đi từ nhà lúc 4 giờ sáng, rau cũng sắp hết cháu chuẩn bị về. Mai cháu không đi nữa, cũng phải tuân thủ giãn cách, bảo vệ mình cô ạ.” Cô hàng rau nói rồi quày quả chào tôi ra bán nốt.

Nhìn mớ rau tôi lại nhớ hình ảnh bà mẹ già ở Quảng Trị, tay xách quả bí đỏ đến điểm tập kết, ủng hộ bà con làm rau ăn trong vùng dịch đang bùng phát. Thật bình dị mà có sức cảm hóa lòng người về lẽ sống ở đời... Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Lẽ sống ơn nghĩa ấy đã và đang trở thành mệnh lệnh của trái tim mỗi con dân đất Việt ở trong nước cũng như ở xa Tổ quốc, vì sức khỏe cộng đồng, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi bệnh dịch.

   Phố Đội Cấn, ngày 26/7/2021

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm